Y tế - Sức khỏe

Người Việt tử vong do bệnh tim mạch nhiều gấp đôi ung thư

Theo VnExpress 03/11/2023 16:10

Mỗi năm, hơn 200.000 người Việt tử vong vì bệnh lý tim mạch, gấp đôi bệnh ung thư, nguyên nhân chủ yếu do chưa chủ động tầm soát và phòng bệnh.

Người dân đo huyết áp tại Hà Nội. Ảnh: Lê Nga

Người dân đo huyết áp tại Hà Nội

Thông tin được GS.TS Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch thường trực Hội Tim mạch Việt Nam, cho biết tại họp báo Đại hội khoa học Tim mạch Đông Nam Á lần thứ 27, ngày 3/11.

Báo cáo gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2022 cho thấy bệnh tim mạch trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới, cướp đi 19,5 triệu sinh mạng mỗi năm. Việt Nam không nằm ngoài tình trạng này. Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 200.000 người Việt tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong, cao hơn cả số người chết vì ung thư.

Một trong những nguyên nhân khiến căn bệnh này trở thành "gánh nặng y tế" là người dân chưa chủ động phòng chống bệnh tim mạch. Đơn cử, nhiều người chưa hiểu rõ các yếu tố nguy cơ gây bệnh, không ý thức điều chỉnh lối sống ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi, tập luyện. Việc khám sức khỏe định kỳ cũng chưa được chú ý.

Bệnh lý tim mạch thường được cho là chỉ gặp ở người lớn tuổi. Song, trên thực tế, tần suất mắc bệnh ở người trẻ và trung niên ngày càng tăng. Người trẻ thường cho rằng họ không có nguy cơ mắc bệnh nên chủ quan và không có biện pháp phòng ngừa hợp lý.

Ngoài ra, khi số người cao tuổi tăng, các bệnh lý tim mạch, nhất là bệnh lý xơ vữa cũng tăng theo, là thách thức cho ngành tim mạch.

Mặt khác, theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim Mạch Việt Nam, các bệnh lý tim mạch còn liên quan các yếu tố nguy cơ bao gồm gia đình, chủng tộc, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường.

Thống kê của Viện Tim Mạch qua các năm từ 2000 đến năm 2015, tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành tăng khoảng 1% mỗi năm và đã chiếm 25%, cứ 4 người trưởng thành có một người tăng huyết áp. Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ lên gấp 4 lần và tăng nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch lên gấp 3 lần so với người không mắc bệnh.

Cuối cùng, các yếu tố nguy cơ liên quan lối sống như lười vận động, hút thuốc lá, uống rượu quá mức, chế độ ăn uống không lành mạnh, ô nhiễm môi trường, căng thẳng (stress),... cũng gia tăng bệnh tim mạch.

Theo ông Hùng, kinh nghiệm của các nước phát triển cũng như các thành tựu khoa học cho thấy, hầu hết bệnh tim mạch có thể phòng ngừa và chữa được một cách chủ động. Không hút thuốc lá, giảm ăn mặn, không tiêu thụ nhiều mỡ động vật, hạn chế uống rượu bia, tập vận động thể lực mỗi ngày... có thể giúp ngăn ngừa 80% các ca tử vong sớm do bệnh tim mạch.

Tại họp báo, GS Việt cũng đánh giá hiện Việt Nam đã làm chủ được hầu hết kỹ thuật tiên tiến về bệnh lý tim mạch tương đương các nước. Trước đây, nhiều bệnh nhân phải ra nước ngoài chữa bệnh, nay người dân đã có cơ hội tiếp cận các thành tựu khoa học tiên tiến ngay tại chỗ.

Đơn cử, mới đây, Viện Tim mạch trở thành cơ sở đầu tiên ở Việt Nam điều trị thành công ca bệnh rung nhĩ phức tạp bằng công nghệ bóng áp lạnh. Kỹ thuật này nhằm ngăn ngừa cơn rối loạn nhịp tái phát và vãn hồi chức năng tim bị suy giảm, giúp bệnh nhân có cuộc sống và sinh hoạt bình thường trở lại. Trước đây, đa số người mắc bệnh này phải ra nước ngoài điều trị.

Theo VnExpress
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người Việt tử vong do bệnh tim mạch nhiều gấp đôi ung thư