Mối quan hệ hợp tác năng lượng giữa Nga và Iran có thể trở thành vấn đề đau đầu đối với phương Tây khi hai nước sẽ kiểm soát tổng cộng hơn 40% trữ lượng khí đốt và 15% dầu mỏ toàn cầu.
Ngày 19.7, Gazprom và Công ty Dầu mỏ Quốc gia Iran (NIOC) đã ký một biên bản ghi nhớ về hợp tác chiến lược, trong đó tăng cường đầu tư phát triển các mỏ dầu và khí đốt của Iran, trao đổi hoạt động liên quan đến khí đốt tự nhiên và các sản phẩm dầu mỏ, sản xuất khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), xây dựng đường ống dẫn khí chính, hợp tác khoa học, kỹ thuật và công nghệ.
Theo báo Rossiyskaya Gazeta (Nga), hiện Nga sản xuất khoảng 10 triệu thùng dầu mỗi ngày và khoảng 760 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm. Sản lượng dầu ở Iran vào khoảng 3,8 triệu thùng/ngày, nhưng trước Cách mạng Hồi giáo năm 1979, nước này đã sản xuất 7,7 triệu thùng/ngày. Sản xuất khí đốt là hơn 250 tỷ mét khối một năm.
Trong khi đó, cả hai quốc gia đều đang chịu các lệnh trừng phạt của EU và Mỹ, vì vậy liên minh giữa họ sẽ ưu tiên các động thái nhằm giảm tác động tiêu cực của các hạn chế và bán tài nguyên của họ cho các khách hàng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài ra, Nga và Iran có thể hỗ trợ nhau rất nhiều, báo Rossiyskaya Gazeta nhận định.
Trong quá khứ, cả hai luôn là đối thủ của nhau trên thị trường hydrocacbon. Vào cuối những năm 1970, châu Âu đã lên kế hoạch xây dựng một đường ống dẫn khí đốt từ Iran, nhưng các lệnh trừng phạt của Washington đối với Tehran sau cuộc cách mạng Hồi giáo khiến dự án không thể thực hiện được. Vì vậy, Liên Xô đã tiếp quản vai trò là nhà cung cấp khí đốt chủ chốt của châu Âu.
Tuy nhiên, Mỹ hiện đang tìm cách sử dụng "quân bài Iran", lần này là nhằm vào Nga: Washington đang thảo luận về việc dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với xuất khẩu dầu của Iran.
Kirill Rodionov thuộc Viện Phát triển Công nghệ trong Tổ hợp Nhiên liệu và Năng lượng Nga cho biết: Dầu nhẹ của Iran có thể là một sự thay thế cho dầu thô Urals của Nga cho các nhà máy lọc dầu châu Âu phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu của Nga. Theo ông, hai hỗn hợp có chất lượng tương đương nhau và Iran cũng có thể xuất khẩu lượng dầu thô sang châu Âu gần như Nga.
Mặc dù vậy, Iran có thể hưởng lợi nhiều hơn từ việc hợp tác với Nga hơn là từ việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ, vì Tehran đã tìm ra cách lách những hạn chế đó. Iran hiện đang cần đường ống dẫn khí đốt. Nước này đã phê duyệt một dự án xây dựng một đường ống dẫn đến Ấn Độ qua Pakistan. Tuy nhiên, dự án đã bị đình chỉ vì lý do chính trị - bất đồng giữa Pakistan và Ấn Độ nổ ra. Iran có thể hồi sinh dự án và tái khởi động lại dự án nếu Nga tăng cường hòa giải.
Ngoài ra, Iran cần tăng cường thăm dò, cũng như tăng sản lượng khai thác dầu khí. Nga có thể giúp về vấn đền này. Đổi lại, Iran có thể cung cấp cho Nga thiết bị và chia sẻ công nghệ trong lĩnh vực hóa dầu khí, lĩnh vực được phát triển tốt ở nước này.
Bên cạnh đó, còn có một khía cạnh chính trị trong sự hợp tác giữa Iran và Nga trong lĩnh vực năng lượng. Nếu hai nước đồng ý về các cơ chế để lách các lệnh trừng phạt của EU và Mỹ, cũng như phối hợp các hành động của họ liên quan đến xuất khẩu năng lượng, thì phương Tây sẽ phải dựa vào sự tăng trưởng nguồn cung dầu từ Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng như LNG từ Mỹ và Qatar, điều rất khó xảy ra hoặc với giá "cắt cổ". Trên thực tế, châu Âu sẽ buộc phải sử dụng phương án “vùng xám” để mua nguyên liệu thô của Nga và Iran.
Về phần mình, Alexander Kurdin, một chuyên gia tại Trung tâm Phân tích của Chính phủ Nga, nói với Rossiyskaya Gazeta, trong hoàn cảnh này, các cơ chế khác nhau để vượt qua các lệnh trừng phạt hiện có đối với cả hai nước trở nên quan trọng. Chúng bao gồm giao hàng hoán đổi (thông qua bên thứ ba), thay thế hàng hóa bị trừng phạt và chuyển hướng cung cấp dầu khí và các thiết bị cần thiết.
Chuyên gia này lưu ý rằng năng lượng hạt nhân có thể là một lĩnh vực hợp tác khác giữa Nga và Iran. Moskva đã và đang đóng một vai trò tích cực trong việc xây dựng và duy trì các cơ sở điện hạt nhân ở Iran, cụ thể là NPP Bushehr.
Theo Báo Tin tức