Sau gần hai năm được quy hoạch, thôn Lô Lô Chải hiện có một hình ảnh mới, đồng bộ và vẫn giữ nguyên những giá trị truyền thống.
Thôn Lô Lô Chải (thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn) nằm sát điểm cực Bắc Việt Nam, cách cột cờ Lũng Cú khoảng 1,5 km. Lô Lô Chải là nơi vẫn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống với những căn nhà trình tường từ nhiều đời của người Lô Lô.
Đầu năm 2022, Lô Lô Chải được công nhận Làng Văn hóa Du lịch. Gần hai năm qua, chính quyền và người dân đã cùng phối hợp làm du lịch chuyên nghiệp và bài bản hơn. Lượng du khách đến thôn ngày một đông.
Nhiều khách du lịch đến đây ví Lô Lô Chải giống như làng Vân Miêu (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) nổi tiếng trong bộ phim "Đi đến nơi có gió" với sự tham gia của hai diễn viên chính là Lưu Diệc Phi và Lý Hiện. Bộ phim nói về cuộc sống của một vùng quê tại Trung Quốc, nơi con người sống quây quần, tình cảm, xây homestay, làm du lịch với nhiều hoạt động cho du khách.
Theo ông Nguyễn Văn Chinh, Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, hiện thôn có 119 hộ với 542 nhân khẩu, trong đó có 42 hộ làm homestay, 5 hộ làm thêm nhà hàng. Ngày khách đông nhất lên tới 600 người, thường vào cuối tuần, dịp lễ Tết. Ngày thường, trung bình có 100-200 lượt khách lưu trú.
Tại thôn, các căn nhà vẫn giữ nguyên kiến trúc của người Lô Lô, với nhà trình tường đất kín 3 mặt, cổng và tường rào bằng đá xếp thủ công. Để phù hợp làm du lịch, các hộ dân đã sửa sang, làm thêm vệ sinh khép kín, tiện cho du khách đến ăn nghỉ, sinh hoạt, nhưng không làm ảnh hưởng đến kiến trúc bên ngoài và tổng thể.
Theo ông Chinh, cái khó nhất để có Lô Lô Chải như ngày nay là bảo tồn được kiến trúc truyền thống. Có thời điểm người dân mạnh ai nấy làm, sơn sửa nhà theo ý thích cá nhân. Qua nhiều cuộc đối thoại, thậm chí "đe dọa tẩy chay", người dân đã dần hiểu.
Mới năm ngoái, vẫn nhiều hộ làm nông nghiệp, chăn nuôi khiến vệ sinh môi trường chung bị ảnh hưởng. Nay họ hoàn toàn chuyển sang kinh doanh du lịch. Người dân được hướng dẫn chi tiết về cách phục vụ, mô hình kinh doanh dịch vụ du lịch.
"Họ giờ có thể sống được bằng du lịch. Thu nhập bình quân mỗi nhà dao động từ 20 đến 30 triệu đồng một tháng", ông Chinh cho hay.
Các căn homestay đều được bố trí theo phong cách truyền thống, hệ thống bàn uống nước, không gian sinh hoạt chung rộng rãi. Các hiện vật cổ của người Lô Lô cũng được trưng bày trong các gian phòng, tạo nên sự gần gũi và thân thiện.
Những góc nhỏ bình yên ở Lô Lô Chải.
Để thuận tiện, khách đến đây có thể đặt phòng nghỉ, đặt cơm trên Facebook, Zalo. Các hộ kinh doanh cập nhật hằng ngày về khai báo tạp trú, tạm vắng trên nhóm riêng.
Tuấn Đào, nhiếp ảnh gia ở Hà Nội, đã đến Lô Lô Chải 3 lần, lần đầu tiên cách đây 10 năm. Quay trở lại vào giữa tháng 10 năm nay, anh đã "không thể ngờ".
"Lô Lô Chải như lột xác hoàn toàn. Tôi thấy được sự tự hào của người dân nơi đây khi họ gặp tôi và hào hứng bảo: anh vào bản chơi đi. Bây giờ khác lắm rồi", Tuấn Đào nói.
Giá thuê homestay ở Lô Lô Chải hiện dao động từ 150.000 đồng đến 800.000 đồng một đêm, tùy thuộc vào phòng cộng đồng (dorm) hay phòng riêng. Các phòng đều được vệ sinh sạch sẽ.
Các vận dụng phục vụ du khách khá đầy đủ, do người dân tự sắp đặt, có quầy lưu niệm và bán đồ sản vật địa phương.
"Người dân trong thôn mới bắt đầu làm du lịch, đôi khi chưa thực sự chuyên nghiệp và chỉn chu, hy vọng du khách thông cảm", ông Chinh nói.
"Điều tôi thích nhất ở Lô Lô Chải ngày nay chính là được ở homestay đúng nghĩa. Chúng tôi ở cùng người dân, được quan sát cuộc sống của họ. Cách đây mấy năm tôi từng nghe nơi này sắp có dự án villa, bể bơi. Tôi thực sự vui mừng khi thấy những gì ở Lô Lô Chải ngày hôm nay", Tuấn Đào nói.
Theo VnExpress