Mạng xã hội - Con dao 2 lưỡi. Bài 1: Sức mạnh liên kết

09/08/2017 06:11

Internet và mạng xã hội đã trở nên phổ biến, mang lại nhiều giá trị tích cực cho xã hội, nhưng nó cũng được ví như "con dao 2 lưỡi" ẩn chứa những hiểm họa khó lường...




Mạng xã hội như "con dao 2 lưỡi" ẩn chứa nhiều hiểm họa khó lường nếu sử dụng không đúng mục đích. Trong ảnh: Chuyên gia
truyền thông Mỹ Jay Craig Hartwell truyền đạt kinh nghiệm làm báo trong thời buổi bùng nổ công nghệ số


Nhiều trang mạng xã hội (MXH) đã tổ chức quyên tiền giúp đỡ người khó khăn rất hiệu quả. Không ít người đã thất lạc gia đình nhiều năm nhờ MXH mà đã tìm được nhau. Đó là sức mạnh và lợi ích của MXH mang lại.

"Phép màu"

Những ngày này, những người thân của bà Phạm Thị Xoa (sinh năm 1964) ở xóm 2, thôn Tân Sơn, xã Cẩm Sơn (Cẩm Giàng) được thắp lại tia hy vọng tìm thấy bà sau 3 năm mất liên lạc.

Bà Xoa không có chồng, sống cùng bố mẹ đã cao tuổi. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, ngày 1.7.2014, bà Xoa ký hợp đồng xuất khẩu lao động với Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Bạch Đằng (số 268Đ Trần Nguyên Hãn, phường Niệm Nghĩa, quận Lê Chân, Hải Phòng) để sang Saudi Arabia làm giúp việc gia đình với thời hạn 2 năm.

Từ ngày sang Saudi Arabia đến nay, người thân mất hoàn toàn liên lạc với bà Xoa. "Nhiều lúc gia đình tôi rơi vào tuyệt vọng. 3 năm dài đằng đẵng mà không có tin tức gì của cô ấy", anh Phạm Anh Dũng, cháu bà Xoa cho biết.

Bất ngờ đầu tháng 7 vừa qua, chủ tài khoản Facebook "Muoi Nam Đợi Chờ" tự giới thiệu đang làm việc gần chỗ bà Xoa chia sẻ thông tin với tài khoản Facebook "Xã Cẩm Sơn". Người này cho biết từ khi sang Saudi Arabia, bà Xoa bị chủ nhà thu điện thoại, không trả lương, bị đánh đập, hiện sức khỏe rất yếu. Thông tin trên lập tức được gần 1.000 lượt chia sẻ trên Facebook. Tài khoản Facebook "Muoi Nam Đợi Chờ" còn chỉ rõ bà Xoa đang làm việc cho một gia đình ở TP Buraidah (Saudi Arabia).

Từ những thông tin trên, gia đình bà Xoa đã liên hệ với bà Vũ Thị Phượng, Giám đốc chi nhánh Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Bạch Đằng - đơn vị đưa bà Xoa sang Saudi Arabia. Tuy nhiên, bà Phượng không gặp trực tiếp mà chỉ trao đổi qua điện thoại rằng đang tìm cách đưa bà Xoa về nước. Bức xúc trước thái độ của bà Phượng, gia đình bà Xoa đã đề nghị Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) giúp đỡ. Đến nay, mọi việc diễn ra khá thuận lợi. "Đã có tia hy vọng về cô tôi. Chúng tôi đề nghị các cơ quan liên quan giúp gia đình nhanh chóng đưa cô tôi về nước", anh Dũng nói.

Ngày nay, MXH đóng vai trò quan trọng vì nhờ nó mà người dân được trao quyền quan sát, nhận định, đánh giá... Diễn viên Chu Hùng - người đóng vai Thế “chột” trong bộ phim nổi tiếng “Người phán xử” đang chiếu trên kênh VTV3 lại nổi tiếng hơn nhờ MXH. Gia đình ông bị cắt điện, nước suốt 5 năm qua vì chính quyền phường cho rằng căn nhà ông đang ở xây trái phép. Kết quả thật bất ngờ, chỉ vài chục giờ sau khi clip sự việc trên phát tán trên Facebook, gia đình diễn viên Chu Hùng đã nhận được tin vui sẽ có điện nước trở lại. Dĩ nhiên, cơ quan chức năng có lý do để cắt điện nước, song vấn đề đáng nói ở đây là sự bức xúc của cộng đồng mạng đã biến sự việc cá nhân thành việc xã hội, khiến cơ quan chức năng không thể ngồi yên.

Nhiều người dùng Facebook đã phát huy sức mạnh của MXH, biến nó thành công cụ làm được nhiều việc có ích cho cộng đồng. MC Phan Anh nhanh chóng trở thành nhân vật “hot” trên mạng khi anh lên Facebook cá nhân kêu gọi cứu trợ đồng bào miền Trung bị lũ lụt năm 2016 và tự mình ủng hộ 500 triệu đồng. Hành động “nói là làm” của MC Phan Anh nhận được sự cộng hưởng nhiệt liệt của cộng đồng mạng và chỉ sau vài ngày đã thu được gần 20 tỷ đồng tiền cứu trợ đồng bào miền Trung.

Báo Hải Dương thường xuyên đăng tải những địa chỉ cần giúp đỡ. Một số nhóm bạn trẻ đã lập các fanpage kêu gọi nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ. Kết quả nhiều gia đình nhận được hỗ trợ của cộng đồng xã hội, giúp họ vượt qua khó khăn. Như vụ tai nạn giao thông khiến 4 người trong gia đình anh Nguyễn Văn Đại quê ở xã Minh Đức (Tứ Kỳ) bị cuốn vào gầm xe ô tô dịp đầu năm 2017, sau khi báo Hải Dương đăng bài viết ở mục “Địa chỉ cần giúp đỡ”, một nhà báo đã chia sẻ lên mạng xã hội, gần 80 tài khoản Facebook khác chia sẻ lại. Thông tin trở nên “hot” trên báo Hải Dương nhiều ngày liền vì có nhiều người đọc. Riêng Facebook Thiện Nguyện Thành Đông đã huy động được hàng chục triệu đồng tiền quyên góp ủng hộ gia đình anh Đại, trong đó có tiền của những người nổi tiếng như giáo sư Nguyễn Lân Dũng.



Người nhà bà Phạm Thị Xoa hy vọng tìm lại bà sau 3 năm mất liên lạc thông qua mạng xã hội Facebook


Ảnh hưởng sâu rộng

Trong một khóa giảng kỹ năng báo chí tại Hội Nhà báo Việt Nam mới đây, ông Jay Craig Hartwell, chuyên gia truyền thông Mỹ cho biết thế giới đang sử dụng rất hiệu quả MXH làm công cụ truyền tải thông tin. Ngay cả những hãng tin lớn như BBC, Bloomberg đều sử dụng trang fanpage, YouTube... để chia sẻ thông tin, quảng bá hình ảnh và thể hiện quan điểm về một vấn đề nào đó.

Việc người dùng trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng lựa chọn Facebook, Twitter, YouTube, Zalo, Lindkedin... để đọc báo, tìm kiếm thông tin ngày càng rộng rãi cho thấy ảnh hưởng sâu rộng của MXH trên thế giới. Dẫn chứng về vụ khủng bố đẫm máu ở Paris (Pháp) xảy ra cuối năm 2015, ông Jay Craig Hartwell cho biết ngay sau khi vụ khủng bố xảy ra tại Thủ đô Paris vào tối 13.11.2015, những tin tức đầu tiên đã nhanh chóng xuất hiện và lan truyền trên Facebook, Twitter. Nhiều tờ báo lớn của Pháp và thế giới đã dẫn lại những thông tin được người dùng cập nhật, chia sẻ trên MXH về vụ khủng bố. Thậm chí, nhiều hãng tin sử dụng chính tài khoản Facebook, Twitter... của mình để chia sẻ trực tiếp vụ việc hay như một cổng giao tiếp để tiếp nhận thông tin trực tiếp từ những người dùng MXH khác có mặt tại hiện trường.

MXH cũng đóng vai trò to lớn trong việc giúp những người đang sống tại Paris và vùng lân cận gửi đi thông tin đến người thân và bạn bè của mình về sự an toàn của họ. Sau khi vụ khủng bố xảy ra, trên MXH Facebook và Twitter tràn ngập hashtag (nhãn từ khóa được bắt đầu bằng dấu #) #Porte Ouverte (Cửa mở đấy). Đây là hashtag được người dân sống tại Paris sử dụng để kêu gọi những ai đang ở khu vực nguy hiểm hay du khách đang có mặt tại Paris không an tâm về nơi tạm trú của mình có thể tới nhà của họ để tạm thời trú ẩn...

Theo thống kê của trang The Next Web, tính tới tháng 7.2017, Việt Nam có hơn 49 triệu người sử dụng internet (chiếm 52% số dân), trong đó khoảng 40 triệu người sử dụng MXH (chủ yếu là Facebook).

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mạng xã hội - Con dao 2 lưỡi. Bài 1: Sức mạnh liên kết