Trong cơn khát nguồn cát phục vụ san lấp, xây dựng đã khiến không ít khúc sông Hồng chảy qua nhiều địa phương ở phía Bắc bị "biến dạng". Một diện tích lớn đất canh tác ở bãi bồi từ hàng chục năm qua đã bị trôi tuột xuống sông.
Đáng chú ý, theo chuyên gia, hiện nay nhiều đoạn lòng sông Hồng đã bị tụt thấp hơn so với trước đây khoảng 2 - 3m.
Phóng viên Tuổi Trẻ ghi nhận tại một số huyện ngoại thành Hà Nội trong khoảng thời gian tháng 12-2023, tình trạng "tàu ma" không biển số ngang nhiên ngày đêm đục khoét, khai thác cát.
Khi màn đêm buông xuống, một khúc sông Hồng thuộc địa bàn xã Võng La (huyện Đông Anh, Hà Nội), phóng viên Tuổi Trẻ ghi nhận những chiếc "tàu ma" hoạt động hết công suất để hút trộm cát.
Theo ghi nhận, những chiếc tàu này chỉ hút cát trong đêm tối và sẽ di chuyển đi nơi khác khi trời chuyển sáng. Tình trạng khai thác cát diễn ra trong suốt một thời gian dài ở khu vực xã Võng La đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân nơi đây.
Ngày 27-1, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông B. (xã Võng La) cho biết ở khu bãi bồi này có gần 10 hộ gia đình trồng cam, canh tác nông nghiệp.
Tuy nhiên theo ông B., chỉ sau một thời gian ngắn từ tháng 12-2023 đến đầu năm 2024, hàng nghìn gốc cam đang cho thu hoạch bị trôi tuột xuống sông.
"Mỗi khi họ hút cát tạo ra những tiếng động rung lắc không khác gì động đất" - ông B. nói và thông tin thêm có hộ đã mất trắng cả trăm triệu đồng sau vài ngày đất bãi bồi sạt lở.
Tình trạng sạt lở đất bãi bồi ngày một nghiêm trọng, có đoạn tạo thành hàm ếch, vách dựng đứng cao cả chục mét.
Cũng trên sông Hồng đoạn thuộc địa phận xã Chu Minh giáp ranh thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì, Hà Nội), nhiều "tàu ma" được độ công suất khủng để hút trộm cát ngay ban ngày.
Giữa tháng 12-2023, có những ngày phóng viên ghi nhận bốn chiếc tàu không biển số dàn hàng ngang như một đại công trường để "ăn cát" bất chấp việc người dân tập trung xua đuổi.
Tuy nhiên, phóng viên Tuổi Trẻ liên hệ qua điện thoại với lãnh đạo UBND huyện Ba Vì thì đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
Còn tại xã Vạn Điểm (huyện Thường Tín) thời gian gần đây cũng xuất hiện nhiều điểm tập kết cát trái phép. Những tàu chở cát cập bến đến đâu thì xe tải chờ chực lấy hàng đưa đi đến đó.
Ông T.V.H. (chủ một tàu cát) bộc bạch: "Tàu cát này của tôi không có hóa đơn. Muốn có hóa đơn phải mua của một người khác". Theo ông H., không chỉ ông mà nhiều người buôn bán cát trên sông Hồng cũng không có hóa đơn mua cát.
Kể từ ngày xuất hiện những vết nứt ngang dọc từ nhà chính đến sau vườn, gia đình bà Nguyễn Thị Phượng (59 tuổi, ở khu Bồng Lạng, xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao, Phú Thọ) "ăn không ngon ngủ không yên".
Lo sợ trước vết nứt ngày một lan rộng, gia đình bà Phượng phải dựng lều ra cạnh đê tá túc. Bà Phượng chia sẻ: "Hiện nay chính quyền địa phương đang kè lại đoạn chân bờ đê này nhưng gia đình vẫn chưa thấy an tâm vì mấy hôm trước có trận mưa, vết nứt trong vườn lại lan rộng hơn, sâu hơn.
Thú thật là giờ chúng tôi không dám ở đây nữa. Dòng chảy của sông không như trước, nước chảy ngày một mạnh hơn, có lúc nước đổ ầm ầm. Mong Nhà nước tạo điều kiện bố trí đất nơi khác để chúng tôi được tái định cư ổn định cuộc sống".
Tình trạng sạt lở cũng khiến không ít nhà dân ở khu Bồng Lạng lo lắng. Ông Nguyễn Văn Thân (62 tuổi, khu Bồng Lạng) chia sẻ khu vực tiếp giáp sông Hồng trước đây đã được kè bằng đá, tuy nhiên khoảng hai tháng trước thì bờ kè này đã bị sụp gây nghiêng, nứt một số nhà dân ở ngoài đê.
"Nhà tôi đến nay chưa bị nứt, nhưng nhìn hàng xóm bị như vậy ai cũng lo lắm bởi vài tháng nữa sẽ bước vào mùa mưa lũ. Trước đây bờ đê và sông thường thoai thoải nhưng giờ thì có đoạn dựng đứng, sâu hoắm, rất nguy hiểm", ông Thân nói.
Cách xã Phùng Nguyên chỉ vài km, một diện tích lớn khu bãi bồi được người dân trồng chuối ở xã Bản Nguyên (huyện Lâm Thao) cũng đã biến mất.
Hiện tượng sạt lở ở đây xảy ra trong một thời gian dài và chưa có dấu hiệu dừng lại khi những khu đất ở bãi bồi tạo ra vách dựng đứng với độ cao lên đến cả chục mét có thể ụp xuống bất cứ lúc nào.
Trong văn bản số 21 (ngày 8-1) gửi Sở Giao thông vận tải Phú Thọ, Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông tin việc lòng sông dưới chân cầu Trung Hà bị xói lở và hạ thấp lòng dẫn hệ thống sông Hồng - Thái Bình trong những năm gần đây có diễn biến phức tạp.
Bởi theo Cục Thủy lợi, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bị xói lở, hạ thấp lòng dòng sông thuộc hệ thống sông Hồng - Thái Bình, trong đó có cầu Trung Hà, là do việc khai thác cát.
Ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ cho thấy công nhân đang khắc phục nhiều móng cầu Trung Hà (bắc qua sông Đà, nối Phú Thọ - Hà Nội) bị xói lở, trụ cầu trơ móng.
PGS.TS Đào Trọng Tứ, trưởng Ban điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam, cũng cho rằng khai thác cát quá mức là một trong những nguyên nhân khiến lòng sông Hồng nói riêng và nhiều lòng sông khác ở Việt Nam bị tụt xuống thấp.
Ghi nhận cho thấy nhiều đoạn ở sông Hồng bị hạ thấp so với trước đây khoảng 2-3m.
Ông Tứ cho hay khi lòng sông bị tụt sẽ làm cho hình thái, dòng chảy thay đổi tạo nên hiện tượng xói lở hai bên bờ sông. Quá trình xói lở sẽ biến những dòng sông phì nhiêu đầy ắp phù sa thành "dòng sông đói".
"Khi dòng sông bị tụt xuống sẽ khiến cống dẫn nước vào các cánh đồng ở miền Bắc cạn trơ đáy, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, xói lở sẽ làm mất đi nhiều diện tích đất canh tác ở bãi bồi cũng như đe dọa nhà cửa của người dân.
Như cống Xuân Quan (Hưng Yên) có nhiều thời điểm cạn trơ đáy do cao hơn nhiều so với mặt nước sông Hồng", ông Tứ nói.
Theo ông Tứ, các địa phương có sông Hồng chảy qua cần tăng cường giám sát, xử lý nghiêm khắc những mỏ cát khai thác quá mức khối lượng cấp phép cũng như tăng cường xử lý những đối tượng khai thác cát trộm, đục khoét lòng sông.
"Cát sông sạch, rất dễ khai thác, giá cao nên nếu không làm nghiêm thì sẽ như "bắt cóc bỏ đĩa". Về lâu về dài phải tiến hành điều tra trữ lượng cát ở từng khu vực để tránh tình trạng cấp phép quá mức lượng cát bồi lắng. Theo dõi, giám sát chặt chẽ giấy phép mỏ cát đã cấp cho doanh nghiệp", ông Tứ nói thêm.
Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ về vấn đề đặt ra, ông Trần Phương - phó cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - cho hay hằng năm đơn vị này thường xuyên có văn bản gửi các địa phương đề nghị tăng cường quản lý, khai thác cát, sỏi lòng sông.
Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng luôn đề nghị địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát. Bên cạnh đó cũng đã ban hành quy chế phối hợp giữa các địa phương, khu vực lòng sông nằm trong ranh giới giữa hai địa phương trở lên.
Nghị định số 23 năm 2020 của Chính phủ "về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông" cũng đã quy định rất rõ, đối với mỏ được cấp phép không được khai thác vào ban đêm và khai thác vượt ra ngoài khu vực cấp phép, vượt công suất.
Tuy nhiên, theo ông Phương: "Thẩm quyền cấp phép mỏ cát thuộc về địa phương, chúng tôi chỉ nhắc nhở yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật".
H.A (Theo Tuổi trẻ)