Hà Giang lý giải kế hoạch thu phí cao nguyên đá Đồng Văn

22/06/2023 14:39

Đại diện du lịch Hà Giang cho biết thu phí tham quan Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn là "điều cần làm" để đáp ứng tiêu chí của một địa danh được UNESCO công nhận.

Sau khi thông tin Hà Giang thu phí du lịch Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn (CVĐC) được công bố, nhiều ý kiến trái chiều đã nổ ra. Đây là điều những người đứng đầu tỉnh này đã lường trước.

"Nếu không thu phí, mọi người có chấp nhận chất lượng du lịch chỉ ở tầm miễn phí không?", ông Hoàng Xuân Đôn, Trưởng ban Quản lý CVĐC, đặt câu hỏi.

CVĐC được thành lập vào tháng 9.2009, gồm bốn huyện là Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc với tổng diện tích tự nhiên khoảng 2.356 km2. Năm 2010, cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là công viên địa chất UNESCO đầu tiên ở Việt Nam. Lượng khách đến CVĐC tăng dần và đạt gần 2,3 triệu lượt năm 2022.

Thống kê từ tỉnh cho thấy khoảng 65% khách đến Hà Giang đều tham quan khu vực CVĐC. Lượng khách và doanh thu du lịch trên vùng CVĐC từ năm 2010 đến năm 2020 tăng trung bình 15-20% mỗi năm, cao hơn mức trung bình toàn tỉnh (10% mỗi năm) và là động lực phát triển du lịch chính của Hà Giang.

Mùa xuân ở Phố Cáo, Hà Giang. Ảnh:Nguyễn Hữu Thông

Mùa xuân ở Phố Cáo, Hà Giang. Ảnh: Nguyễn Hữu Thông

Ông Đôn cho biết cứ mỗi bốn năm, UNESCO tái đánh giá tình hình phát triển của CVĐC. Mỗi lần, tổ chức này sẽ đưa ra hàng loạt khuyến nghị để CVĐC thực hiện trong bốn năm tiếp theo. Để được tính là hoàn thành, 90% khuyến nghị phải được thực hiện nếu không sẽ nhận thẻ vàng (cho tiếp hai năm để thực hiện) hoặc thẻ đỏ (tước danh hiệu).

Thông thường, UNESCO khuyến nghị nhiều hoạt động từ bảo tồn, quy hoạch, giáo dục cộng đồng, phát triển cộng đồng, bảo vệ văn hóa thiểu số, đa dạng sinh học đến đầu tư và làm du lịch bền vững. Mỗi kế hoạch như vậy tiêu tốn trực tiếp của tỉnh tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, chưa kể các chi phí gián tiếp như các dự án giao thông, điện, nước, viễn thông. Theo ông Đôn, các kế hoạch này dù tiêu tốn số tiền khổng lồ nhưng đều đem lại lợi ích cho người dân.

"Khuyến nghị không chỉ dành riêng cho du lịch nên số tiền chi ra rất lớn", ông Đôn nói thêm.

Câu hỏi đặt ra là tiền ở đâu để thực hiện những khuyến nghị này? Do nằm ở vị trí trên vùng cao, mọi hoạt động như mở rộng hệ thống điện, nước, viễn thông với Hà Giang đều rất khó khăn. Với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của du lịch trong những năm qua, áp lực đè nên tỉnh Hà Giang là "rất cao". Mặt khác, Hà Giang là tỉnh nghèo, ít dịch vụ để khách tiêu tiền. Du khách đến chủ yếu để ngắm cảnh nên chi phí dịch vụ không cao, nguồn thu đổ về tỉnh rất ít, gây khó khăn trong việc cải thiện đời sống người dân và phát triển du lịch.

Ông Đôn cũng chỉ ra trong vùng CVĐC có khoảng 40 điểm đủ tiêu chuẩn thu phí nhưng tỉnh mới thu phí ở ba điểm gồm hang Lùng Khúy (Quản Bạ); Nhà Vương, cột cờ Lũng Cú (Đồng Văn). Từ năm 2017 đến năm 2021, doanh thu từ phí tham quan đạt khoảng 29 tỷ đồng, sau khi nộp ngân sách còn 17,2 tỷ đồng.

Mặt khác, từ năm 2011, các chuyên gia thuộc mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO (GGN) đã đề cập đến việc thu phí và tự chủ tài chính đối với Ban quản lý CVĐC. Tới năm 2018, việc thu phí và tự chủ tài chính trở thành khuyến nghị bắt buộc phải thực hiện. Tỉnh Hà Giang cũng đánh giá trong giai đoạn tới, với đà phát triển hiện tại của CVĐC, nếu chỉ chờ từ ngân sách nhà nước, sẽ thiếu hụt trầm trọng kinh phí, không thể đáp ứng nhu cầu của xây dựng và phát triển.

"Điều này cũng tạo sự công bằng, ai sử dụng tài nguyên du lịch, người đó cần trả tiền", ông Đôn nói.

Khách nước ngoài đi bộ ở phố cổ Đồng Văn. Ảnh: Xuân Phương

Khách nước ngoài đi bộ ở phố cổ Đồng Văn. Ảnh: Xuân Phương

Hà Giang đã thực hiện khảo sát với khách du lịch tại CVĐC, kết quả cho thấy hơn 50% khách đồng ý trả phí tham quan. Riêng khách nước ngoài, tỷ lệ đồng thuận lên tới hơn 90%. Câu hỏi được đa số khách nước ngoài quan tâm là việc thu phí sẽ đem lại lợi ích gì cho du khách và CVĐC.

Ông Đôn cho biết nếu việc thu phí được áp dụng, tỉnh sẽ có ngân sách chi trả cho nguồn lực phục vụ công tác bảo tồn, quản lý, vận hành các điểm di sản, bảo vệ môi trường, tái đầu tư hạ tầng (vệ sinh công cộng, bãi xe), đồng thời tái đầu tư cho người dân địa phương.

Đại diện ban quản lý CVĐC nói thêm việc thu phí không chỉ liên quan đến câu chuyện ngân sách. Đây còn là cách Hà Giang nâng cao nhận thức của du khách về giá trị di sản, phân loại du khách mục tiêu và giúp điều hướng du khách, giảm quá tải. Tại ba điểm thu phí hiện tại, hệ thống nước, điện, xử lý rác thải được vận hành tốt, trái ngược với nhiều điểm còn lại.

Cũng theo khảo sát, phương án được nhiều du khách lựa chọn là thu phí tại các điểm di sản; cổng vào, được vào tất cả điểm di sản. Phương án ít được lựa chọn nhất là thu phí qua dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn, phí tính theo đêm. Về mức phí, du khách ưu tiên mức phí thấp nhất.

Dù kết quả như vậy, cách triển khai thu phí "vẫn là điều cần tính toán". Nếu thu phí tại từng điểm, ban quản lý CVĐC lo ngại sẽ gây khó chịu cho du khách khi phải thanh toán lẻ tẻ. Việc lập các chốt thu phí cũng không dễ dàng khi còn liên quan đến luật giao thông đường bộ. Ngoài ra, việc lập thêm các chốt thu phí cũng gây tốn kém nguồn nhân lực, "làm phình" bộ máy quản lý.

Ban quản lý CVĐC và nhiều lãnh đạo tỉnh Hà Giang đang thiên về phương án thu phí qua đêm và chủ cơ sở sẽ chịu trách nhiệm thu phí. Đây được xem là hình thức thu phí công bằng, không phản cảm và đem lại nguồn lợi trực tiếp cho người dân. Khoảng 20% tiền phí du lịch này sẽ được gửi lại cho chủ cơ sở lưu trú.

Trong quá trình xây dựng đề án, ông Đôn nhận thấy nhiều điểm du lịch trên thế giới cũng đang áp dụng kiểu thu phí này. Theo Euronews, Brussels (Bỉ) thu phí du lịch gộp trong tiền phòng khách sạn, trung bình từ 8,2 USD - tùy theo hạng khách sạn. Áo thu phí ở qua đêm, khoảng 3,02% giá trị trên tổng hóa đơn khách sạn. Ở châu Á, Indonesia có áp dụng thu thuế du lịch tại riêng Bali, khoảng 9,8 USD mỗi khách nước ngoài.

Theo nghiên cứu của ban quản lý CVĐC, có nhiều điểm di sản UNESCO trên thế giới đang "thu phí rất cao", như Vườn quốc gia Bwindi Impenetrable (Uganda) - 700 USD; Vườn quốc gia Komodo (Indonesia) - 252 USD; Serengeti (Tanzania) - 70,8 USD.

Tại Italy, nhiều thành phố như Bologna, Catania, Florence, Genoa cũng thu phí du lịch theo hạng khách sạn. Ở Việt Nam, Vịnh Hạ Long cũng là ví dụ điển hình trong việc thu phí thông qua các tuyến tham quan vịnh trong ngày hoặc qua đêm, mức giá từ 250.000 đồng đến 750.000 đồng mỗi khách.

Ông Đôn nói đã học hỏi cách làm của ban quản lý vịnh Hạ Long khi xây dựng đề án cho CVĐC. Trong thời gian đầu, mức phí có thể không cao và có thất thoát. Tuy nhiên, đây là giai đoạn để nâng cao nhận thức của du khách về điểm đến: CVĐC là di sản được UNESCO công nhận và du khách cần phải trả phí để bảo tồn, phát triển du lịch.

"Nếu thu phí, mọi thứ sẽ được đầu tư bài bản, chỉn chu hơn. Không thu phí, chất lượng du lịch khó lòng cải thiện", ông Đôn nhắc lại.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Giang lý giải kế hoạch thu phí cao nguyên đá Đồng Văn
    ss