Sự đơn sơ, dân dã và nét sắc từ văn hóa dân tộc chính là điểm đến lý tưởng trong chuyến hành trình đến cao nguyên đá.
Mèo Vạc Hà Giang là huyện nằm trong địa bàn Công viên Địa chất Toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn thuộc tỉnh Hà Giang. Địa danh này là một thung lũng nhỏ đầy quyến rũ được bao quanh bởi các dãy núi đá vôi và là nơi sinh sống của dân tộc H’Mong - một điểm đến cho du khách Việt muốn muốn có những trải nghiệm văn hóa địa phương.
Đèo Mã Pí Lèng và Sông Nho Quế
Từ thị trấn Đồng Văn, chạy khoảng 20km xuyên qua rừng đá tai mèo ta sẽ bắt gặp đèo Mã Pí Lèng hiện ra sau màn sương mờ ảo. Với độ cao 1.200m một bên là vách núi dựng đứng, một bên là bờ vực sâu thẳm, bên dưới là dòng sông Nho Quế uốn lượn màu xanh ngọc. Đây là con đèo được mệnh danh là “con đèo đẹp nhất Việt Nam” mà bạn khó có thể bỏ qua khi đến với Mèo Vạc.
Dưới chân đèo là con sông Nho Quế nằm trải dài đến thượng nguồn, con sông hiền hòa xanh ngắt vào những ngày đầu mùa hạ hoặc sang thu mang chút trong trẻo buổi sớm của tiết trời hơi mờ sương. Tháng 9 đến tháng 11 là khoảng thời gian đẹp nhất của dòng sông Nho Quế, khi dòng nước chuyển sang màu xanh ngọc.
Làng văn hóa dân tộc Pả Vi Hạ
Mô hình làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông nằm ngay trong khuôn viên cao nguyên đá Đồng văn, thuộc thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc. Làng văn hóa được xây dựng vào tháng 12.2016, có diện tích trên 27.000 m2. Không gian nơi đây được bài trí theo kiến trúc 3 bông hoa đào, mỗi bông được xếp bởi 10 ngôi nhà trình tường đất sét, lợp ngói âm dương theo phong cách người Mông. Những ngôi nhà mọc liền kề nhau, bao quanh là cao nguyên đá hùng vĩ; đường làng sạch sẽ, dọc các con đường được trồng hoa, cây cảnh tạo cảnh quan cho ngôi làng.
Làng bao gồm các hạng mục chính: nhà văn hóa 5 gian truyền thống và trưng bày sản phẩm 3 gian thiết kế theo kiến trúc nhà khung gỗ; nhà trình tường mái lợp ngói âm dương 2 tầng; bãi đỗ xe; khu vui chơi và các hạng mục dịch vụ khác để đáp ứng nhu cầu lưu trú và trải nghiệm của du khách tại đây.
Tại làng văn hóa du khách còn được trải nghiệm dệt lanh, may vá thổ cẩm, nấu rượu và đan lát... Lưu trú tại làng văn hóa chắc chắn du khách sẽ hài lòng bởi đây là một mô hình mới, có sự chỉn chu, chuyên nghiệp trong dịch vụ theo phong cách đồng bào Mông mà vẫn đầy đủ tiện nghi. Với mức chi phí khoảng 200.000/người/đêm, du khách được trải nghiệm không gian sống và các thói quen sinh hoạt của người Mông.
Ẩm thực Mèo Vạc
Khám phá ẩm thực Mèo Vạc cũng là một trải nghiệm không thể thiếu trong mỗi chuyến đi. Tại đây cũng có rất nhiều món ăn ngon, hấp dẫn mang đặc trưng miền núi.
Thắng cố
Món ăn không còn xa lạ gì với nhiều người, cũng là đặc sản của Sapa, Lào Cai, tuy nhiên nếu có dịp ghé thăm Mèo Vạc thì cũng không nên bỏ lỡ món ăn này nhé. Bởi đây được xem là món ăn ngon, đặc sản nổi tiếng ở Mèo Vạc với công thức chế biến mới lạ, sử dụng nguyên liệu từ nội tạng động vật để chế biến món ăn.
Cháo ấu tẩu
Nhắc đến đặc sản Mèo Vạc, Hà Giang thì không thể không nói đến món cháo ấu tẩu được rất nhiều người yêu thích. Cháo ấu tẩu ở Hà Giang được làm từ nguyên liệu là củ ấu tẩu - một loại củ có chất độc cực mạnh. Qua cách chế biến tài tình của đồng bào Tây Bắc, nó trở thành món ăn có ích cho sức khỏe.
Cháo ấu tẩu ăn kèm thịt băm, các loại rau thơm, tiêu, hay măng chua. Bên cạnh vị bùi, béo ngậy và dễ nhận ra bát cháo hơi đắng, lạ miệng. Với những du khách đi một chặng đường xa đến Mèo Vạc mà được ăn một bán cháo ấu tẩu sẽ thấy cơ thể sảng khoái, người khỏe khoắn trở lại.
Rêu nướng
Ngoài thắng cố và cháo ấu tẩu, Mèo Vạc còn nổi tiếng với món rêu nướng gác bếp. Món ăn được sử dụng nguyên liệu chính từ rong rêu dưới nước được người ta đem vớt lên, sơ chế sạch sẽ cho hết nhớt rồi đem nướng chín. Điểm đặc biệt của rêu nướng chính là ngoài thưởng thức như một món ăn ngon ở Mèo Vạc, thì nó còn tốt cho sức khỏe như giúp lưu thông khí huyết, giải nhiệt, giải độc, tăng cường sức đề kháng, giúp ổn định huyết áp…