Ngoài ngày giỗ bà nội của tôi thì dịp Tết, Giỗ Tổ, vợ chồng tôi chắc chắn sẽ cho hai con về thăm ông bà ngoại.
Trước ngày Giỗ Tổ cả tuần, mẹ tôi từ Phú Thọ đã gọi điện, vừa hỏi thăm tình hình dịch bệnh vừa nói: “Hải Dương chiến thắng Covid-19 rồi hả con? May quá, mẹ yên tâm rồi. Vợ chồng con cái thu xếp công việc để về với bố mẹ nhé. Suốt từ năm ngoái đến giờ mẹ chưa được gặp hai cháu của mẹ. Mẹ nhớ chúng nó quá...”. Nhìn mẹ qua video chat, tôi thấy mắt mẹ rưng rưng. Tết vừa rồi, gia đình nhỏ của tôi đã không thể về bên mẹ như mọi năm. Dù điều kiện khách quan nhưng tôi vẫn cứ cảm thấy mình có lỗi.
Khi tôi quyết định theo anh về Hải Dương, gắn bó cả đời mình với quê hương thứ hai xa xôi, mẹ đã buồn phiền bao ngày tháng. Mẹ nhắc đi nhắc lại câu ca: “Con gái mà gả chồng xa. Một là mất giỗ hai là mất con”. Mẹ còn lo xa chuyện sinh nở, chăm con nhỏ của tôi sau này. Mẹ chẳng thể chạy qua chạy lại đỡ đần cho tôi được. Rồi mỗi lần nhà có công có việc lại phải bắt xe đi một quãng đường xa. Mẹ vẽ ra bao nhiêu khó khăn phía trước xem tôi có chùn bước không nhưng tôi đã quyết rồi. Bố thì thương tôi đi làm dâu nơi đất khách quê người nhưng không nói ra miệng như mẹ. Nhà chỉ có mình tôi là con gái, lại là gái út nên bố mẹ cưng chiều, không cho tôi làm việc nặng bao giờ. Những việc gánh gồng, bê vác đã có hai anh trai tôi làm đỡ. Bố lo tôi vụng về, không khéo lại khổ một đời...
Quay đi ngoảnh lại, tôi đã gắn bó với quê chồng mười lăm năm. Hai đứa con của tôi đã cao hơn mẹ. Vì bận rộn hết việc nọ đến việc kia nên mỗi năm, số lần gia đình tôi về quê ngoại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngoài ngày giỗ bà nội của tôi thì dịp Tết, Giỗ Tổ, vợ chồng tôi chắc chắn sẽ cho hai con về thăm ông bà ngoại. Thi thoảng mẹ tôi lại gửi rau củ quả trong vườn theo xe khách cho tôi. Có đồ ăn gì ngon mẹ cũng để phần cho con cháu. Tết vừa rồi, mọi thứ đã chuẩn bị xong xuôi thì nhà tôi lại phải hoãn về vì dịch Covid-19. Con lớn buồn ra mặt. Nó còn sụt sùi vì không được về quê để đi câu cá với ông ngoại. Ông hẹn các cháu dịp Giỗ Tổ sẽ gói bánh chưng bù, sẽ dạy các cháu cách gói bánh và luộc bánh. Mẹ tôi mong ngóng con cháu suốt từ hồi đó đến giờ. Bản thân tôi cũng rất nhớ bố mẹ, thèm được về thăm căn nhà quen thuộc nơi mình sinh ra và lớn lên, để vục mặt vào gầu nước giếng mát lịm nơi phố núi, được hái trái cây trong vườn, hái rau sạch mang về ăn cả tuần...
“Sao mặt em bần thần thế? Em tính thế nào? Em có định về ngoại đợt Giỗ Tổ này không?” - nghe chồng hỏi, tôi giật mình, băn khoăn, chưa biết nên quyết định thế nào. “Dịch bệnh đã được kiểm soát rồi nhưng không thể chủ quan em ạ! Em có nhớ hôm thanh minh không, các cô chú ở Hà Nội về tảo mộ nhưng mọi người ra thẳng nghĩa trang thắp hương rồi đi ngay. Không ai vào nhà để ăn cơm vì các cô chú vẫn cẩn thận phòng dịch bệnh, tránh tập trung đông người”. Anh nói vậy là tôi hiểu anh muốn khuyên tôi cẩn trọng. Nhưng còn lời hẹn của tôi với bố mẹ, rằng Giỗ Tổ con sẽ về, cho các cháu lên Đền Hùng. Tôi sẽ nói với mẹ như thế nào đây?
Buổi tối, con trai lớn kêu nhức đầu. Tôi sờ trán con thấy nóng hơn bình thường. Đo thân nhiệt cho con thì trên 38 độ C, tôi lo lắng giục chồng: “Hay là mình đưa con đi viện?”. Anh trấn an tôi: “Em cứ bình tĩnh, thời tiết chuyển mùa nên con bị cảm thôi. Em luộc quả trứng gà đánh cảm cho con sẽ đỡ ngay”. Đúng lúc ấy, mẹ tôi gọi FaceTime và nhắc: “Còn ba ngày nữa, các con thu xếp đến đâu rồi?”. Tôi chần chừ rồi thủ thỉ với mẹ: “Mẹ ơi! Chúng con muốn về thăm bố mẹ lắm nhưng thằng lớn nhà con vừa bị cảm, cháu sốt mẹ ạ! Con để cháu ở nhà theo dõi. Nhất định chúng con sẽ về đông đủ vào dịp khác”. Tôi tưởng mẹ giận, mẹ trách nhưng không, mẹ dặn dò cẩn thận: “Sức khỏe là trên hết con ạ! Khi nào cháu khỏe thì cả nhà về với bố mẹ. Còn ngày Giỗ Tổ, các con không về được thì nhớ làm mâm cơm dâng lên tổ tiên, bái vọng bằng tấm lòng chân thành...”.
Tôi thầm biết ơn mẹ vì dù lấy chồng xa nhưng mẹ luôn yêu thương và bao dung dõi theo tôi, động viên và dạy bảo tôi những điều phải đạo. Chỉ chờ hết dịch Covid-19 hẳn là tôi sẽ không lỡ hẹn với mẹ nữa.
NAM HỒNG