Đêm 10.12 đến với mỗi người dân huyện Kinh Môn như một ngày hội lớn.
Đông đảo người dân tới dự lễ đón bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và danh hiệu huyện Kinh Môn đạt chuẩn NTM
Sau nhiều ngày mong đợi, đêm 10.12 đến với mỗi người dân huyện Kinh Môn như một ngày hội lớn. Tại Quảng trường Văn hóa huyện, Lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương và đón bằng công nhận huyện Kinh Môn đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) diễn ra với không khí trang trọng, tưng bừng cùng niềm tự hào của đông đảo người dân.
Háo hức đón chờ
Trước giờ diễn ra buổi lễ, khoảng 4.500 người dân đã tụ hội về quảng trường huyện. Từ những cụ cao niên đến những em bé, nam thanh nữ tú đều không giấu được niềm vui đang rạng ngời trên khuôn mặt.
Cụ Bùi Thị Bưởi, 95 tuổi ở phố Quyết Tiến (thị trấn Kinh Môn) cho biết cụ ăn cơm chiều lúc 17 giờ để kịp tới đây,chứng kiến giây phút long trọng khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cho quần thể An Phụ – Kính Chủ – Nhẫm Dương và công nhận huyện Kinh Môn đạt chuẩn NTM. Còn chị Lưu Thị Phượng ở phố Cộng Hòa (cùng thị trấn Kinh Môn) bày tỏ chị không chỉ vui, tự hào, phấn khởi mà còn rưng rưng xúc động khi quê hương mình cùng một lúc được đón nhận 2 danh hiệu. “Cảm nhận quê hương như có bước chuyển mình. Tôi tin mảnh đất Kinh Môn sẽ còn phát triển nữa. Cuộc sống của người dân chúng tối sẽ được nâng cao hơn”, chị Phượng nói.
Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá buổi lễ không chỉ có ý nghĩa với nhân dân huyện Kinh Môn mà còn là sự kiện quan trọngcủa cả tỉnh. “Đây là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước với những giá trị văn hóa, lịch sử từ ngàn đời của quần thể di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, ghi nhận thành quả xây dựng NTM của cấp ủy, chính quyền và người dân huyện Kinh Môn. Buổi lễ có ý nghĩa tinh thần to lớn, khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong mỗi người dân”, bà Nga nói.
Trẻ em được người nhà cõng đi xem
Để chuẩn bị cho buổi lễ, Ban Tổ chức đã dày công trong hơn 4 tháng. Ba Tiểu Ban gồm Công tác tuyên truyền, Lễ tân khánh tiết hậu cần, An ninh trật tự được thành lập với số lượng gần 500 người. Ngoài hệ thống cổng chào, pa nô, băng rôn khẩu hiệutrên khắp các trục đường chính, tại các cửa ngõ giao thông, lực lượng an ninh được bố trí để hướng dẫn, giải tỏa ùn tác, bảo đảm an ninh trật tự. Các phương án ổn định điện lưới, dự trù máy phát cũng được lên kế hoạch kỹ lưỡng…
Đúng 20 giờ, buổi lễ chính thức bắt đầu. Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương cùng đông đảo các đồng chí lãnh đạo ở Trung ương, địa phương và nhân dân tới dự.
Chương trình văn nghệ sử thi đặc sắc
Một phần quan trọng tạo nên không khí cho buổi lễ là chương trình nghệ thuật sử thi với chủ đề “Hồn thiêng sông núi Kinh Môn”. Chương trình gồm 3 chương: Chương 1 “Nhẫm Dương – nguồn cội tâm linh”, diễn tả lại sự hiện diện của người xưa,nhấn mạnh sự tồn tại của con người trên đất Kinh Môn từ rất lâu đời. Thiền phái Tào Động bên cạnh thiền phái Trúc Lâm cũng nhằm hoàn thiện con người tích thiện, trừ ác.
Truyền thống này tạo nên nền văn hiến trên đất Kinh Môn và quy tụ ở xung quanh khu vực động Kính Chủ. Đây cũng là nội dung của chương 2 “Tao đàn Kính Chủ”. Kính Chủ chưa phải hang động đẹp nhất nước Việt. Vua Lê Thánh Tông cũng chỉ xếp hạng thứ 6 cho địa danh này. Nhưng giá trị lớn lao ở đây tập trung hàng trăm bài thơ của bậc đế vương tới các sĩ phu, đại khoa thời trước. Nội dung của các tác phẩm văn chương được khắc trên vách đá động Dương Nham đều thể hiện lòng yêu thiên nhiên, đất nước và con người ở mảnh đất Kinh Môn từ xưa kia cho đến ngày nay.
Chương trình nghệ thuật sử thi đặc sắc
Chương 3 “Non thiêng An Phụ”, nơi có đền thờ đức An Sinh Vương Trần Liễu, thân phụ của Hưng Đạo Đại Vương, vị anh hùng dân tộc và chùa Tường Vân, một ngôi chùa theo thiền phái Trúc Lâm. Theo sử sách, phật hoàng Trần Nhân Tông đã nhiều lần tới đây giảng đạo. Sau khi dựng tượng Đức Thánh Trần ở dãy An Phụ thì khí thiêng non nước, hào khí Đông A càng được khơi dậy trong thời kỳ mới. Người ta có cảm giác như tiền nhân, anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương vẫn luôn luôn nhìn bao quát cả một vùng núi non, song nước phía đông tỉnh Hải Dương, khích lệ con cháu xây dựng quê hương ngày càng tốt đẹp hơn, đoàn kết bảo vệ non sông gấm vóc.
TS. Trần Đình Ngôn, tổng đạo diễn chương trình xúc động cho biết, là người con quê hương Hải Dương, mỗi lần làm một tác phẩm phục vụ đời sống chính trị, văn hóa, tâm linh cho nhân dân Hải Dương mình, ông đều mang tinh thần của người con quê hương với tâm huyết của một người nghệ sĩ, một nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch. Tất cả hội tụ, tạo ra những rung cảm nghệ thuật, để sáng tạo ra những tác phẩm giá trị. “Nếu không có sự hiểu biết thấu đáo về truyền thống quê hương, không có tình yêu tha thiết với quê hương thì tôi không thể viết ra những câu chữ ấy”, TS. Trần Đình Ngôn cho biết.
Để chuẩn bị cho chương trình nghệ thuật này, 250 nghệ sĩ từ 4 đơn vị: Nhà hát chèo Hải Dương, Trường múa Việt Nam, Trường Cao đẳng Hải Dương, Tỉnh đội Hải Dương đã phải luyện tập trong suốt 1 tháng, thực địa trên sân khấu suốt 4 ngày.
Buổi lễ đã kết thúc trong màn biểu diễn nghệ thuật với âm thanh, ánh sáng hoành tráng. Người dân đổ về muôn nẻo đường trong niềm vui, phấn khởi, hy vọng vào một ngày mai tươi đẹp, phát triển hơn.
LÊ HƯƠNG