Để cải thiện sức khỏe tim mạch, mọi người, đặc biệt là những người trẻ hãy thay đổi lối sống, tập thể dục và bắt đầu ăn uống lành mạnh.
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, khi có nhiều sự thay đổi trong cuộc sống, mọi người phải bình tĩnh và nỗ lực để cân bằng công việc và cuộc sống. Do đó, điều quan trọng là phải ăn uống đúng cách và phù hợp với sức khỏe, lối sống lành mạnh và chăm sóc trái tim khỏe mạnh.
Các bác sĩ tại Fortis Healthcare đã kêu gọi công chúng, đặc biệt là giới trẻ, hãy quan tâm đến sức khỏe tim mạch của mình, kiểm tra sức khỏe thường xuyên và không bỏ qua bất kỳ triệu chứng nghiêm trọng nào.
Tuổi của người có vấn đề về sức khỏe tim mạch ngày càng trẻ hóa
Được biết, các bệnh tim mạch (CVDs) là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Vào năm 2016, ước tính có khoảng 17,9 triệu người thiệt mạng vì bệnh tim, chiếm 31% tổng số ca tử vong toàn cầu. Trong số những ca tử vong này, 85% là do đau tim và đột quỵ.
Đặc biệt, những người có bệnh lý nền là bệnh tim, khi bị nhiễm COVID-19, họ sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.
Tiến sĩ Ajay Kaul, Chủ tịch Bệnh viện Khoa học tim mạch Fortis, Noida cho biết: "Duy trì một lối sống cân bằng là điều bắt buộc. Ăn uống hợp lý và đảm bảo bài tập bạn đang thực hiện phù hợp với cơ thể của mình. Theo hướng dẫn chính thức, một người nên tập thể dục 45 phút mỗi ngày, 5 lần một tuần. Tuy nhiên, nhiều thanh niên có xu hướng bị bệnh cơ tim do tập thể dục hoặc bệnh cơ tim gây loạn nhịp do tập thể dục, một tình trạng rối loạn chức năng cơ tim dẫn đến suy tim”.
Ngoài ra, nhiều người trẻ tuổi có xu hướng tiêu thụ nhiều protein chế biến hoặc thực phẩm bổ sung sức khỏe chứa nhiều steroid. Những steroid này khiến cơ bắp bị phá vỡ và làm tim yếu đi. Hơn nữa, chế độ ăn uống không cân bằng có thể gây ra các cơn đau tim. Quá nhiều chất đạm cũng sẽ gây ra tải trọng cho thận, dẫn đến huyết áp cao và từ đó, có thể dẫn đến đau tim. Việc dư thừa carbohydrate và chất béo dẫn đến quá trình chuyển hóa glucose, làm cho động mạch bị tắc nghẽn, cũng dẫn đến đau tim.
“Mặt khác, những người trẻ tuổi đang làm việc nhiều giờ, căng thẳng và mệt mỏi, ngủ không ngon, ăn không đúng bữa, tiêu thụ caffein và đường, dựa vào thuốc lá để giúp kiểm soát căng thẳng, hoặc không tập thể dục. Họ cũng không đi khám định kỳ hoặc kiểm tra sức khỏe hàng năm. Kết quả là, những người này không để ý đến những gì đang diễn ra bên trong cơ thể mình. Hơn nữa, một số người có thể sẽ chủ quan rằng không có gì có thể xảy ra với họ khi còn trẻ. Tất cả điều này cuối cùng dẫn đến sự chậm trễ trong chẩn đoán và thường có thể gây tử vong”, Tiến sĩ Ajay Kaul chia sẻ thêm.
Theo Tiến sĩ Sanjay Kumar, Giám đốc kiêm Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Fortis Escorts, Faridabad, một số bệnh cũng được coi là yếu tố nguy cơ chính gây đau tim hoặc ngừng tim bao gồm tiểu đường, cholesterol xấu, béo phì, tăng huyết áp,… Bất kỳ triệu chứng nào như đau ngực hoặc khó chịu ở ngực, mệt mỏi không rõ nguyên nhân, tim đập nhanh hoặc nhịp tim chậm, khó thở, choáng váng, chóng mặt, ngất xỉu, cần được xem xét nghiêm túc và chăm sóc y tế kịp thời.
Cuối cùng, các chuyên gia kêu gọi mọi người, nhất là giới trẻ, quan tâm đến sức khỏe tim mạch của mình một cách nghiêm túc, thay đổi lối sống, tập thể dục và bắt đầu ăn uống lành mạnh để cải thiện sức khỏe.
Theo VOV