Theo Bộ Tài chính, trong năm 2024 có 92 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, tổng nợ vay đáo hạn hơn 99.500 tỷ đồng.
Trong đó, nhiều 'ông lớn' bất động sản có nợ trái phiếu đáo hạn lên tới nghìn tỷ.
Dư nợ trái phiếu bất động sản là hơn 351.000 tỷ đồng
Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Bộ Xây dựng về quản lý, giám sát việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản.
Dẫn dữ liệu tổng hợp tình hình trái phiếu đang lưu hành tại thời điểm 31/12/2023 theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Bộ Tài chính cho biết, tổng dư nợ phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản là 351.390 tỷ đồng.
Trong danh sách các doanh nghiệp bất động sản nợ trái phiếu nhiều nghìn tỷ, có những cái tên đáng chú ý như: Công ty TNHH Capitaland Tower hơn 12.200 tỷ đồng, CTCP Đầu tư và xây dựng Vạn Trường Phát 10.000 tỷ đồng, CTCP Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân (Địa ốc Việt Hân) khoảng 9.700 tỷ đồng;
CTCP Đầu tư phát triển bất động sản TNR Holdings Việt Nam khoảng 9.300 tỷ đồng, CTCP Bất động sản Hano-vid khoảng 9.500 tỷ đồng, Công ty TNHH Đầu tư và phát triển đô thị Hưng Yên 7.200 tỷ đồng, Công ty CP Thái Sơn Long An 8.700 tỷ đồng; CTCP Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova khoảng 6.500 tỷ đồng; Công ty TNHH Nova Thảo Điền 2.300 tỷ đồng.
Danh sách các "ông lớn" bất động sản ôm nợ trái phiếu nhiều nghìn tỷ đồng theo báo cáo của Bộ Tài chính còn có CTCP Đầu tư Văn Phú - Invest 1.300 tỷ đồng, Tập đoàn Sunshine khoảng 1.300 tỷ đồng, CTCP Sunshine AM khoảng 4.400 tỷ đồng, CTCP Kinh doanh nhà Sunshine 3.500 tỷ đồng, CTCP Đầu tư Nam Long khoảng 3.100 tỷ đồng, CTCP Đầu tư Hải Phát hơn 1.840 tỷ đồng, Công ty TNHH KN Cam Ranh hơn 1.600 tỷ đồng, Công ty TNHH Thành phố Aqua 2.400 tỷ đồng;
CTCP Đầu tư Golden Hill 5.760 tỷ đồng, CTCP Hưng Thịnh Land 5.100 tỷ đồng, CTCP Hưng Thịnh Investment hơn 2.900 tỷ đồng...
Hàng loạt doanh nghiệp có trái phiếu đáo hạn nghìn tỷ
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng cho hay, trong năm 2024 có 92 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, tổng nợ vay đáo hạn khoảng 99.500 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp có nợ trái phiếu đáo hạn nghìn tỷ trong năm nay có thể kể đến như: CTCP Đầu tư Golden Hill hơn 5.760 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư kinh doanh và phát triển đô thị Ngôi Sao Phương Nam 4.695 tỷ đồng, Công ty TNHH Bất động sản Lan Việt 4.100 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Nam An 4.700 tỷ đồng, Công ty CP Phát triển bất động sản Nhật Quang 2.150 tỷ đồng, CTCP Hưng Thịnh Land 1.100 tỷ đồng, Công ty TNHH Đầu tư và phát triển đô thị Hưng Yên 7.200 tỷ đồng, CTCP Đầu tư Hải Phát hơn 1.340 tỷ đồng, CTCP Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova 2.000 tỷ đồng;
Ngoài ra còn có Công ty TNHH Thành phố Aqua 1.100 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest hơn 1.000 tỷ đồng, CTCP Kinh doanh Nhà Sunshine 1.000 tỷ đồng, Tập đoàn Geleximco - CTCP 980 tỷ đồng...
Từ thực tế trên, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản theo Nghị quyết 33 năm 2023 của Chính phủ.
Trong đó kịp thời rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý và trong triển khai thực hiện dự án, nhất là các doanh nghiệp có trái phiếu đáo hạn trong năm 2024, để các doanh nghiệp hoàn thiện dự án, đưa sản phẩm ra thị trường, khôi phục dòng tiền cho doanh nghiệp, qua đó góp phần ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
TN (theo VTC News)