Việc tập trung nhiều xe ô tô đưa đón công nhân tại cổng các công ty, khu công nghiệp cũng tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới mất an toàn giao thông...
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng ô tô để đưa đón công nhân đi làm, giúp doanh nghiệp và người lao động tiết kiệm được thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất. Tuy vậy, hoạt động này còn lộn xộn, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.
Vào các buổi sáng, người dân dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chiếc ô tô chật kín công nhân nối đuôi nhau trên các trục đường dẫn về nhà máy, khu công nghiệp. Thời gian làm việc tại công ty thường bắt đầu từ 7 giờ 30. Mỗi cung đường dài từ 30-40km. Vì vậy, các lái xe phải đi từ rất sớm và tranh thủ thời gian, phóng nhanh mới có thể đón công nhân ở các huyện đến làm việc đúng giờ.
Nhiều xe đưa đón công nhân vi phạm các quy định về an toàn giao thông
Để đón công nhân tại nhiều điểm, một chuyến xe mất ít nhất từ 40-60 phút. Việc này đã gây áp lực và tâm lý lên các lái xe. Đặc biệt, vào giờ cao điểm, lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông rất đông trên những đoạn đường nhỏ hẹp. Việc lái xe ô tô đưa đón công nhân đi với tốc độ cao, dừng đỗ đột ngột, bấm còi inh ỏi… gây ra nhiều phiền toái và nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Anh Phạm Ngọc Thiện ở xã Kiến Quốc (Ninh Giang) đang công tác ở một trường tiểu học tại Gia Lộc cho biết: “Do nhà xa nên ngày nào tôi cũng đi làm từ rất sớm. Lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông rất đông khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Khi xe ô tô tạt vào điểm đón công nhân thường chạy với tốc độ cao, phanh gấp, rẽ đột ngột. Nếu người đi xe máy không chú ý quan sát rất dễ xảy ra va chạm. Bản thân tôi cũng từng bị đổ xe do tránh ô tô chở công nhân".
Không chỉ gây nguy hiểm khi tham gia giao thông trên các tuyến đường, việc tập trung nhiều xe ô tô đưa đón công nhân tại cổng các công ty, khu công nghiệp cũng tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới mất an toàn giao thông. Tại ngã tư đường Ngô Quyền giao cắt quốc lộ 5 (thuộc phường Cẩm Thượng, TP Hải Dương), nhiều xe đưa đón công nhân thường xuyên lấn đường, tranh đường nguy hiểm. Theo một số người dân sinh sống ở đây, hằng ngày có rất nhiều ô tô, có khi tới 40-50 xe dừng đỗ để đưa đón công nhân vào buổi sáng và chiều tối. Những chiếc xe này thường đỗ thành đoàn dài tràn ra cả quốc lộ 5. Vì thế nhiều xe máy di chuyển theo hướng Hải Phòng-Hà Nội đã phải đi ra phần đường dành cho ô tô. Trong giờ cao điểm, đoạn đường này lại tập trung nhiều xe container và xe khách nên chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể khiến người điều khiển xe máy gặp tai nạn.
Bên cạnh các vi phạm về tốc độ, điểm dừng đỗ… một số chủ xe, lái xe còn tự ý thay đổi kết cấu xe, chở quá số người theo quy định, gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng của công nhân trên xe và người dân. Trong khi đó, các lái xe có rất nhiều lý do để bao biện. Anh Trần Văn T (sinh năm 1976) quê ở Thanh Hà có thâm niên 5 năm lái xe đưa đón công nhân cho biết: “Chúng tôi vẫn biết chở quá số người là vi phạm giao thông. Tuy nhiên, những lúc cao điểm sản xuất, công ty phải ký hợp đồng với số lượng lớn công nhân trong khi số xe ô tô không được bổ sung nên chúng tôi phải tranh thủ chở thêm người. Bản thân tôi cũng đã có vài lần bị xử phạt do chở quá số người quy định”.
Nhằm chấn chỉnh tình trạng trên, từ tháng 6 đến nay, Thanh tra Sở Giao thông vận tải đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra hoạt động của các phương tiện đưa đón công nhân trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra đã phát hiện nhiều sai phạm, trong đó có những sai phạm nghiêm trọng như xe hết niên hạn sử dụng, xe quá hạn kiểm định, người điều khiển không có bằng lái xe. Theo thống kê của Thanh tra Sở Giao thông vận tải, từ tháng 6 đến nay, qua tổng kiểm tra 35 ô tô đưa đón công nhân trên địa bàn tỉnh, cơ quan chức năng đã phát hiện 5 xe hết niên hạn sử dụng, 11 xe quá hạn kiểm định và 2 lái xe không có bằng lái nhưng vẫn điều khiển xe. Các trường hợp vi phạm đã bị xử lý nghiêm theo quy định.
LÊ VINH