Lo lắng chất lượng bữa ăn ca của công nhân. Bài 2: Nguy cơ ngộ độc thực phẩm bủa vây

29/05/2019 09:29

Những vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại doanh nghiệp với hàng chục, thậm chí hàng trăm công nhân phải nhập viện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về mất an toàn tại các bếp ăn tập thể.

>>Lo lắng chất lượng bữa ăn ca của công nhân. Bài 1: Nghèo nàn cả lượng và chất


Tại Công ty TNHH Ha Hae Việt Nam từng xảy ra ngộ độc thực phẩm khiến gần 90 công nhân phải nhập viện

Công nhân chịu trận

Khoảng 11 giờ 30 và 12 giờ 10 ngày 10.4.2019, Công ty TNHH Ha Hae Việt Nam (TP Hải Dương) tổ chức bữa ăn trưa cho khoảng 2.900 công nhân tại bếp ăn tập thể của công ty. Các suất ăn do nhà hàng Đức Hạnh (ở xã Hồng Khê, Bình Giang) nấu ăn tại bếp ăn của công ty. 14 giờ cùng ngày, chị Đỗ Thị Th. là người đầu tiên có các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn. Đến 17 giờ, gần 90 bệnh nhân phải nhập viện trong tình trạng đau bụng, buồn nôn, nôn, đi ngoài phân lỏng. Sau khi được điều trị, đến ngày 12.4, tất cả các công nhân đã được xuất viện. Đây là vụ ngộ độc thực phẩm không rõ nguyên nhân (nghi ngờ do thức ăn biến chất, cụ thể là món cá nhái). Ngày 6.5, UBND tỉnh đã quyết định xử phạt ông Đỗ Đức Hạnh, chủ nhà hàng Đức Hạnh 81 triệu đồng.

Theo thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, trong khoảng 10 năm (từ năm 2009 đến tháng 4.2019), trong tỉnh xảy ra 33 vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có 14 vụ xảy ra tại doanh nghiệp, chiếm 42,4% với tổng số hơn 670 người mắc. Điển hình vào năm 2017 xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tại các Công ty TNHH IL Shin Vina (TP Hải Dương) và TNHH một thành viên Masan Hải Dương (khu công nghiệp Đại An, TP Hải Dương); năm 2018 tiếp tục có hai vụ ngộ độc tập thể tại các Công ty TNHH Camex Việt Nam (Ninh Giang) và Công ty CP Năng lượng Hòa Phát (Kinh Môn).

Chị Nguyễn Thị Nh., công nhân Công ty TNHH một thành viên Masan HD cho biết: "Trước đây, ở công ty tôi cũng từng xảy ra ngộ độc thực phẩm. Thỉnh thoảng lại thấy các phương tiện thông tin đại chúng thông tin về những vụ ngộ độc xảy ra trong các doanh nghiệp nên tôi không khỏi lo lắng. Do tính chất của công việc, tôi và nhiều công nhân khác vẫn phải ăn ca".

Luôn tiềm ẩn mất an toàn

Hằng năm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đều tổ chức kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) đối với bếp ăn tập thể tại các đơn vị, doanh nghiệp. Năm 2018, chi cục đã kiểm tra 95 bếp ăn tập thể, trong đó phát hiện 1 cơ sở vi phạm do sử dụng giấy xác nhận đủ sức khỏe của người lao động đã quá thời hạn. Đoàn đã xét nghiệm nhanh 120 mẫu dụng cụ ăn uống, kết quả có 5 mẫu còn tồn dư tinh bột. Trong số 87 mẫu nguyên liệu, mẫu thực phẩm đã qua chế biến, gửi Labo xét nghiệm các chỉ tiêu bảo đảm ATTP, phát hiện 2 mẫu không đạt.

Trong đợt kiểm tra đầu năm 2019, mặc dù chưa có kết quả thông báo chính thức nhưng đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã phát hiện 1 đơn vị không có sổ kiểm thực 3 bước theo quy định của Bộ Y tế. 2 đơn vị có người tham gia chế biến thức ăn không có trang phục đầy đủ theo quy định. Đoàn kiểm tra đã nhắc nhở các đơn vị, doanh nghiệp cần bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ tại bếp ăn tập thể để thực hiện tốt hơn công tác bảo đảm ATTP, phòng tránh ngộ độc thực phẩm. Nhưng thực tế cho thấy, thường thanh tra, kiểm tra theo định kỳ, nên khó có thể phát hiện hết những sai phạm của bếp ăn tập thể.

Theo đại diện Phòng Thanh tra Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, ở tỉnh ta, các doanh nghiệp tổ chức bữa ăn ca theo 3 loại hình: Doanh nghiệp tự nấu phục vụ công nhân (60%), doanh nghiệp có bếp ăn tập thể ký hợp đồng thuê công ty, hộ kinh doanh nấu tại bếp của doanh nghiệp (30%) và doanh nghiệp thuê đơn vị vận chuyển các suất ăn từ bên ngoài vào (10%). Nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm đều có thể xảy ra ở cả 3 loại hình này nhưng loại 2 và loại3 tiềm ẩn nguy cơ cao hơn. Nguyên nhân do đơn vị kinh doanh, cung cấp suất ăn đều tính đến yếu tố lợi nhuận. Nếu hám lợi có thể xảy ra trường hợp đơn vị được thuê cung cấp suất ăn mua những nguyên liệu rẻ, chất lượng không bảo đảm, mức giá của suất ăn không tương xứng với chất lượng thực tế để kiếm lời. Đặc biệt, thuê đơn vị chuyển các suất ăn đã được chế biến sẵn vào trong doanh nghiệp tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc lớn hơn cả. Bởi loại hình này khó kiểm soát chất lượng nguồn thực phẩm đầu vào. Quá trình chế biến và vận chuyển mất nhiều thời gian hơn so với nấu trực tiếp tại bếp của doanh nghiệp, khiến các yếu tố vi khuẩn, vi sinh vật dễ xâm nhập, làm ôi thiu, biến chất thức ăn, nguy cơ này càng tăng trong mùa hè nắng nóng. Sau khi chế biến, thức ăn lại được chia, đựng trong các hộp xốp hoặc khay nhựa cũng không bảo đảm an toàn vì chúng đều có thể thôi nhiễm các loại hóa chất...          

Ông Đinh Quang Tuấn, Trưởng Phòng Thông tin truyền thông và Quản lý ngộ độc thực phẩm (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh) cho biết: "Nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm không chỉ xuất phát từ nguyên liệu mà có thể đến từ chính quá trình bảo quản, sơ chế, chế biến không bảo đảm vệ sinh. Thống kê cho thấy hầu hết các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong tỉnh đều do vi khuẩn, vi sinh vật như Ecoli, tụ cầu vàng, vibrio parahaemonlyticus...gây ra”.

HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Lo lắng chất lượng bữa ăn ca của công nhân. Bài 2: Nguy cơ ngộ độc thực phẩm bủa vây