Y tế - Sức khỏe

"Bác sĩ" AI khám mắt trong 8 giây

T.T (theo báo VnExpress) 11/03/2024 08:40

Phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) EyeDr tầm soát bệnh glaucoma chỉ mất 8-10 giây thay vì đợi 15-20 phút như trước.

i1-suckhoe.vnecdn.net-2024-03-10-_chup-anh-gai-thi-1710033808-3184-1710034344.png
Bác sĩ tầm soát bệnh glaucoma cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Ứng dụng này được Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh đưa vào tầm soát miễn phí bệnh glaucoma cho khoảng 500 người, từ ngày 12-29/3, nhân Tuần lễ Glaucoma thế giới (10-16/3).

Đây là phần mềm AI do TS.BS Phạm Thị Thủy Tiên cùng thạc sĩ công nghệ thông tin Hồ Phương Thanh Tài và 4 y bác sĩ của bệnh viện nghiên cứu phát triển. Phần mềm tầm soát bệnh glaucoma bằng cách chụp ảnh màu gai thị để phát hiện bệnh sớm, độ nhạy đạt 90%, độ chuyên biệt đạt 93%. Ứng dụng đã giành giải nhì Giải thưởng Sáng tạo TP Hồ Chí Minh, tháng 8/2023.

Theo bác sĩ Tiên, trước đây, để khám tầm soát cho một người bệnh glaucoma, bệnh viện phải sắp xếp bố trí nhiều nhân lực và người bệnh phải chờ 15-20 phút mới hoàn tất công đoạn chẩn đoán bệnh. Đơn cử, hàng năm để tầm soát khoảng 300 người nhân Tuần lễ Glaucoma Thế giới, bệnh viện phải huy động 10 bác sĩ chuyên khoa, 20 điều dưỡng, khám trong một buổi (4 giờ). Như vậy, bác sĩ phải mất 40 giờ chỉ để khám cho 300 người. Những vấn đề về công tác tổ chức như tiếp đón, nhận bệnh, lưu trữ, công tác hậu cần, an ninh trật tự cũng cần đến 30 người hỗ trợ.

Hơn nữa, việc khám bệnh còn tùy thuộc kinh nghiệm của bác sĩ và sự hợp tác của người bệnh trong lúc khám. Bác sĩ Tiên và nhóm nghiên cứu cùng chung trăn trở "làm sao có thể chuẩn hóa việc tầm soát này và có cách nào tầm soát nhiều người bệnh mà không cần phải tốn nhiều nhân lực". Các y bác sĩ mong muốn phát triển một thuật toán AI có khả năng phát hiện glaucoma bằng hình ảnh đĩa thị tốt như một chuyên gia glaucoma và có thể chẩn đoán từ xa, nơi không có cả bác sĩ chuyên khoa mắt.

Từ kho dữ liệu hình chụp đáy mắt cũ chỉ có giá trị sử dụng của bác sĩ điều trị cho bệnh nhân, nhóm nghiên cứu cùng kỹ sư công nghệ thông tin phát triển thành phần mềm EyeDr. Ứng dụng công nghệ 4.0 này dùng chính kho dữ liệu hình ảnh chụp đáy mắt của bệnh nhân Việt Nam để tầm soát bệnh lý glaucoma.

Khám bằng EyeDr, người bệnh không cần phải chờ đợi lâu, chỉ mất khoảng 8-10 giây đã có kết quả chụp ảnh màu gai thị. Nhân lực phục vụ cho việc khám tầm soát bằng phần mềm chỉ cần 7 người so với 30 nhân viên nếu tầm soát trực tiếp. Đưa vào ứng dụng từ năm 2023, hiện, phần mềm đã được nâng cấp, thêm phần đặc điểm nhãn áp, giúp phát hiện những người tăng nhãn áp giai đoạn sớm chưa có biểu hiện tổn thương ở đĩa thị.

Bệnh glaucoma hiện là mối đe dọa nguy hiểm với sức khỏe cộng đồng. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây mù lòa trên thế giới, đứng thứ hai sau đục thủy tinh thể. Bệnh tiến triển âm thầm, đặc biệt trong giai đoạn sớm. Khoảng 50% bệnh nhân ở những nước đã phát triển và 90% bệnh nhân ở những nước đang phát triển không biết mình mắc bệnh.

Phát hiện sớm và điều trị kịp thời, người bệnh có thể tránh được biến chứng mù lòa. Tỷ lệ phát hiện sớm bệnh glaucoma ở Việt Nam hiện thấp do chưa có phương pháp khám tầm soát phù hợp kịp thời.

Theo bác sĩ Tiên, với EyeDr, các bệnh viện kể cả tuyến quận huyện, trung tâm y tế phường xã, chỉ cần trang bị thiết bị chụp được ảnh gai thị là hoàn toàn có thể tầm soát sớm bệnh lý đáy mắt cho người bệnh mà không cần sự hiện diện trực tiếp của bác sĩ hay chuyên gia glaucoma. Đồng thời, các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt cũng có thể ứng dụng phần mềm như một phương tiện Telehealth cho những vùng sâu, vùng xa.

Người trên 40 tuổi, có những yếu tố nguy cơ như cận thị nặng, viễn thị nặng, tiền sử gia đình có người mắc bệnh glaucoma, đái tháo đường, cao huyết áp... được khuyến cáo tầm soát glaucoma.

T.T (theo báo VnExpress)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Bác sĩ" AI khám mắt trong 8 giây