Ngày 2/7, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tác động của lệnh sơ tán mới trong vòng bán kính 127km tại hai thành phố Khan Younis và Rafah, phía Nam Dải Gaza.
OCHA nhấn mạnh trong hơn 8 tháng qua, hàng nghìn người dân Gaza chịu tác động của lệnh sơ tán mới nhất đã nhiều lần phải di dời. Lệnh sơ tán mà Israel đưa ra vào ngày 1/7 bao trùm khoảng 1/3 Dải Gaza và tác động trên quy mô lớn nhất kể từ lệnh sơ tán hồi tháng 10/2023 đối với phía Bắc vùng lãnh thổ ven Địa Trung Hải này.
Theo OCHA, việc sơ tán trên quy mô lớn như vậy chỉ làm tăng thêm nỗi thống khổ của người dân Palestine và đẩy nhu cầu nhân đạo tăng cao hơn nữa.
OCHA nhấn mạnh lại rằng tất cả các bên phải luôn tôn trọng luật nhân đạo quốc tế. Dân thường phải được bảo vệ và các nhu cầu thiết yếu của họ (bao gồm thực phẩm, nơi trú ẩn, nước và sức khỏe) phải được đáp ứng, bất kể họ ở đâu trong lãnh thổ Gaza.
Các nhân viên hoạt động nhân đạo cho biết người dân miễn cưỡng phải di dời. Một số người có thể đã phải di dời từ 2 đến 3 lần tới những khu vực hầu như không có chỗ ở hoặc không có các hạ tầng tối thiểu, hoặc phải ở lại những nơi mà họ biết giao tranh sẽ xảy ra ác liệt.
Cũng trong ngày 2/7, đề cập đến lệnh sơ tán mới của Israel, Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) nhận định người dân ở Gaza hiện không còn nơi sinh sống an toàn nào.
ICRC cho biết hàng nghìn người đã nắm được lệnh sơ tán vào cuối ngày, trong đó có các bệnh nhân, gia đình cũng như các chuyên gia y tế có vai trò quan trọng trong điều hành bệnh viện EGH. Họ bỏ chạy trong hoảng loạn và sợ hãi. Dù đến bất kỳ nơi nào, họ cũng đều phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, nước uống, vệ sinh, chăm sóc sức khỏe và viễn cảnh phải di dời một lần nữa.
Cơ quan Cứu trợ và Việc làm cho người tị nạn Palestine ở cận Đông của Liên hợp quốc (UNRWA) ước tính gần 250.000 người có thể đã cư trú tại các khu vực phải sơ tán vào thời điểm có lệnh này. Lệnh sơ tán mới ảnh hưởng đến hơn 90 trường học, 4 điểm y tế và khu vực Bệnh viện Gaza của châu Âu (EGH). Nhiều trường trong số đó là nơi tiếp nhận những người phải di dời. Đại diện của WHO tại Vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, ông Rik Peeperkorn cho biết WHO đã hỗ trợ việc chuyển các thiết bị và vật tư y tế có giá trị ra khỏi EGH, một trong số ít bệnh viện chuyên khoa quan trọng còn lại ở phía Nam Gaza. Tuy nhiên, ngày 2/7, chính quyền Israel tuyên bố lệnh sơ tán mới không áp dụng đối với bệnh nhân hoặc nhân viên tại bệnh viện.
Hôm 1/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận 70 bệnh nhân và nhân viên y tế đã tự sơ tán. Nhiều bệnh nhân khác đã được sơ tán một ngày sau đó. Điều phối viên Nhân đạo và Tái thiết cấp cao của Liên hợp quốc tại Gaza, bà Sigrid Kaag cho biết tính đến nay, khoảng 1,9 triệu người, tương đương 80% dân số Gaza, đã phải di dời trên khắp vùng lãnh thổ bị tàn phá do xung đột.
* Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông - Bắc Phi, Giám đốc Văn phòng Khu vực các quốc gia Arab của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), ông Abdallah al-Dardari nhận định chi phí cho quá trình tái thiết Dải Gaza có thể lên tới 50 tỷ USD.
Ông Al-Dardari ước tính chi phí dành cho chương trình phục hồi sớm vào khoảng 2 tỷ USD. Quan chức UNDP nhấn mạnh sự cần thiết phải có cơ chế đảm bảo có đủ số lượng nhà tạm sẵn có cho Gaza ngay sau lệnh ngừng bắn, cùng với các dịch vụ thiết yếu như y tế, giáo dục, nước uống, vệ sinh và điện.
Trong báo cáo được công bố vào đầu tháng 5 năm nay, UNDP đánh giá cuộc xung đột Hamas-Israel đã gây tổn thất rất lớn về người, tài sản cũng như hệ thống cơ sở hạ tầng ở Gaza. Báo cáo ghi nhận khoảng 80.000 ngôi nhà đã bị phá hủy, dẫn đến tình trạng di tản quy mô lớn và có nguy cơ kéo dài. Xung đột cũng gây ra tình trạng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, trong khi các cơ sở hạ tầng như hệ thống nước, vệ sinh, cơ sở giáo dục và y tế bị tàn phá nặng nề.