Trong Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc có một nghi thức đặc biệt là Lễ giỗ Đức Thánh Trần được tổ chức trên núi Mâm Xôi vào ngày 20.8 âm lịch hằng năm.
Ban tổ chức phát lộc cho người dân đến tham dự Lễ giỗ Đức Thánh Trần trên núi Mâm Xôi
Về nơi hóa của Đức Thánh Trần
Tương truyền Đức Thánh Trần Hưng Đạo Đại vương hóa vào ngày 20.8 năm Canh Tý (năm 1300). Trước khi hóa Thánh, người lên núi Mâm Xôi, một trong chín ngọn núi thuộc dãy núi Trán Rồng phía sau đền Kiếp Bạc rồi để lại một chiếc giầy.
Khi ngài hóa Thánh bay về trời, nhân dân hai làng Vạn Yên (tên tục là làng Kiếp) và Dược Sơn (tên tục là làng Bạc) thương tiếc đã mang mâm xôi, con gà và 100 nén hương lên núi Mâm Xôi để thờ Thánh.
Văn khấn có tên “Cửu thọ Kim tinh, Cửu Thiên Vũ đế, Trần Triều hiển Thánh, Nhân vũ Hưng Đạo Đại vương”. Người dân tin rằng đây là thiên tước trời ban cho Đức Thánh, người được mệnh danh cai quản 9 tầng trời.
Từ đây, hằng năm người dân chọn núi Mâm Xôi là nơi tổ chức Lễ giỗ Thánh Trần.
Năm nay, Lễ giỗ Đức Thánh Trần cũng được tổ chức trang nghiêm theo đúng nghi thức truyền thống.
Ngay từ sáng sớm, đội tế của 2 làng đã rộn ràng trong những bộ trang phục truyền thống sặc sỡ đủ màu, đem kiệu, cờ, lọng, bát bửu, lân, rồng cùng cỗ lễ gồm lợn sống, các loại bánh đặc trưng của địa phương như bánh xu xuê, tràng gừng, bánh trong, bánh lọc, bánh mật... đem tế Thánh.
Hai đoàn xuất phát từ hai hướng, một hướng từ đền Nam Tào, một hướng từ đền Bắc Đẩu cùng tiến vào đền Kiếp Bạc dâng lễ tế. Sau hoạt động này, Ban tổ chức lễ hội và nhân dân hành hương lên núi Mâm Xôi làm Lễ giỗ Đức Thánh Trần.
Nằm sau đền Kiếp Bạc, đường lên núi Mâm Xôi được bao phủ một màu xanh ngắt bởi bạt ngàn thông và bạch đàn, không khí thanh tịnh, trang nghiêm.
Là nghi thức quan trọng của Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc nên năm nào các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng tham dự cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương. Tại đây, đúng vào giờ thìn (giờ hóa Thánh của Đức Thánh Trần), các nhà sư thực hiện khóa lễ cúng Phật, Thánh và Hội đồng Trần triều.
Sau nghi thức cúng, các đại biểu, người dân và du khách thập phương lần lượt dâng hương tưởng niệm. Theo Thượng tọa Thích Thanh Vân, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương thì Lễ giỗ Đức Thánh Trần được gọi là nghi thức hóa nhật - Thánh hóa Triều tiên, tiễn chân Thánh về thiên giới.
Đây cũng là ngày đóng cửa đền, khép lại 10 ngày Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc. Hoạt động cúng giỗ trên núi Mâm Xôi để tỏ lòng tưởng nhớ Đức Thánh Trần, thể hiện sự nhất tâm cầu nguyện của lãnh đạo và nhân dân cùng kính xin Đức Thánh phù hộ cho xã tắc trường an, phong điều vũ thuận, biên cương hải đảo được vĩnh cố trường tồn, nhà nhà hưởng phúc.
Giáo dục đạo lý
Không phải ngẫu nhiên Lễ giỗ Đức Thánh Trần trên núi Mâm Xôi được coi là nghi thức chủ đạo thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” được duy trì ở đền Kiếp Bạc nhiều năm nay.
Hòa vào dòng người về lễ Thánh chính ngày húy nhật, ông Trần Văn Phố ở quận Kiến An (Hải Phòng) chia sẻ: “Hàng trăm năm qua, Hưng Đạo Đại vương đã ngự trị trong tâm thức nhân dân như một người Cha, một vị Thánh linh thiêng. Bản thân tôi vinh dự mang họ Trần, là con cháu của Đức Thánh nên năm nào vào ngày này tôi cũng sắp xếp công việc để về đây, lên núi Mâm Xôi dâng hương, tưởng nhớ ân đức của ngài. Qua đó, xin ngài ban sức khỏe và bình an cho gia đình”.
Còn với bà Nguyễn Thị Toan, 50 tuổi ở TP Chí Linh thì lễ Thánh trên núi Mâm Xôi đã trở thành tập tục không thể thiếu vì từ ngày bé bà đã được nghe các cụ kể lại về nơi hóa của Đức Thánh.
"Hưng Đạo Đại vương được phong là thủy tổ của nghề sông nước nên những người dân mưu sinh trên biển như chúng tôi năm nào cũng về đây. Nơi hóa của ngài được xem là nơi linh thiêng nhất nên tôi đến đây vừa tưởng nhớ công ơn của Đức Thánh, vừa để ngài nghe thấu lời khẩn cầu mà ban bình an cho gia đình”, bà Toan nói.
Thực tế, nghi thức lên núi Mâm Xôi tỏ lòng thành kính đến Đức Thánh Trần và cầu an đã có từ xa xưa nhưng do chiến tranh và biến động thời gian nên ít người biết, chỉ người dân thuộc dòng họ Trần trên cả nước và số ít người ở TP Chí Linh biết đến mà tìm về đúng ngày giỗ Thánh.
Năm 2006, nghi lễ này được phổ biến rộng hơn khi Ban tổ chức lễ hội cho phục dựng lại.
Ông Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết: Trong đề án trình Thủ tướng phê duyệt tổng thể khu di tích Kiếp Bạc có kế hoạch phục hồi lại miếu thờ Cửu Thiên Vũ Đế và xây dựng tượng đài chiến thắng quân Nguyên Mông trên núi Trán Rồng.
Công trình được hoàn thành sẽ trở thành một trong những điểm di tích thu hút nhân dân và khách thập phương về chiêm bái. Ban quản lý hy vọng đây sẽ là điểm nhấn của không gian tổ chức Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc hằng năm.
HUYỀN ANH