Sau gần 3 tháng triển khai, kết quả cho vay gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm của các ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn còn nhiều hạn chế.
Vẫn lo khó đáp ứng đủ các điều kiện vay
Cách đây 3 tháng, Công ty CP Công nghệ Hà Lan (Cụm công nghiệp Hợp Thịnh, Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) được chi nhánh Agribank Vĩnh Phúc II thông báo về gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định 31 của Chính phủ. Doanh nghiệp này đã hoàn thành hồ sơ, thủ tục để tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm trên tổng dư nợ gần 40 tỷ đồng tại Agribank.
"Việc tiếp cận cũng không khó khăn, hồ sơ thủ tục đều được ngân hàng hướng dẫn. Sau khi được hỗ trợ, lãi suất của doanh nghiệp đang vay là 6,2%/năm. Nhờ được giảm lãi, doanh nghiệp vượt qua nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao”, ông Vũ Văn Hòa - Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Hà Lan cho biết.
Từ đầu năm đến nay, giá nguyên liệu đầu vào tăng 20%, nhưng sản phẩm của Công ty CP Công nghệ Hà Lan vẫn chưa thể tăng giá tương ứng với mức tăng của giá đầu vào. Do đó, việc hỗ trợ lãi suất 2%/năm đã đảm bảo cho doanh nghiệp thoát lỗ và có lãi.
Thế nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có được "may mắn" như doanh nghiệp trên. Nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm đối tượng được hưởng hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định 31, nhưng chưa thể tiếp cận.
“Doanh nghiệp tôi đang có khoản vay 2 tỷ đồng với lãi suất 8,5%/năm, cao hơn 0,5% so với đầu năm. Đầu tháng 8/2022, ngân hàng thông báo công ty làm thủ tục để được hỗ trợ lãi suất 2% nhưng đến nay vẫn chưa nhận được. Chúng tôi đã có khoản vay phê duyệt từ đầu năm với tài sản thế chấp đầy đủ mà còn chậm trễ, vậy một số công ty trong Hiệp hội Cao su - Nhựa nếu không có tài sản thế chấp, sẽ không thể nào vay được”, Giám đốc Công ty Cao su Đức Minh, ông Nguyễn Quốc Anh chia sẻ.
Là doanh nghiệp bị chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Vietravel than thở: “Đến thời điểm này hầu như các doanh nghiệp, trong đó có Vietravel vẫn chưa thể tiếp cận được gói hỗ trợ 2% do nhiều rào cản”.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, các ngân hàng đều yêu cầu doanh nghiệp muốn vay mới phải trả nợ cũ; phải có tài sản thế chấp... Trong khi 2 năm COVID-19 hoành hành, tài sản của nhiều doanh nghiệp đã thế chấp hết tại ngân hàng. Còn những doanh nghiệp lữ hành chủ yếu nhờ vào nhân lực, tri thức, thương hiệu... Các yếu tố này không thể đem ra thế chấp được.
"Một số ngân hàng báo hết room - hạn mức tín dụng, số khác thì lãi suất khá cao hoặc điều kiện ràng buộc quá nhiều. Qua 2 năm dịch bệnh, ngành du lịch tê liệt, nên việc yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh có lãi mới được hưởng chính sách ưu đãi gần như là điều không thể”, Giám đốc Công ty Du lịch Ảnh Việt Hop on-Hop off Việt Nam Nguyễn Khoa Luân cho biết.
Giới doanh nghiệp đều đánh giá: Chính sách về hỗ trợ lãi suất là rất kịp thời, trúng và đúng sau hơn 2 năm cộng đồng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề của COVID-19. Tuy nhiên, điều kiện để được hưởng ưu đãi lãi suất còn chặt chẽ, khiến doanh nghiệp khó đáp ứng được theo quy định nên kết quả đạt được không như kỳ vọng là điều tất yếu.
Đề cập về tiến độ giải ngân gói 2% lãi suất, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Theo báo cáo nhanh từ các NHTM, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt gần 4.100 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng, số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng đạt khoảng 1,02 tỷ đồng. Các ngân hàng đã và đang rà soát danh mục khách hàng đáp ứng điều kiện của gói 2% lãi suất và đang đẩy mạnh công tác hướng dẫn khách hàng hoàn thiện thủ tục hỗ trợ lãi suất.
Theo các NHTM, một trong những khó khăn trong việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% là việc xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất. Mặc dù Bộ Kế hoạch Đầu tư đã Văn bản giải đáp số 5251/BKHĐT-PTDN ngày 29/7/2022 về đối tượng được hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, các NHTM vẫn gặp khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất trong một số trường hợp khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành.
Ngoài ra, một số ngân hàng có tâm lý e ngại do một số chương trình hỗ trợ lãi suất đã triển khai thực hiện trước đây nhưng vẫn chưa được quyết toán số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng. Có lãnh đạo ngân hàng chia sẻ: Đến nay vẫn không quyết toán được khoản hỗ trợ lãi suất 4% trong giai đoạn kích cầu năm 2009. Điều này cũng khiến ngân hàng đắn đo hơn khi triển khai gói hỗ trợ mới. Trong khi đó, nguồn hỗ trợ được lấy từ ngân sách Nhà nước (NSNN) nên quá trình triển khai hỗ trợ phải đảm bảo vừa hỗ trợ được khách hàng, vừa phải "đúng và trúng", nếu ngân hàng làm sai sẽ bị truy trách nhiệm.
Về phía khách hàng, một số chi nhánh NHTM đã chủ động hướng dẫn khách hàng làm thủ tục, hồ sơ hỗ trợ, song bản thân khách hàng (nhất là các doanh nghiệp) cũng có tâm lý e ngại trong trường hợp tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất sẽ phải làm việc với các đoàn thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền.
Đề xuất doanh nghiệp có phương án kinh doanh tốt được vay
Nhiều chuyên gia kinh tế đều đồng tình việc hệ thống ngân hàng không nên hạ chuẩn cho vay, đây cũng là cách để ngân hàng chọn những doanh nghiệp tốt, cần được hỗ trợ để có cơ hội phát triển thay vì hỗ trợ tràn lan.
Theo chuyên gia kinh tế độc lập, TS Nguyễn Trí Hiếu, các tổ chức tín dụng (TCTD) phải tuân thủ nguyên tắc không hạ chuẩn cho vay, thẩm định chặt chẽ nhưng đề xuất cho phép các doanh nghiệp có thể được vay vốn thông qua kế hoạch kinh doanh chi tiết khi sử dụng vốn vay, chứng minh dòng tiền thu về trong vòng một năm thay vì chỉ "vin" vào yếu tố phải có tài sản bảo đảm.
TS Lê Duy Bình - Giám đốc Điều hành Economica Việt Nam cho rằng: Nếu nới điều kiện vay, rủi ro đẩy về phía ngân hàng. Nên về nguyên tắc, theo TS Lê Duy Bình, không nên hạ chuẩn tín dụng. “Chúng ta không thể hỗ trợ cho tất cả doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp không có khả năng phát triển mà cần phải chọn những doanh nghiệp tốt, có khả năng sử dụng vốn tốt. Để làm được điều đó, chúng ta phải xác định mục tiêu của gói vay không phải cho vay được vốn càng nhiều càng tốt, mà phải cho vay hiệu quả, tức là đưa vốn đến đúng những doanh nghiệp sử dụng vốn tốt để tạo cơ hội cho họ phát triển, phục hồi”, ông Lê Duy Bình cho biết.
Đến nay, trên cơ sở đề xuất của các NHTM, NHNN đã đăng ký dự toán NSNN năm 2022, 2023 thực hiện hỗ trợ lãi suất từ 40.000 tỷ đồng, trong đó năm 2022 là 16.035 tỷ đồng và năm 2023 là 23.965 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng với gói hỗ trợ lãi suất 2% Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 258/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về thúc đẩy triển khai thực hiện hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ. Để thúc đẩy việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất, Phó Thủ tướng giao NHNN chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện rà soát kỹ các quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và các Thông tư, văn bản hướng dẫn của NHNN và các Bộ, cơ quan liên quan đến triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất, bảo đảm phù hợp và bám sát Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Tờ trình của Chính phủ đã trình Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; trường hợp phát hiện có các quy định chặt chẽ quá mức cần thiết gây khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện cần kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các NHTM, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh về chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP. NHNN và các Bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chính sách để kịp thời nghiên cứu, giải quyết, hướng dẫn theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp tháo gỡ phù hợp. |
Theo báo Tin tức