Các đại diện tham gia hội nghị đều bày tỏ quan ngại về tình hình nhân đạo ở Syria và tái khẳng định các biện pháp trừng phạt đơn phương chống lại Damascus là vi phạm luật pháp quốc tế.
Hãng thông tấn nhà nước Iran (IRNA) ngày 23/9 đưa tin Ngoại trưởng các nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và đặc phái viên Liên hợp quốc vừa tổ chức một cuộc thảo luận tại New York, Mỹ nhằm tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria.
IRNA dẫn lời Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cho biết cuộc họp được tổ chức trong khuôn khổ tiến trình hòa bình Astana, vốn được đề xướng từ năm 2017 theo sáng kiến của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran nhằm tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Syria.
Tại hội nghị lần này, đại diện các bên cũng thảo luận về vấn đề kinh tế, sự trỗi dậy của khủng bố, những thách thức với Syria và các lệnh trừng phạt của phương Tây đang áp đặt với Damascus.
Theo ông Abdollahian, các đại diện tham gia hội nghị đều bày tỏ quan ngại về tình hình nhân đạo ở Syria và tái khẳng định các biện pháp trừng phạt đơn phương chống lại Damascus là vi phạm luật pháp quốc tế, các chuẩn mực về nhân đạo cũng như Hiến chương Liên hợp quốc, do đó cần phải được dỡ bỏ hoàn toàn.
Các đại diện cũng đề xuất một số giải pháp nhằm giảm bớt những hiểu lầm và giải quyết vấn đề về biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.
Cùng ngày, trả lời phỏng vấn nhật báo Milliyet, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Yaşar Güler khẳng định các lực lượng của Ankara sẽ không rút khỏi miền Bắc Syria chừng nào đáp ứng được các điều kiện, trong đó có việc tạo ra một môi trường an toàn tại khu vực.
Từ năm 2018, Thổ Nhĩ Kỳ đã chiếm quyền kiểm soát khu vực miền Bắc Syria sau khi mở hàng loạt cuộc tấn công vào Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG).
Sau đó, Ankara liên tục mở các chiến dịch “Nhành Olive” và “Lá chắn Euphrates” nhằm truy quét các tay súng thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) vốn bị Ankara coi là khủng bố.
Hiện, Ankara đang thiết lập nhiều trạm kiểm soát và đồn trú binh sỹ tại lãnh thổ Syria nhằm tạo vùng đệm an ninh cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Vietnam+