Cách nhau có một, hai ngày, Lai Châu đã xảy ra ba trận động đất, song các nhà khoa học cho rằng, đó chỉ là dấu hiệu động đất theo chu kỳ, không đáng lo ngại.
TS Lê Tử Sơn, Viện Vật lý địa cầu khẳng định: sự cựa quậy của các đới đứt gãy là hiện tượng hết sức bình thường. Đây là hoạt động dịch chuyển hết sức tự nhiên và không có gì đáng lo ngại. Hơn nữa, Việt Nam được đánh giá là khu vực ít có động đất, trừ một số vùng như đới đứt gãy sông Mã, Sơn La, sông Đà, Lai Châu - Điện Biên... Song, các nhà khoa học cũng nhấn mạnh, không nên chủ quan vì Việt Nam cũng đã từng có động đất mạnh cấp độ 7-8 độ richter. Được biết, Viện Vật lý địa cầu đang ở trong tình trạng trực 24/24 giờ để nếu có dấu hiệu bất thường sẽ phát tin cảnh báo. Viện này cũng khuyến cáo, chính quyền và nhân dân các địa phương có động đất cần có biện pháp sẵn sàng ứng phó và khắc phục hậu quả do động đất gây ra. Theo TS Đào Văn Thịnh- Viện địa chất và môi trường (Tổng hội Địa chất Việt Nam), Tây Bắc là vùng có nguy cơ động đất với cường độ cao và nguy hiểm nhất trên lãnh thổ Việt Nam mà nguyên nhân chủ yếu do chuyển động tân kiến tạo và hiện đại. Động đất là dạng tai biến địa chất gây ra những thiệt hại không nhỏ về tài sản và tính mạng. Hầu hết các chấn tâm động đất thường tập trung dọc các đứt gãy có độ xuyên cắt sâu như đứt gãy Điện Biên- Lai Châu; Tuần Giáo- Tủa Chùa (phương á kinh tuyến) và sông Mã, Sơn La, Phong Thổ, Mường Tè (phương Tây Bắc - Đông Nam). Đặc biệt đới Phong Thổ- Phu Sam Sao là đới có mật độ chấn tâm động đất cao nhất. TS Đào Văn Thịnh cho biết, trong rất nhiều trường hợp, dù có dự báo tốt đến đâu nhưng các dạng tai biến địa chất, nhất là động đất vẫn bất ngờ, đột ngột xuất hiện và diễn ra trong thời gian ngắn hoặc cực ngắn chỉ vài giây và hậu quả gây ra rất nặng nề.
| |
(Nguồn: ĐV) |