Hiệu trưởng các trường cho rằng, học trực tuyến kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe tâm thần của học sinh. Các trường cần tính phương án tăng cường hoạt động, kỹ năng khi học sinh quay lại trường.
Học sinh thích gặp mặt bạn bè, học trực tiếp hơn học trực tuyến
Bà Lê Thị Thúy Nga, Hiệu trưởng Trường THCS Dịch Vọng, quận Cầu Giấy (Hà Nội), nói rằng, một vấn đề khiến giáo viên, nhà trường khá lo lắng hiện nay là sức khỏe tâm thần của học sinh. Dù Hà Nội có hướng dẫn giảm thời lượng tiết học, nhưng nếu học sinh ngồi bên máy tính, không có bạn bè bên cạnh để trực tiếp giao tiếp, vận động trong thời gian dài thì sức khỏe tâm thần của các em sẽ dễ bị ảnh hưởng lớn.
“Hiện nay, nhà trường yêu cầu giáo viên tăng các hoạt động giao lưu trực tuyến, chia nhóm truy bài để học sinh có cơ hội nói chuyện với nhau. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, tranh thủ thời gian ít ỏi của giờ học để thực hiện”, bà Nga nói.
Ông Lê Xuân Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi, quận Hà Đông (Hà Nội), cho rằng, nếu các địa phương dạy trực tuyến, dạy qua truyền hình kéo dài, không có đủ thời gian dạy bù thì chất lượng giáo dục sẽ tương đối thấp.
“Học sinh nhỏ tuổi như lớp 1, lớp 2 và cuối cấp như lớp 9, lớp 12 sẽ chịu thiệt thòi khá lớn”, ông nói. Ông cho rằng, nếu đến giữa tháng 11 Hà Nội mới cho học sinh tới trường thì đồng nghĩa với gần 3 tháng học trực tuyến cộng thời gian nghỉ chống dịch trước đó, các em có đến 7 tháng bị “nhốt” trong nhà học trực tuyến.
Ở trường chất lượng cao, ngoài học 6 buổi sáng, học sinh còn học tăng cường 3 buổi chiều. Các em đang bị quá tải học tập trực tuyến, ảnh hưởng khá lớn đến sức khỏe tâm lý, tinh thần.
“Hà Nội nên xem xét cho học sinh ở vùng xanh tới trường, không nên đóng băng học sinh toàn thành phố”, ông nói.
Theo các chuyên gia, trước khi học sinh quay lại trường học, cần tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, trải nghiệm lý thú tại trường. Giáo viên chủ nhiệm, thầy cô hỗ trợ tâm lý cho học sinh, không vì áp lực chất lượng học tập mà gây thêm sức ép cho các em.
Không chỉ dạy kiến thức
Theo Bộ GD&ĐT, sau lễ khai giảng năm học mới, đến nay có 25 tỉnh, thành phố dạy học trực tiếp, các địa phương còn lại kết hợp trực tiếp, trực tuyến và truyền hình, trong đó hơn 20 địa phương dạy học hoàn toàn bằng trực tuyến, truyền hình. Trong số đó có những thành phố như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… xác định dạy học trực tuyến lâu dài vì dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết, sau lễ khai giảng năm học mới, học sinh toàn thành phố phải học trực tuyến, gặp nhiều khó khăn, nhất là cấp tiểu học. Sở GD&ĐT đã lên các kịch bản trình UBND thành phố Hà Nội về việc cho học sinh học trực tiếp, như ban đầu cho phép học sinh một số khối lớp đầu cấp và cuối cấp gồm khối 6, khối 9, khối 12 ở vùng xanh trở lại trường học.
Ông Mai Tấn Linh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng, nói rằng, thành phố đã giảm thời lượng mỗi tiết học xuống không quá 35 phút, mỗi buổi không quá 4 tiết. Sở cũng yêu cầu các trường chỉ dạy chương trình Bộ GD&ĐT giảm tải, không có nội dung tăng cường để giảm áp lực, tăng thời gian nghỉ ngơi cho học sinh.
Ông Linh khẳng định, với việc đổi mới dạy học như hiện nay, chất lượng giáo dục không chỉ được đánh giá bằng kiến thức, học sinh còn cần được trang bị nhiều kỹ năng như: giao tiếp, ứng xử, ngôn ngữ… Học trực tuyến như hiện nay mới chỉ nhằm trang bị thêm kiến thức và ứng dụng công nghệ thông tin để giúp học sinh giao tiếp với giáo viên, bạn bè.
“Do đó, trong một khoảng thời gian học sinh không thể tới trường, chúng ta buộc phải chấp nhận. Khi dịch bệnh ổn định, ta có thể tận dụng thời gian để bồi dưỡng, phụ đạo cũng như tăng cường các hoạt động thêm cho học sinh”, ông nói.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nói rằng, dạy học trực tuyến và qua truyền hình trong điều kiện dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, khó lường hiện nay là bất khả kháng. Hiện nay, trong quá trình dạy trực tiếp, một số địa phương phát sinh ca nhiễm mới nên lại chuyển từ “vùng xanh” thành “vùng đỏ”. Tình trạng này có thể còn xuất hiện trong thời gian tới.
Do đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương xác định dạy học trực tuyến, qua truyền hình không còn là giải pháp tình thế, phải chủ động có kế hoạch dạy học theo hình thức này. Đây cũng là cách để ngành giáo dục có thể đạt được 3 mục tiêu: an toàn trong dịch bệnh, hoàn thành chương trình năm học và kiên trì mục tiêu chất lượng.
“Nếu lực lượng y tế đang căng mình ở tuyến đầu chống dịch, thì ngành giáo dục cũng nỗ lực hết sức để tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp học trò thực hiện các biện pháp an toàn về dịch, dù không thể đến trường vẫn không ngừng việc học và được học một cách tử tế, chất lượng”, ông nói.
Theo Tienphong