Lưu ý khi du lịch chùa Hương năm 2022

10/02/2022 07:01

Chùa Hương năm nay không tổ chức phần lễ hội, bến thuyền hạn chế số khách, du khách cũng không được ở quá lâu tại một điểm.

Chùa Hương (khu di tích Hương Sơn) nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 65 km về phía nam. Để có chuyến tham quan và lễ chùa an toàn mùa lễ hội năm nay, du khách cần lưu ý những điều dưới đây.

Thời điểm

Du khách đi lễ hội chùa Hương thường chọn tháng 1-3 âm lịch hàng năm, cụ thể đông nhất là từ mùng 6 tháng giêng đến hết tháng 3 âm lịch, cao điểm là 15 tháng giêng đến 15 tháng 2 âm lịch. Năm nay, chùa Hương mở cửa muộn, từ ngày 16.2 (tức ngày 16.1 âm lịch).

Ngoài dịp lễ Tết, du khách có thể vãn cảnh chùa quanh năm, ngắm mùa hoa gạo nở tháng 3-4, hoặc xuôi dòng suối Yến mùa hoa súng nở tháng 10 - 11.

Lưu ý mùa dịch

Năm nay để bảo đảm an toàn, phòng chống dịch tại khu di tích, huyện Mỹ Đức không tổ chức phần lễ hội. Huyện thành lập 8 tiểu ban, một trạm kiểm tra vé và điều hành đò, xuồng, một tổ kiểm tra liên ngành.

Ban quản lý khu di tích quy định, khi đến tham quan tại khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn, du khách phải quét mã QR ở các điểm khai báo y tế. Ngoài ra, bến thuyền sẽ hạn chế số khách, các nhà thuyền không chở quá số khách quy định (tùy loại thuyền, dao động từ 12 đến 30 khách). Các điểm tham quan cũng hạn chế khách đoàn và du khách không được ở lại quá lâu tại một điểm.

Sau khi có quyết định chùa Hương mở cửa đón khách, huyện Mỹ Đức được Sở Y tế Hà Nội yêu cầu xây dựng phương án khi phát hiện, điều trị du khách mắc Covid-19, bố trí sơ đồ phân luồng khách ra vào khu di tích, khử khuẩn cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cabin cáp treo, rà soát việc tiêm vaccine phòng Covid-19...

Cách di chuyển

Từ Hà Nội, du khách có thể đến chùa Hương bằng nhiều phương tiện khác nhau như xe buýt, xe máy, ô tô cá nhân hoặc xe limousine, thuê xe khách...

Nếu đi bằng xe máy tự túc, du khách theo hướng Nguyễn Trãi - Hà Đông - Ba La - Vân Đình - Tế Tiêu rồi hỏi đường tới bến Đục đi chùa Hương. Nếu đi ô tô, du khách chọn đường quốc lộ 1A Pháp Vân - Cầu Giẽ, đến nút giao Đồng Văn rẽ phải vào quốc lộ 38, đi tiếp 15 km theo hướng Chợ Dầu.

Trang phục

Khi đến những điểm lễ chùa, đền, đình, di tích lịch sử, di sản... đặc biệt khi lên chùa dâng hương, hành lễ, du khách nên chọn trang phục lịch sự, ăn mặc không phản cảm. Ngoài ra, nên kiểm tra thời tiết để mặc đồ phù hợp. Tháng giêng ở Hà Nội hiện có nhiệt độ dao động 14-17 độ C và dễ có mưa.

Các điểm tham quan, lễ chùa ở chùa Hương cần đi bộ nhiều nên một đôi giày thể thao, giày đế bệt sẽ giúp chân thoải mái hơn.

Hiện dịch bệnh tại Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tăng hàng ngày, du khách đến chùa dịp đông người nên mang theo khẩu trang, tấm chắn giọt bắn, nước sát khuẩn tay.

Các điểm tham quan

Tuyến tham quan chính ở thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) là tuyến Hương Tích: Đền Trình - chùa Thiên Trù - động Tiên Sơn - chùa Giải Oan - đền Trần Song - động Hương Tích - chùa Hinh Bồng.

Tuyến Thanh Sơn - Hương Đài có lộ trình: chùa Thanh Sơn - động Hương Đài - chùa Vân Động Long Vân - chùa Cây Khế.

Tuyến Tuyết Sơn có lộ trình: đền Trình - chùa Tuyết Sơn - chùa Bảo Đài - động Ngọc Long - chùa Cá.

Du khách có thể đi về trong ngày từ Hà Nội với tuyến Hương Tích. Còn hai tuyến phụ, du khách nên ở lại thêm ngày thứ 2 mới đủ thời gian tham quan.

Hiện tại, nhiều đơn vị du lịch tổ chức và bán các tour du lịch chùa Hương trong ngày giá khoảng 700.000-800.000 đồng/người.

Giá vé

Vé thuyền 50.000 đồng/người đi tuyến chính, 35.000 đồng/người đi tuyến phụ, vé thắng cảnh 80.000 đồng/người. Nếu đi đoàn đông có thể thuê thuyền to 15 - 20 người ngồi chung sẽ tiện hơn. Cần thiết hơn có thể gọi đặt thuyền với ngày giờ trước để tránh tình trạng đông đúc không thuê được.

Giá vé cáp treo áp dụng cho lễ hội chùa Hương năm nay vẫn giữ nguyên mức các năm trước. Vé khứ hồi là 180.000 đồng/người lớn và 120.000 đồng/trẻ em. Vé một chiều là 120.000 đồng/người lớn và 90.000 đồng/trẻ em.

Lưu ý khi mua đặc sản, đồ lưu niệm

Khu di tích Hương Sơn có nhiều hàng quán bán đặc sản, đồ lưu niệm ở hai bên đường lên các đền, chùa, động... Cần hỏi giá trước khi mua, kiểm tra hạn sử dụng các sản phẩm đóng gói, đóng hộp, đặc biệt vào mùa lễ hội đầu năm.

Không nên mua các sản phẩm từ thịt thú rừng, động vật cấm, hạn chế sát sinh, ăn mặn khi đi lễ chùa.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lưu ý khi du lịch chùa Hương năm 2022