Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị dự kiến thăm Mỹ vào ngày 26/10. Chuyến thăm này sẽ đánh dấu một bước tiến khác của hai cường quốc nhằm giảm bớt căng thẳng.
Nhật báo Nga Nezavisimaya Gazeta cho biết sau chuyến thăm của ông Vương Nghị, có khả năng hai bên sẽ đạt được đồng thuận để lãnh đạo hai nước tổ chức đàm phán bên lề Hội nghị các nhà lãnh đạo Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC) tại San Francisco vào giữa tháng 11.
Trước những thông tin về một cuộc gặp trong tương lai, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng làm việc cùng Mỹ để đạt được tiến bộ chung.
Trong thông điệp gửi tới buổi dạ tiệc của Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ-Trung được tổ chức tại New York ngày 24/10, ông Tập Cận Bình khẳng định: "Trung Quốc sẵn sàng tuân thủ ba nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi để thúc đẩy hợp tác với Mỹ, giải quyết những khác biệt và cùng nhau ứng phó với các thách thức toàn cầu, đạt được thành công và các mục tiêu chung, thịnh vượng và mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia và thế giới”.
Cuộc gặp tiềm năng giữa hai người đứng đầu của hai nền kinh tế lớn nhất thế đã được các nhà phân tích theo dõi sát sao.
Chuyên gia Alexander Lomanov, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế (IMEMO RAS) lại lưu ý rằng, nếu Trung Quốc và Mỹ đều tự tin về khả năng cải thiện quan hệ, thì thông báo về chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình lẽ ra đã được đưa ra từ tháng 10.
Lý giải về vấn đề trên, chuyên gia người Nga Lomanov cho rằng Bắc Kinh có lẽ không mong đợi quá nhiều từ chuyến thăm. Và chuyến đi của Ngoại trưởng Vương Nghị sẽ làm rõ liệu rằng Chủ tịch Tập Cận Bình đến Mỹ có hợp lý hay không.
Giới chức hai bên có thể đạt được một thỏa thuận kinh tế, nhưng Washington khó có thể dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao sang Trung Quốc, cũng như dỡ bỏ các rào cản thương mại do cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra.
Một trong những lý do là kỳ bầu cử tổng thống đang đến gần. Theo ông Lomanov, Tổng thống đương nhiệm Joe Biden sẽ không muốn trao cơ hội cho các đối thủ Đảng Cộng hòa chỉ trích ông là “yếu đuối”, nếu như ông đưa ra nhượng bộ nào đối với Trung Quốc.
Chuyến thăm của nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc sắp tới cũng có liên quan đến cuộc xung đột Israel-Palestine. Đó là nhận định của chuyên gia Viktor Pirozhenko tại tại Đại học Hồ Châu của Trung Quốc. Ông cho rằng Mỹ dường như đang cố gắng lôi kéo Trung Quốc vào các nỗ lực hòa giải, dựa trên kinh nghiệm thành công của Bắc Kinh trong việc hòa giải Iran và Saudi Arabia. Đáng chú ý, Washington không thể một mình giải quyết cuộc khủng hoảng mới ở Trung Đông. Người Arab, trong đó có cả người Palestine, ít tin tưởng vào Mỹ.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác lại tin rằng còn quá sớm để bàn về bất kỳ sự hợp tác nào giữa Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề này. Các bên có cách tiếp cận hoàn toàn khác nhau. Mỹ ủng hộ Israel, nước khẳng định phong trào Hamas phải bị loại bỏ và coi việc làm suy yếu Iran là một giải pháp cho cuộc xung đột. Ngược lại, Trung Quốc kêu gọi ngừng bắn và coi việc thành lập nhà nước Palestine là giải pháp cho xung đột hiện nay.
Theo báo Tin tức