Bức tranh lợi nhuận quý I/2023 của ngành ngân hàng đang dần lộ diện cho thấy, có tăng trưởng. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn còn nhiều thách thức phải đối mặt, có thể khiến tăng trưởng lợi nhuận chậm lại.
Chững lại so với cùng kỳ
Thông tin công bố đến đầu tháng 5.2023, Vietcombank là ngân hàng có lợi nhuận trước thuế quý I/2023 cao nhất trong hệ thống, đạt khoảng 11.200 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 26% kết hoạch năm 2023.
Ngoại trừ một số ngân hàng như Vietcombank, BIDV, SHB... một số ngân hàng lợi nhuận chưa như kỳ vọng
Ngoài ra, tín dụng của Vietcombank đến hết quý I tăng 2,5%, huy động vốn tăng hơn 3,2%, cao hơn mặt bằng chung của hệ thống. Biên lãi ròng (NIM) cải thiện so với cuối năm ngoài, tăng khoảng 0,04 điểm %.
Vị trí á quân lợi nhuận ngân hàng thuộc về BIDV với 6.920 tỷ đồng (lợi nhuận trước thuế).
Đối với SHB, lợi nhuận trước thuế quý đầu năm tăng nhẹ 12% lên mức 3.600 tỷ đồng. Đây là ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh quý I tại Đại hội cổ đông diễn ra vào nửa đầu tháng 4 vừa qua.
Với kết quả này, SHB đã thực hiện được khoảng 35% so với kịch bản lợi nhuận cả năm từ 10.200-10.600 tỷ đồng. Tăng trưởng huy động vốn của SHB đạt trên 8%, tăng trưởng tín dụng khoảng 6%.
Tương tự, Sacombank báo lãi trước thuế 2.383 tỷ đồng, tăng 50%, với động lực chính đến từ hoạt động cốt lõi - thu nhập lãi thuần. Tại OCB, lợi nhuận trước thuế ghi nhận đạt 983 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ.
VIB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt xấp xỉ 2.700 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, tổng thu nhập hoạt động đạt hơn 4.900 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 19%.
Ở chiều ngược lại, một số ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng âm như VPBank, Tecombank, LienVietPostBank, VietABank.
Cụ thể, Techcombank lợi nhuận trước thuế đạt 5.623 tỷ đồng nhưng giảm 17% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận Techcombank sụt giảm là do chi phí lãi tăng mạnh, đến từ việc trả lãi tiền gửi cho khách hàng lên cao do lãi suất huy động tăng mạnh thời gian qua. Điều này dẫn đến thu nhập lãi thuần giảm tới 19,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, điểm sáng là nhiều hoạt động kinh doanh phi tín dụng khác vẫn có kết quả khả quan.
Tại VPBank, lợi nhuận sụt giảm một phần do ngân hàng không có nguồn thu đột biến như cùng kỳ năm ngoái. Quý I/2022, nhà băng này có khoản thu trả trước từ hợp đồng bancassurance.
Theo báo cáo tài chính quý I/2023, LienVietPostBank ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế đạt gần 1.566, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Giải thích về việc lợi nhuận trước thuế giảm so với cùng kỳ, LienVietPostBank cho biết, tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động, do đó đã tác động đến hoạt động kinh doanh của nhiều cá nhân và doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực kinh tế trong đó có ngành ngân hàng.
Dè dặt kế hoạch cả năm
Trong báo cáo về triển vọng ngành ngân hàng năm 2023, nhóm phân tích Công ty CP Chứng khoán VNDirect đánh giá, tốc độ tăng trưởng có thể sẽ chậm lại, chỉ ở mức khoảng 10-11%, thay vì mức 32% của năm 2022, do tăng trưởng tín dụng chậm lại, NIM thu hẹp và chi phí tín dụng tăng.
Trong báo cáo chiến lược ngành ngân hàng mới đây, các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán Maybank Investment Bank (MSVN) duy trì quan điểm tích cực đối với ngành ngân hàng của Việt Nam. Cụ thể, MSVN đánh giá lợi nhuận của hầu hết ngân hàng Việt Nam sẽ tăng chậm lại đáng kể trước những khó khăn trong năm 2023. Tuy nhiên, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các ngân hàng phần lớn vẫn hấp dẫn với trung bình là 18,5%.
Đặc biệt, theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) sự phân hóa lợi nhuận giữa các ngân hàng sẽ trở nên rõ nét nhất trong nửa sau năm 2023. Trong đó, các ngân hàng có chất lượng dư nợ tín dụng tốt và số dư trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến các doanh nghiệp bất động sản chiếm tỉ lệ thấp trong cơ cấu tổng dư nợ nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì được mạch tăng trưởng tích cực.
Theo các chuyên gia của Fiintrade, năm nay, lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm ngân hàng thương mại. Trong đó, nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước vẫn là điểm tựa vững chắc cho tăng trưởng lợi nhuận của toàn ngành trong các quý sắp tới, dù có giảm tốc so với năm ngoái.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, nhiều ngân hàng đặt kế hoạch kinh doanh cả năm một cách thận trọng. Điều này cho thấy, giới chủ ngân hàng đều nhìn nhận 2023 là năm nhiều thử thách với những vấn đề như nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro, thị trường bất động sản và trái phiếu đóng băng. Các ngân hàng thương mại cổ phần lớn như Techcombank, VPBank, MB, SHB, ACB đều đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận ở mức dưới 20% trong năm 2023.
Theo Kinh tế đô thị