Xã hội

Lương tối thiểu có thể không kịp điều chỉnh vào ngày 1/1/2024

Theo VnExpress 17/10/2023 17:11

Hội đồng Tiền lương quốc gia dự kiến khởi động lại thương lượng tăng lương tối thiểu vùng vào cuối tháng 11 nên có thể không kịp điều chỉnh vào ngày 1/1/2024.

Thông tin với báo chí chiều 17/10, ông Tống Văn Lai, Vụ phó Quan hệ lao động và Tiền lương, cho biết Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã báo cáo Chính phủ lùi thời gian trình phương án tăng lương tối thiểu tới cuối năm nay. Dự kiến hết tháng 11, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ bàn bạc về thời điểm và mức tăng.

"Quý IV, Hội đồng mới họp bàn phương án, sau đó khuyến nghị Chính phủ thì chắc chắn không kịp điều chỉnh lương tối thiểu vào đầu năm 2024", ông Lai nói, điểm lại 10 năm qua lương tối thiểu thường điều chỉnh vào ngày 1/1, riêng năm 2022 vào ngày 1/7.

Giờ tan ca của công nhân Pouyuen, doanh nghiệp đông lao động nhất TP HCM, tháng 5/2023. Ảnh: Như Quỳnh

Giờ tan ca của công nhân Pouyuen, doanh nghiệp đông lao động nhất TP Hồ Chí Minh, tháng 5/2023

Theo thông lệ, mỗi kỳ họp hội đồng diễn ra 2-3 phiên. Phương án và thời điểm tăng lương thường chốt vào phiên họp thứ ba, nhanh nhất vào phiên thứ hai khi các bên tìm được tiếng nói chung.

Tại phiên họp đầu tiên vào đầu tháng 8, Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất hoãn thương lượng tăng lương tối thiểu đến cuối năm nay mới bàn thảo tiếp về thời điểm và mức tăng. Nguyên nhân là kinh tế sụt giảm khiến hơn nửa triệu lao động mất việc, giảm giờ làm, CPI sáu tháng đầu năm tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát tăng 4,74%.

Phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị tăng khoảng 6%, tức tiền lương tương ứng thấp nhất 195.000 đồng với vùng IV và 280.000 đồng với vùng I. Song Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng tìm kiếm đơn hàng, giữ được việc cho lao động cấp thiết hơn tăng lương.

Khảo sát về đời sống lao động nửa đầu năm 2023 cho kết quả thu nhập trung bình của công nhân đạt 7,88 triệu đồng, trong khi chi tiêu mỗi tháng của gia đình họ là 11,7 triệu. Thu nhập chỉ đáp ứng khoảng 70% chi tiêu của người được khảo sát. Mức chi tiêu của người lao động cũng đã tăng 19% so với năm 2022, chủ yếu do giá cả, tiền điện nước tăng cao.

Lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp thỏa thuận, trả lương cho người lao động. Mức này áp dụng với người làm việc theo chế độ hợp đồng của Bộ luật Lao động; làm việc trong doanh nghiệp; hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê lao động.

Từ ngày 1/7/2022, lương tối thiểu tháng tăng thêm 6%, tương ứng 180.000-260.000 đồng so với trước đó. Cụ thể, lương tối thiểu vùng I là 4,68 triệu; vùng II 4,16 triệu, vùng III 3,64 triệu và vùng IV là 3,25 triệu đồng.

Theo VnExpress
(0) Bình luận
Lương tối thiểu có thể không kịp điều chỉnh vào ngày 1/1/2024