Ngoài áo dài, một số trang phục truyền thống của người Việt xưa vẫn chưa được nhiều người biết đến.
Một gia đình lựa chọn cổ phục để chụp ảnh lưu giữ kỷ niệm
Trào lưu chụp ảnh với cổ phục Việt thời gian gần đây đã góp phần lan tỏa, mang những nét văn hóa truyền thống đến gần hơn với cuộc sống hiện đại.
Nở rộ
Vài năm trước rộ lên trào lưu chụp ảnh với những trang phục truyền thống của một số nước như Hanbok Hàn Quốc, Kimono Nhật Bản hay cổ trang của Trung Quốc. Gần đây, việc mặc cổ phục Việt từ một vài nhóm nhỏ đã dần lan toả và phát triển thành trào lưu. Xuất phát từ mong muốn giữ gìn những nét giá trị văn hóa truyền thống, nhiều người đã chọn lựa mặc cổ phục trong bộ ảnh kỷ yếu của năm học cuối cấp hay những bộ ảnh lưu giữ thời thanh xuân, tuổi trẻ, chụp kỷ niệm cùng gia đình...
Theo một số thợ chụp ảnh, trào lưu chụp ảnh với cổ phục Việt xuất hiện tại Hải Dương trong khoảng nửa năm trở lại đây. Người chụp ở nhiều lứa tuổi, từ những người trẻ cho đến trung tuổi và có cả những em bé mẫu giáo. Anh Lê Trọng Lực ở cửa hàng GenZ Media (TP Hải Dương) thường làm thêm công việc chụp ảnh vào dịp cuối tuần. Trung bình mỗi ngày cuối tuần, anh nhận chụp cho khoảng 5-7 khách. Theo anh Lực, khi chụp ảnh với cổ phục Việt cần có một số lưu ý ở khâu trang điểm và phối hợp phụ kiện một cách phù hợp, hài hòa, đúng theo sự kết hợp của người xưa. Thông thường phải có các phụ kiện đi kèm như khăn vấn cho nữ, khăn xếp cho nam, vòng ngọc, guốc mộc, quạt tay, hoa sen trắng… để làm cho bộ ảnh thêm sinh động.
Mùa kỷ yếu vừa kết thúc cũng là lúc anh Nguyễn Đức Hưng ở xã Cộng Hòa (Nam Sách) vừa hoàn thành việc chụp ảnh cho các học sinh cuối cấp. Anh đã nhận chụp cho hơn 40 lớp trong tỉnh, chưa kể đến khách hàng ở các tỉnh, thành phố khác. Cổ phục được các học sinh, sinh viên lựa chọn chủ yếu là áo tấc.
Cùng với trào lưu này, dịch vụ cho thuê cổ phục cũng bắt đầu xuất hiện, luôn cập nhật xu hướng độc đáo, mới lạ, mẫu mã, chất liệu đa dạng, giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Chị Nguyễn Thị Lương, chủ cửa hàng áo dài Hà My ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) đã mua, đặt may khoảng 200 bộ cổ phục, trong đó chủ yếu là áo tấc với hơn 30 màu để khách hàng thỏa sức lựa chọn. Những bộ áo này vừa giữ được nét truyền thống vừa có sự tiện lợi, thoải mái. Theo chị Lương, khách hàng của chị chủ yếu là học sinh, sinh viên chụp ảnh kỷ yếu, những người chụp theo hội, nhóm hoặc chụp ảnh gia đình. Mỗi ngày trung bình cửa hàng của chị có khoảng 15 người tới thuê cổ phục. Giá mỗi bộ áo tấc cho thuê từ 150.000-250.000 đồng.
Trào lưu chụp ảnh với cổ phục Việt đã góp phần lan tỏa những nét văn hóa truyền thống đến gần hơn với cuộc sống hiện đại
Giữ gìn nét độc đáo của văn hóa truyền thống
Ở nước ta, mỗi triều đại phong kiến trong lịch sử đều có những bộ trang phục mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc như áo Nhật Bình, áo tấc, áo đối khâm, áo giao lĩnh… Điển hình nhất là áo tấc và áo Nhật Bình. Áo Nhật Bình thời nhà Nguyễn là chiếc áo dành cho nữ giới quyền quý trong chốn cung đình và các thiếu nữ trong gia đình quý tộc mặc khi xuất giá. Cổ phục này có tên Nhật Bình bởi hoa văn ở cổ áo khi ghép lại tạo thành một hình chữ nhật ngay trước ngực. Thân áo được trang trí bởi hoa văn dạng hình tròn khép kín, đan xen với các hình phượng múa, hoa lá. Ở tay áo có dải màu ngũ hành lục, vàng, xanh, trắng, đỏ.
Áo tấc hay còn gọi là áo ngũ thân, áo lễ, áo thụng là loại trang phục phổ biến từ dân thường cho đến quan lại, vua chúa đều mặc vào thời Nguyễn. Áo này gồm một áo ngũ thân dài quá đầu gối với tay thụng dài, cài khuy, áo lót bên trong màu trắng, với cổ đứng cài cúc, tà áo chắp từ năm mảnh vải, mặc cùng với quần dài trắng và khăn vấn. Ngoài ra, còn có nhiều những bộ cổ phục khác như áo đối khâm, áo giao lĩnh, áo ngũ thân, áo tứ thân…
Chụp ảnh với cổ phục Việt là cách nhiều người thể hiện sự trân trọng các giá trị văn hóa, lịch sử, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc. Dù đây chỉ là một trào lưu mới xuất hiện trong thời gian gần đây nhưng đã góp phần lan tỏa những nét đẹp, giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Chị Phạm Thị Lan Hương ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) cho biết: “Trước đây tôi đã có khá nhiều bộ ảnh chụp với áo dài, gần đây thấy nhiều người chọn cổ phục nên tôi cũng muốn có một bộ ảnh độc đáo, mới lạ. Từ khi biết và mặc cổ phục đã mang lại cho tôi một cảm giác rất đặc biệt. Khi đăng ảnh lên mạng xã hội, tôi nhận được nhiều lời khen của bạn bè. Trước khi chụp, tôi cũng dành thời gian để tìm hiểu về cổ phục và cảm thấy tự hào khi cổ phục thể hiện tinh thần dân tộc, là nét văn hóa, đặc trưng riêng về cách ăn mặc của người Việt xưa qua mỗi thời kỳ”.
Bối cảnh cho những bộ ảnh cổ phục thường là những địa điểm mang đậm nét cổ xưa như Văn miếu Mao Điền (Cẩm Giàng), chùa Sếu (TP Hải Dương), đền Tranh (Ninh Giang)… Những bộ ảnh này vừa độc đáo, vừa toát lên vẻ đẹp riêng biệt.
HUYỀN TRANG