Vì ham rẻ và thiếu kiến thức về hàng hóa nên đã có không ít người dân ở nông thôn mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng của những người bán hàng rong.
Bà Nguyễn Thị Lượng ở xã Thái Học (Bình Giang) mua chiếc máy sục ô-dôn của một người bán rong
với giá đắt hơn 200 nghìn đồng so với mua ở đại lý phân phối chính hãng. Ảnh chụp ngày 29-11
Ham rẻ mua phải hàng "rởm"Cách đây 1 tháng chị Nguyễn Thị Hạnh ở thôn Quang Tiền, xã Đồng Quang (Gia Lộc) mua phải chiếc nồi cơm điện "rởm”. Vẫn chưa hết bức xúc, chị Hạnh kể: Khoảng 9 giờ sáng 1-11 khi tôi đang dọn vườn thì có 2 người vào nhà giới thiệu là nhân viên của siêu thị điện máy Phương Đông đến giới thiệu bán sản phẩm mẫu. 2 nhân viên này cho tôi xem bộ nồi cơm điện mới của Hàn Quốc với nhiều chức năng như: nấu cơm, hấp thức ăn, nấu cháo... 2 nhân viên này còn cho biết siêu thị đang có chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Tôi quyết định mua chiếc nồi đa năng của 2 nhân viên đó với giá hơn 3 triệu đồng. Thế nhưng chỉ sau 1 tuần sử dụng, chiếc nồi cơm điện đã bị hỏng chế độ hâm nóng. Bức xúc hơn, khi mang phiếu quà tặng và phiếu bảo hành đến siêu thị điện máy Phương Đông ở số 9 đường Hoàng Hoa Thám (TP Hải Dương) thì được biết, đơn vị không đưa nhân viên đi giới thiệu và bán sản phẩm, càng không có chuyện doanh nghiệp thực hiện chương trình giảm giá sản phẩm và tặng phiếu bốc thăm. Trước những thông tin nhận được, chị Hạnh mới biết mình bị lừa.
Sáng 26-11, có mặt tại cổng chợ Đọ, xã Phạm Kha (Thanh Miện) tôi thấy rất nhiều người dân tập trung quanh một chiếc xe tải nhỏ chất đầy hàng gia dụng từ xoong, nồi, bát, đĩa cho tới bàn chải đánh răng, nước rửa bát... Người bán hàng dùng một chiếc loa nhỏ không ngớt quảng cáo về những sản phẩm đang bày bán với giá rẻ bất ngờ. Quan sát các sản phẩm ở đây tôi thấy phần nhiều là hàng có xuất xứ từ Trung Quốc và một số sản phẩm do các cơ sở sản xuất trong nước gia công. Hỏi một khách hàng vì sao lại thích mua hàng ở đây, chị này cho biết: “Sản phẩm tuy chất lượng không cao nhưng giá lại rẻ. Chỉ cần 10 nghìn đồng là có thể mua được 3 chiếc khẩu trang, 100 nghìn đồng mua được 3 chiếc nồi nhôm cỡ nhỏ. Khi tôi hỏi nếu sản phẩm bị hỏng hoặc không bảo đảm chất lượng chị sẽ làm thế nào, thì chị thản nhiên trả lời: "Mua hàng rong giá rẻ thì phải chấp nhận thôi".
Không chỉ tại các huyện Gia Lộc, Thanh Miện, thời gian gần đây, tại huyện Bình Giang người dân cũng phản ánh có một số người tự xưng là nhân viên của siêu thị điện máy HC Hải Dương thực hiện chương trình "Xả hàng tồn kho" và giới thiệu sản phẩm đến các vùng nông thôn. Tuy nhiên, sau khi mua bếp từ, nhiều người dân mới biết đây là loại bếp "rởm", có nguồn gốc Trung Quốc. Dùng được một thời gian ngắn, lớp mạ mặt bếp đã bị bong tróc. Tinh vi hơn, các sản phẩm này đều được dán nhãn tiết kiệm năng lượng và tem hợp quy (CR), ghi rõ địa chỉ nhà sản xuất. Ông Nguyễn Văn Hinh ở xã Tân Hồng (Bình Giang) bức xúc: "Các thông tin về sản phẩm còn bị làm giả thì chúng tôi biết tin ai".
Chúng tôi đã liên hệ với siêu thị điện máy HC, đại diện phòng chăm sóc khách hàng khẳng định, siêu thị không đưa hàng về bán ở các vùng trên. Như vậy là nhiều người ở xã Tân Hồng đã bị mắc lừa.
Cũng ở huyện Bình Giang, người dân xã Thái Học còn phản ánh hiện nay xuất hiện một số trường hợp đến tư vấn và khám sức khỏe sau đó gạ bán các loại máy phục hồi chức năng và máy sục ô-dôn cho rau củ quả, được quảng cáo là tốt cho sức khỏe với giá cao hơn rất nhiều so với bán tại một số đại lý ở TP Hải Dương. Bác Nguyễn Thị Lượng, người mua phải chiếc máy sục ô-dôn với giá đắt cho biết: “Do tôi không tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm, nghe những lời giới thiệu ngon ngọt của người bán hàng mà không biết mình đã mua máy với giá đắt hơn so với mua tại đại lý tới 200 nghìn đồng".
Quản lý lỏng lẻoRõ ràng nhiều người dân đã biết hàng rong thường kém chất lượng nhưng vì ham rẻ và ham các chương trình khuyến mãi nên vẫn bỏ tiền ra mua. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến hàng giả, hàng nhái có đất sống ở nhiều vùng nông thôn của tỉnh.
“Thời gian gần đây chúng tôi đã phát hiện và theo dõi một số đối tượng đi bán rong lừa người dân nhẹ dạ, cả tin nhưng vì không có cách nào để kiểm tra và đánh giá chất lượng sản phẩm nên chúng tôi không thể xử lý được. Những người bán hàng rong chỉ hoạt động trên địa bàn khoảng 1-2 ngày sau đó họ đi mất mà không để lại bất cứ một thông tin liên lạc nào nên khó xử lý", ông Nguyễn Xuân Cộng, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Quang (Gia Lộc) cho biết.
Còn theo giải thích của ông Bùi Thế Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh thì hiện nay thị trường nông thôn quá rộng, trong khi các đội quản lý thị trường số lượng mỏng. Ban Chỉ đạo 127 cấp huyện phần nhiều kiêm nhiệm, lại không có phương tiện kiểm tra nên không có điều kiện giám sát chặt thị trường nông thôn. Ông Hùng cũng thừa nhận, từ đầu năm 2013 đến nay Chi cục Quản lý thị trường chưa xử lý được vụ hàng rong lừa bán sản phẩm kém chất lượng nào.
Để không bị lừa, trước hết mỗi người dân cần là người tiêu dùng thông thái bằng cách không nên mua sản phẩm của những người bán hàng rong mà chỉ mua sản phẩm tại những cửa hàng uy tín, có địa chỉ rõ ràng. Lực lượng quản lý thị trường các cấp cần quan tâm hơn nữa đến thị trường nông thôn, kiểm soát chặt chẽ những đối tượng bán hàng rong. Tổ chức các đợt tập huấn, hướng dẫn cách nhận biết hàng giả, hàng nhái cho người tiêu dùng. Các doanh nghiệp chân chính cũng cần mạnh dạn đấu tranh với những cơ sở sản xuất hàng giả, hàng nhái để bảo vệ quyền lợi của chính mình, không để những đối tượng làm ăn bất chính biến thị trường nông thôn thành nơi tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
HẢI MINH