Đại dịch COVID-19 đang tác động tiêu cực lên các doanh nghiệp và vẫn chưa thể có dự báo chính xác về khả năng, thời điểm phục hồi để có thể bàn tính về đến chuyện tăng lương tối thiểu vùng năm 2021.
Nhiều doanh nghiệp dệt may đã phải nghỉ luân phiên, giảm giờ làm do gặp khó khăn vì ảnh hưởng của dịch COVID-19
Cứ tháng 7 hằng năm, mức tăng lương tối thiểu vùng sẽ được Hội đồng Tiền lương quốc gia họp bàn và chốt phương án trình Chính phủ. Thế nhưng năm nay đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp, khiến hàng triệu người lao động mất việc làm.
Câu hỏi khi nào nền kinh tế sẽ khôi phục trở lại lại chưa có câu trả lời rõ ràng, vì thế việc quyết định mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2021 cũng vẫn còn bỏ ngỏ.
Doanh nghiệp sa thải hàng loạt lao động
Tác động của đại dịch COVID-19 có thể thấy rõ nét nhất qua sự biến động của thị trường lao động trong 6 tháng đầu năm 2020. Số lao động mất việc làm liên tục gia tăng, đặc biệt là trong tháng 6, tình trạng thất nghiệp vẫn diễn biến khó lường. Theo đánh giá của các chuyên gia, nhiều doanh nghiệp trong nước đến thời điểm này mới thực sự gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19 khi không có đơn hàng hoặc thiếu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, vì vậy buộc phải sa thải lao động hoặc tạm ngưng việc.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tình trạng thiếu việc làm và thất nghiệp đang diễn biến ngày càng phức tạp khi số lượng lao động có việc làm tiếp tục giảm. Lao động có việc làm trong quý 2 duy trì ở mức trên 52,1 triệu lao động, giảm 2,2 triệu lao động có việc làm so với quý 1. Sự suy giảm diễn ra mạnh ở đối tượng làm công hưởng lương khi tình trạng sa thải, ngưng việc ở các doanh nghiệp vẫn tiếp tục gia tăng, tập trung ở một số ngành nghề như ngành về may mặc; da giầy, túi xách; ngành thương mại điện tử; ngành du lịch; ngành khách sạn nhà hàng; ngành vận chuyển, giao nhận...
Đáng lưu ý, thất nghiệp tập trung ở nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp như công nhân kỹ thuật không có bằng, trình độ sơ cấp...
Theo ông Vũ Trọng Bình (Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), tính đến tháng 6 năm nay cả nước có gần 31 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập... Trong đó, số người bị ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỷ trọng lớn nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng.
Chỉ tính riêng trong ngành công nghiệp dệt, may; da, giày, túi xách, hơn 1 triệu lao động trong tổng số 4,3 triệu lao động của hai ngành này bị mất việc hoàn toàn. Số còn lại chỉ làm việc với 50-60% công suất nên thu nhập bị giảm tới 40%. Tình trạng mất việc và giảm thu nhập của 4,3 triệu lao động đã có tác động dây chuyền và ảnh hưởng đến đời sống của gần 3 triệu hộ gia đình.
Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp như Công ty TNHH PouYuen Việt Nam dự kiến cắt giảm gần 3.000 lao động; Công ty dệt may Huê Phong, Công ty Gỗ Woodworth Wooden cũng đã xây dựng kế hoạch cắt giảm hơn 2.000 lao động do lượng đơn hàng giảm đến 50%.
Nhiều doanh nghiệp đang bị đứt gãy chuỗi cung ứng, các hợp đồng mới chưa có, hợp đồng cũ chưa xong, chưa kể các vùng nguyên liệu đang bị ảnh hưởng nặng nề. Bên cạnh đó, các thị trường xuất khẩu, nhập khẩu lớn của Việt Nam đang bị ảnh hưởng do việc giãn cách xã hội tại một số nước...
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng để doanh nghiệp có điều kiện phục hồi, bảo vệ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này, VCCI kiến nghị không tính đến việc điều chỉnh lương tối thiểu trong năm 2021.
"Đây là một biện pháp để '‘bồi dưỡng sức khỏe'’ cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này. Tôi hy vọng thời gian tới sẽ có đủ nguồn lực để đáp ứng cho việc điều chỉnh lương tối thiểu và các chính sách xã hội khác với người lao động,” ông Phòng nói.
Chờ đánh giá kỹ hơn
Trong phiên họp đầu tiên hồi cuối tháng 6, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đề xuất 2 phương án về tiền lương tối thiểu vùng năm 2021.
Phương án 1 là khuyến nghị tiếp tục thực hiện mức lương tối thiểu vùng năm 2020 đến hết năm 2021 (không điều chỉnh lương tối thiểu năm 2021). Ưu điểm của phương này là tạo thuận lợi cho doanh nghiệp lấy đà phục hồi do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và sau nhiều năm liên tục điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng; đồng thời có thêm việc làm, thuận lợi để người lao động đã mất việc làm tham gia thị trường lao động.
Theo phương án 1, người lao động, doanh nghiệp, Nhà nước cùng chia sẻ khó khăn và thực hiện trách nhiệm trong việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động theo nghị quyết của Chính phủ. Tuy nhiên, nhược điểm là trong ngắn hạn (năm 2021) có thể tiền lương tối thiểu không bảo đảm được mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.
Phương án 2 là từ ngày 1.7.2021 sẽ điều chỉnh tăng lương, lùi 6 tháng so với thông lệ các năm trước. Mức điều chỉnh tăng bình quân 2,5% để duy trì, bảo đảm mức sống tối thiểu cho người lao động. Mức tăng này tính trên cơ sở chỉ số gia tiêu dùng (CPI) năm 2021. Ưu điểm của phương án 2 là vẫn bảo đảm được mức sống tối thiểu trong trường hợp CPI năm 2020, 2021 tăng không quá 4%/năm.
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết đại dịch COVID-19 đã và đang tác động tiêu cực lên các doanh nghiệp và thời điểm Hội đồng Tiền lương Quốc gia họp vẫn chưa có cơ sở để dự đoán về khả năng phục hồi kinh tế năm 2021. Do đó Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất chưa bàn phương án tăng lương cụ thể, lùi lại thời gian thảo luận để có thể đánh giá chính xác hơn tình hình kinh tế xã hội của năm 2021 và khả năng phục hồi của doanh nghiệp.
Đánh giá về phương án lùi thời điểm tăng lương tối thiểu vùng, ông Lê Đình Quảng cho rằng càng lùi thời gian tăng lương sẽ giúp khả năng khôi phục của các doanh nghiệp tốt hơn. Khi đề xuất tiền lương tối thiểu phải xem xét tổng thể, nếu doanh nghiệp không có việc làm, phải dừng sản xuất thì cũng không thể bàn đến vấn đề tiền lương.
“Trong thực tiễn, việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng được áp dụng từ ngày 1.1 hằng năm, thời điểm này gắn liền với Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán nên doanh nghiệp vừ phải điều chỉnh tăng lương, vừa lo tiền thưởng, chăm lo cho người lao động dịp Tết nên áp lực lên người sử dụng lao động rất lớn. Do đó, trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều doanh nghiệp đề xuất xem xét lùi nâng lương vào giữa năm”, ông Lê Đình Quảng cho biết thêm.
Bên cạnh thảo luận về tiền lương tối thiểu vùng theo tháng, trong phiên họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia sắp tới sẽ còn bàn bạc về tiền lương tối thiểu vùng theo giờ. Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng đã bổ sung thêm các chuyên gia độc lập để đảm bảo tính bình đẳng, công bằng trong quá trình thảo luận về tiền lương.
Theo Vietnam+