Bệnh viện Mắt và Da liễu tỉnh trung bình mỗi ngày khám cho trên 100 lượt bệnh nhân mắc các bệnh về mắt.
Bác sĩ Nguyễn Kim Bách kiểm tra thị lực cho bệnh nhân
Hiện nay, các bệnh về mắt có xu hướng tăng nhanh. Không ít trường hợp do chưa quan tâm việc thăm khám và chăm sóc mắt hằng ngày đã dẫn tới giảm thị lực, thậm chí mù vĩnh viễn.
Khoa Mắt (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) khám và điều trị cho trên 10.000 bệnh nhân mỗi năm. Trong đó, thu dung điều trị nội trú cho trên 1.300 bệnh nhân mắc các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể, Glocom (thiên đầu thống), mộng, quặm, chấn thương, loét giác mạc, viêm màng bồ đào, bệnh đáy mắt... Bệnh nhân nội trú tại Khoa Mắt chủ yếu là bị đục thủy tinh thể, Glocom và chấn thương về mắt. Trung bình một năm khoa tiến hành phẫu thuật bằng phương pháp phaco cho trên 500 ca đục thủy tinh thể, trong đó có trên 200 ca đục thủy tinh thể phồng (thủy tinh thể quá chín), một số trường hợp đã bị tăng nhãn áp.
Bà Nguyễn Thị Chung (73tuổi, ở thôn Bầu, thị trấn Lai Cách, Cẩm Giàng) là trường hợp biến chứng thủy tinh thể quá chín điển hình. Trước đây 7 năm, bà Chung đã thay thủy tinh thể mắt phải và thị lực vẫn rất tốt. Thời gian gần đây, mắt trái của bà bị mờ dần nhưng đến khi có hiện tượng đau nhức, gia đình mới đưa bà tới bệnh viện. Các bác sĩ phải thực hiện hai phẫu thuật song song: vừa mổ hạ nhãn áp vừa thay thủy tinh thể. Đây là ca phẫu thuật khó, tỷ lệ biến chứng cao hơn nhiều so với đục thủy tinh thể thông thường. Những trường hợp như bà Chung kết quả thị lực sau phẫu thuật đem lại rất hạn chế, thậm chí có thể không nhìn thấy.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết, Trưởng Khoa Mắt (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: Tỷ lệ người dân đến can thiệp các bệnh về mắt ngày càng tăng dần. Nếu như trước đây, những người mắc đục thủy tinh thể có thị lực 1đến 2/10 vẫn chủ quan và không đi phẫu thuật thì nay do nhu cầu đời sống nâng cao nên họ đã đến can thiệp sớm. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người cho rằng sau khi thay thủy tinh thể, nếu mắt mờ dần thì sẽ bị mù vĩnh viễn. Nhận thức đó là hoàn toàn sai lệch. Có người sau khi thay thủy tinh thể khoảng 2 năm thì nhìn mờ dần, là hiện tượng của bệnh đục bao sau. Tại Hải Dương đã thực hiện được việc điều trị đục bao sau rất đơn giản, chỉ cần chiếu tia laser để xử lý phần bao bị đục và mắt người bệnh sẽ sáng trở lại bình thường.
Bệnh viện Mắt và Da liễu tỉnh trung bình mỗi ngày khám cho trên 100 lượt bệnh nhân mắc các bệnh về mắt. Mỗi năm bệnh viện phẫu thuật thay thủy tinh thể cho trên 5.000 bệnh nhân, điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân mắc quặm, mộng, loét giác mạc... Trong số bệnh nhân phẫu thuật thay thủy tinh thể tại bệnh viện, có khoảng 5% mắc đục thủy tinh thể để quá chín và trên 1% số ca này đã bị tăng nhãn áp.
Bác sĩ Nguyễn Kim Bách, Phó Trưởng Khoa Khúc xạ (Bệnh viện Mắt và Da liễu tỉnh) cho biết trong số bệnh nhân đến bệnh viện khám và điều trị có tới 80% người dân chưa quan tâm chăm sóc mắt của mình, tự ý mua thuốc điều trị khi mắt có vấn đề. Từ thói quen nguy hiểm này, người dân dễ mắc các biến chứng khi sử dụng thuốc không theo chỉ định kéo dài như mắc bệnh đục thủy tinh thể, thiên đầu thống, thị lực giảm khi sử dụng thuốc tra mắt chứa Corticoid, loét giác mạc... "Để giữ đôi mắt trong sáng, mỗi người cần bảo đảm vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch; dùng riêng khăn, gối, chậu rửa mặt. Phơi khăn ngoài nắng hằng ngày và tuyệt đối không dùng tay dụi mắt. Khi mắc các bệnh về mắt cần tới bác sĩ chuyên khoa để khám, điều trị, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra", bác sĩ Bách khuyến cáo.
ĐỨC THÀNH