Cách bạn sống hằng ngày, những gì bạn ăn, mức hoạt động thể chất, căng thẳng (stress)… có ảnh hưởng đáng kể đến nguy cơ suy tim và các bệnh tim mạch khác.
Suy tim là tình trạng tim không đủ khả năng bơm để cung cấp máu đảm bảo cho các nhu cầu hoạt động của cơ thể, khiến người bệnh thường xuyên khó thở, đau ngực, mệt mỏi, ho, phù... ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Người bệnh suy tim sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn, thậm chí đe dọa tính mạng...
Một lối sống lành mạnh như hoạt động thể chất thường xuyên, tuân theo kế hoạch ăn uống có lợi cho tim (chẳng hạn như chế độ ăn Địa Trung Hải), duy trì cân nặng hợp lý và không hút thuốc… có tác động tích cực đến sức khỏe của tim và ngăn ngừa suy tim.
Bệnh suy tim gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
1. Duy trì cân nặng khỏe mạnh ngăn ngừa suy tim
Thừa cân, béo phì là một yếu tố nguy cơ cao của các bệnh tim mạch, trong đó có suy tim. Mỗi cân nặng tăng thêm có thể cản trở quá trình lưu thông máu, gây áp lực và căng thẳng cho tim.
Giảm một vài cân trong số đó có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong việc ngăn ngừa suy tim và tăng cường sức khỏe tim mạch nói chung. Do đó, duy trì cân nặng khỏe mạnh rất quan trọng không chỉ ngăn ngừa suy tim mà còn phòng ngừa nhiều bệnh mạn tính nguy hiểm khác.
2. Vận động thường xuyên
Vận động thể chất thường xuyên giúp ngăn ngừa suy tim. Người bệnh suy tim nên trao đổi với bác sĩ điều trị để xây dựng chế độ tập luyện phù hợp với người bệnh.
Luyện tập cường độ cao ngắt quãng (HIIT), xen kẽ các đợt tập luyện cường độ cao trong thời gian ngắn với các bài tập ít vận động mạnh hơn, đã được chứng minh là giúp củng cố và điều hòa tim, giúp tim có thể hoạt động tốt hơn.
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến nghị:
- Vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày (150 phút mỗi tuần), tập thể dục cường độ vừa phải, chẳng hạn như làm vườn, đi bộ nhanh, khiêu vũ...
- Hoặc 15 phút mỗi ngày (75 phút mỗi tuần) tập thể dục cường độ mạnh, chẳng hạn như chạy, bơi, đi bộ đường dài lên dốc...
3. Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh
Một chế độ ăn uống lành mạnh cho tim bao gồm:
Ăn nhiều trái cây tươi và rau quả trong mỗi bữa ăn;
Ăn thịt nạc, thịt gia cầm đã loại bỏ da…;
Tiêu thụ vừa phải cá giàu chất béo omega-3 lành mạnh;
Tiêu thụ thực phẩm giàu chất béo không bão hòa đơn, bao gồm các loại hạt, hạt và dầu ô liu; các loại đậu; ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ...
Hạn chế chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, natri, mỡ của thịt đỏ và các loại protein khác, nước ngọt có ga, đồ nướng cũng như các loại thực phẩm và đồ uống khác có bổ sung nhiều đường tinh luyện...
4. Cắt giảm muối
Hàm lượng natri cao trong chế độ ăn uống có thể gây tích tụ chất lỏng trong cơ thể, do đó gây căng thẳng quá mức cho hệ thống tim mạch. Đối với người bị tăng huyết áp, nên giảm lượng muối ăn, thực phẩm chế biến và thực phẩm có hàm lượng natri cao như thịt xông khói, giăm bông và đồ ăn nhẹ như khoai tây chiên…
Thực hiện chế độ ăn kiêng DASH (phương pháp ăn kiêng để phòng ngừa tăng huyết áp), dựa trên sản phẩm tươi, khẩu phần ngũ cốc nguyên hạt hằng ngày, sữa ít béo, thịt nạc, hạn chế đồ ngọt và chất béo. Mục tiêu là giảm mức tiêu thụ natri xuống 2.300 miligam (mg) mỗi ngày hoặc 1.500 mg đối với những người có nguy cơ cao bị tăng huyết áp.
5. Không hút thuốc
Hút thuốc lá là nguyên nhân dẫn đến bệnh tim mạch và đột quỵ. Những người hút thuốc lá thì nguy cơ bị cơn đau tim cao gấp đôi so với người không hút.
Các hóa chất trong thuốc lá có thể trực tiếp gây tổn thương động mạch và góp phần gây ra chứng suy tim sung huyết. Khói thuốc thụ động cũng có hại không kém, vì carbon monoxide có thể thay thế oxy trong máu, buộc tim phải bơm máu nhiều hơn.
Nếu bạn hút thuốc, hãy tìm kiếm phương pháp cai thuốc phù hợp, hiệu quả và an toàn.
Theo Sức khỏe và Đời sống