Y tế - Sức khỏe

Luôn cảm thấy khát nước có phải là triệu chứng của bệnh lý?

T.H (theo Vietnam+) 15/07/2024 16:05

Mặc dù đã uống nhiều nước nhưng vẫn luôn thấy khát nước có thể là một dấu hiệu cảnh báo những vấn đề sức khỏe nguy hiểm như tiểu đường, thiếu máu hoặc tăng canxi máu.

(Ảnh: Getty images)

Chúng ta thường sẽ thấy khát nước sau khi tập thể thao, ăn mặn hoặc thời tiết nóng nực, nhưng tình trạng này không kéo dài và dễ dàng biến mất sau khi cơ thể hấp thu đủ nước.

Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên cảm thấy khát ngay cả khi vừa mới uống nước, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe. Nguyên nhân nào khiến bạn bị khát nước thường xuyên?

Bệnh tiểu đường

Khát nước và đi tiểu nhiều lần có thể là những triệu chứng cảnh báo bệnh tiểu đường.

Bệnh nhân tiểu đường thường cảm thấy khát thường xuyên và uống nhiều nước. Uống nước cũng là một cách giúp loại bỏ đường dư thừa ra khỏi máu dưới dạng nước tiểu. Tuy nhiên, cách này có thể làm tăng tần suất tiểu tiện nếu bệnh nhân uống quá nhiều.

Ngoài ra, khi bị tiểu đường, glucose trong máu sẽ tăng lên, buộc thận phải làm việc quá sức để cố gắng hấp thu. Vì thận phải làm việc quá sức nên lâu dần sẽ trở nên yếu hơn và hoạt động kém hiệu quả hơn. Điều này khiến nước tiểu dư thừa và bệnh nhân không kiểm soát được tình trạng mót tiểu.

tieu-duong.jpg

Thiếu máu

Thiếu máu là trường hợp cơ thể không có đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Tình trạng này có thể do bẩm sinh hoặc do nhiều nguyên nhân khác nhau như thiếu sắt, thiếu vitamin B12, chấn thương, xuất huyết,...

Thiếu máu nhẹ không gây khát nước nhiều. Tuy nhiên trong trường hợp thiếu máu nặng, bệnh nhân sẽ thấy rất khát nước kèm các triệu chứng như chóng mặt, kiệt sức, choáng váng, mạch nhanh, tái mặt hoặc vã mồ hôi nhiều.

thieu mau.jpg

Tăng canxi máu

Đây là tình trạng nồng độ canxi trong máu cao hơn mức bình thường, có thể là do tuyến cận giáp hoạt động quá mức hoặc là dấu hiệu của một bệnh lý khác như lao, thậm chí ung thư.

Tăng canxi máu gây triệu chứng khát nước nhiều, cảm giác uống bao nhiêu cũng không đủ, kèm theo đó là các biểu hiện như đi tiểu thường xuyên hơn, đau bụng, buồn nôn, nôn, táo bón, đau xương, yếu cơ, cảm giác lú lẫn, mệt mỏi, trầm cảm, rối loạn nhịp tim...

uong nuoc.jpg

Các vấn đề về tuyến giáp

Tuyến giáp là cơ quan chịu trách nhiệm bơm ra hormone tuyến giáp, giúp điều chỉnh sự thèm ăn, duy trì năng lượng và nhiệt độ cũng như các chức năng quan trọng khác của cơ thể.

Tuyến giáp sản xuất quá nhiều hoặc quá ít hormone gây ra một loạt các vấn đề như kinh nguyệt ra nhiều bất thường, lo lắng, cảm thấy nóng và khô miệng. Tất cả đều dẫn đến tăng cảm giác khát nước.

tuyen giap.jpg

Đái tháo nhạt

Khát nước cũng chính là một dấu hiệu đặc trưng của bệnh đái tháo nhạt. Có nhiều loại đái tháo nhạt như đái tháo nhạt trung ương, đái tháo nhạt do thận và đái tháo nhạt thai kỳ.

Đái tháo nhạt là do vùng hạ đồi - tuyến yên không thể tiết ra hormon chống bài niệu, do đó không có sự cô đặc nước tiểu ở thận. Điều này dẫn đến sự tăng thứ cấp độ thẩm thấu trong huyết thanh, gây kích thích khát và uống nhiều.

Cơ thể mất nước

Mất nước có nghĩa là cơ thể không có đủ nước để thực hiện các hoạt động thường ngày, và khát nước chính là dấu hiệu. Tình trạng này có thể xảy ra vì nhiều lý do như tập thể dục, tiêu chảy, nôn và đổ mồ hôi quá nhiều.

uong nuoc2.jpg

Khô miệng

Khô miệng thường bị nhầm là khát nước quá mức. Đó là tình trạng khô bất thường của màng nhầy trong miệng do giảm lưu lượng hoặc thay đổi thành phần nước bọt. Các tuyến không tạo đủ nước bọt dẫn đến các triệu chứng khó chịu khác như hôi miệng, khó nhai và nước bọt đặc, dai.

Các nguyên nhân phổ biến gây khô miệng bao gồm hút thuốc lá hoặc căng thẳng, lo lắng hoặc đơn giản là lão hóa.

Sử dụng thực phẩm lợi tiểu

Thực phẩm có tác dụng lợi tiểu khiến bạn phải đi tiểu nhiều hơn, dẫn tới thường xuyên cảm thấy khát. Các thực phẩm lợi tiểu gồm măng tây, củ cải, cần tây, chanh, đường, gừng, rau mùi tây…

mang tay.jpg

Vấn đề tâm lý

Khát nước thường xuyên cũng có thể là một triệu chứng của các vấn đề tâm lý như căng thẳng, lo âu, hoặc trầm cảm. Tình trạng tâm lý này có thể tác động đến tâm trí và cảm xúc, khiến bạn cảm thấy cần phải uống nhiều nước hơn. Trong trường hợp này, tìm đến bác sỹ chuyên khoa thần kinh để được tư vấn và điều trị phù hợp.

Nếu tình trạng khát nhiều không giảm trong thời gian dài, bạn nên đến các cơ sở y tế để tìm ra nguyên nhân gây bệnh, từ đó có hướng điều trị thích hợp cho từng trường hợp cụ thể.

T.H (theo Vietnam+)
(0) Bình luận
Luôn cảm thấy khát nước có phải là triệu chứng của bệnh lý?
ss