Trong khi đó, "Khảo sát tiền lương toàn cầu năm 2023" của Robert Walters, thực hiện tại 31 quốc gia, bao gồm Việt Nam, cho biết có đến 88% công ty sẵn sàng tăng mức lương dành cho nhân viên. Các nhân sự chuyển việc có khả năng nhận được mức lương cao hơn 15-25% năm nay. Đối với một số lĩnh vực có nhu cầu cao như Kỹ thuật số, mức tăng lương có thể lên đến 35%.
Theo Navigos, trên thực tế vẫn còn nhiều doanh nghiệp đang trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch nên chưa thể áp dụng chính sách tăng lương hấp dẫn hơn cho nhân viên của mình.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng, hơn 50% đơn vị tham gia khảo sát cho biết họ sẽ có cải tiến chính sách về lương, thưởng, phụ - trợ cấp. Một vài lợi ích khác như làm việc linh hoạt, cơ hội học hỏi và thăng tiến, ứng dụng công nghệ, sự lắng nghe từ công ty cũng được cân nhắc nhưng chưa nhiều.
Ông Phúc Phạm, Giám đốc Điều hành của Robert Walters Vietnam cho biết có 2 lý do chính khiến các công ty sẵn sàng tăng lương năm nay. Một là chi phí sinh hoạt tăng cao, với khoảng 65% công ty ghi nhận điều này với người lao động của họ. Hai là các công ty đang gặp khó khăn trong việc giữ chân lao động, nhất là nhân sự chất lượng cao.
"Người lao động cũng đang kỳ vọng lương cao hơn trước, bởi thị trường tuyển dụng có sự chênh lệch nhất định, khi lượng công việc cần tuyển đang nhiều hơn số ứng viên phù hợp", ông Phúc Phạm cho biết thêm.
Theo Robert Walters, các lĩnh vực có triển vọng được tăng lương cao nhất năm nay ở Việt Nam gồm: chuỗi cung ứng; thu mua và logistics; công nghệ & chuyển đổi; và kỹ thuật số. Ngược lại, một số ngành nguy cơ cắt giảm lao động nhiều nhất như: pháp lý, kỹ thuật và sản xuất, bán hàng và tiếp thị.
Ở chiều ngược lại, khi được hỏi về sự kỳ vọng chính sách lương thưởng của công ty trong năm 2023, hơn 45% trong tổng số 4.170 ứng viên được Navigos hỏi muốn lương tăng hàng năm từ 10% trở lên.
Về các khoản phụ - trợ cấp, doanh nghiệp được kỳ vọng có thêm nhiều phúc lợi từ các hoạt động tập thể, văn hóa, văn nghệ, du lịch (tỷ lệ 5,5%). Người lao động cũng mong muốn doanh nghiệp có thêm các trợ cấp vào các ngày lễ, nghỉ trong năm (4,7%) và tăng thêm các khoản phụ cấp cơ bản (4,58%).
2023 cũng có thể là năm nhân sự trung cao cấp chịu nhảy việc hơn sau thời gian có tâm lý giữ và quan sát chờ đợi trong hai năm Covid-19 căng thẳng. Robert Walters đánh giá, năm 2023 được xem là "năm chuyển dịch" khi có đến 74% người lao động ở các ngành nghề bày tỏ ý định thay đổi hoặc chuyển việc. Cùng với đó, việc giá sinh hoạt được dự đoán tăng cao khiến gần 87% số người được khảo sát kỳ vọng tăng lương trong năm nay.
Trong khảo sát của Navigos, người lao động đang có kỳ vọng khá cao về mức thu nhập thay đổi khi chuyển việc. Mức tăng ít nhất 30% và ít nhất 20% so với thu nhập bình quân, đứng vị trí thứ nhất và thứ hai trong tổng kết quả ghi nhận, lần lượt chiếm tỷ lệ là 19,33% và 19,18%.
Ngoài cân nhắc tăng lương, doanh nghiệp có thể làm gì để giữ chân nhân tài và tìm kiếm thêm người mới? Trong khảo sát của Robert Walters, 3 tiêu chí ngoài lương được ứng viên đánh giá cao ở nhà tuyển dụng là chế độ đãi ngộ và phúc lợi; văn hóa làm việc và đồng nghiệp truyền cảm hứng; làm việc linh hoạt.
Trong khi đó, kết quả của Navigos cho hay, môi trường làm việc, lương, và văn hóa doanh nghiệp là 3 yếu tố hàng đầu giữ chân người lao động. Tiếp sau là sự ổn định của hoạt động kinh doanh và cơ chế làm việc linh hoạt.
Ngoài ra còn có những yếu tố khác như: danh tiếng của công ty, quản lý trực tiếp, sự thăng tiến trong công việc, sự minh bạch của doanh nghiệp, bảo hiểm y tế cá nhân cũng là những lý do mà người lao động gắn bó với công ty họ đang làm việc.
Theo VnExpress