Lay động hồn xuân đường về quê ngoại

15/01/2023 09:14

Đoàn Văn Cừ là nhà thơ xuất hiện trong phong trào Thơ mới (1932 - 1945). "Đường về quê mẹ" là bài thơ khá nổi tiếng của thi sĩ Đoàn Văn Cừ, in trong tập Thôn ca (1942).

Đường về quê mẹ

U tôi ngày ấy mỗi mùa xuân
Dặm liễu mây bay sắc trắng ngần
Lại dẫn chúng tôi về nhận họ
Bên miền quê ngoại của hai thân

Tôi nhớ đi qua những rặng đề
Những dòng sông trắng lượn ven đê
Cồn xanh, bãi tía kề liên tiếp
Người xới cà ngô rộn bốn bề

Thúng cắp bên hông nắng đội đầu
Khuyên vàng, yếm thắm, áo the nâu
Trông u chẳng khác thời con gái
Mắt sáng, môi hồng, má đỏ au.

Chiều mát đường xa nắng nhạt vàng
Đoàn người về ấp gánh khoai lang
Trời xanh cò trắng bay từng lớp
Xóm chợ lều phơi xác lá bàng.

Tà áo nâu in giữa cánh đồng
Gió chiều cuốn bụi bốc sau lưng
Bóng u hay bóng người thôn nữ
Cúi nón mang đi cặp má hồng

Tới đường làng gặp những người quen
Ai cũng khen u nét thảo hiền.
Dẫu phải theo chồng thân phận gái
Đường về quê mẹ vẫn không quên.

ĐOÀN VĂN CỪ

Đoàn Văn Cừ là nhà thơ xuất hiện trong phong trào Thơ mới (1932 - 1945). "Đường về quê mẹ" là bài thơ khá nổi tiếng của thi sĩ Đoàn Văn Cừ, in trong tập Thôn ca (1942). Thi phẩm miêu tả bức tranh mùa xuân nên thơ, thuần hậu với cuộc sống thanh bình, yên ả của con người nơi miền quê mẹ yêu dấu. Tất cả hiện ra với bút pháp tự nhiên, giản dị và chân mộc như lời ăn tiếng nói hằng ngày.

Trong hai khổ thơ đầu, nhà thơ Đoàn Văn Cừ sử dụng bút pháp miêu tả kết hợp với mạch tự sự để dựng lên một không gian mùa xuân trên đường về quê mẹ thật xinh tươi, sống động. Cảnh sắc mang hơi hướng cổ điển, đẹp và nên thơ từ màu sắc đến đường nét. Trên cao là hình ảnh mây bay sắc trắng qua những dặm liễu trải dài; phía dưới là những rặng đề mọc theo dòng sông uốn lượn ven đê; những cồn xanh, bãi tía nối tiếp nhau tạo nên sự trù phú, no ấm. Vui nhất là cảnh con người lao động rộn ràng. Hóa ra, tác giả miêu tả cảnh vật mùa xuân có vẻ tĩnh lặng để rồi cuối cùng hướng đến cái “rộn bốn bề” của con người đang xới cà ngô: "Tôi nhớ đi qua những rặng đề/Những dòng sông trắng lượn ven đê/Cồn xanh, bãi tía kề liên tiếp/Người xới cà ngô rộn bốn bề".

Mỗi mùa xuân theo mẹ về quê ngoại nhận họ, tâm hồn tuổi thơ tác giả hân hoan, vui sướng tột cùng. Mắt nhìn cảnh vật và con người, nhà thơ cứ thấy lòng mình lâng lâng, thiết tha với từng đường làng ngõ xóm. Toàn cảnh quê ngoại hiện lên thân thương, trìu mến và hồn hậu như củ khoai, hạt lúa ruộng đồng. Ký ức ấy đẹp đẽ và sống động nhất chính là hình ảnh người mẹ của nhà thơ - một vẻ đẹp chân quê, nền nã tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam xưa: "Thúng cắp bên hông nắng đội đầu/Khuyên vàng, yếm thắm, áo the nâu/Trông u chẳng khác thời con gái/Mắt sáng, môi hồng, má đỏ au".

Giữa sớm mai xuân, người mẹ hiện lên duyên dáng, thanh tân trong trang phục “khuyên vàng, yếm thắm, áo the nâu”. Mẹ bước đi giữa làng quê đủ sáng bừng lên nét yêu kiều, diễm lệ. Cảnh cũ, người xưa cứ hiện lên trong ký ức nồng nàn, tha thiết như mới ngày nào. Cảnh vật tô điểm thêm cho vẻ đẹp con người, con người lại làm cho cảnh sắc mùa xuân trên đường về quê mẹ thêm phần khởi sắc.

Vẫn mạch cảm xúc hồi ức về quê mẹ, bằng phương thức biểu đạt miêu tả, Đoàn Văn Cừ tiếp tục nhớ lại khung cảnh rộn ràng tươi vui của mùa xuân qua đoàn người “về ấp gánh khoai lang”. Trong không gian đường chiều vàng nhạt nắng, cò trắng giữa trời xanh từng lớp bay về, chiếc lá bàng rụng xuống nơi xóm chợ báo hiệu mùa đông kết thúc và đang đón xuân sang, không gian làng quê đã thực sự tràn ngập cảnh xuân, tình xuân náo nức: "Chiều mát đường xa nắng nhạt vàng/Đoàn người về ấp gánh khoai lang/Trời xanh cò trắng bay từng lớp/Xóm chợ lều phơi xác lá bàng".

Đến hai khổ thơ cuối bài, hình ảnh người mẹ một lần nữa được nhà thơ quay cận cảnh trở lại, khắc họa đậm nét hơn từ hình dáng đến tính cách qua nỗi hoài niệm thiết tha và cảm động. Có lẽ mẹ đã đi xa rồi, giờ chỉ còn trong ký ức của thi nhân, vậy mà qua bóng dáng người thôn nữ trên cánh đồng, mẹ lại hiện ra duyên dáng, trẻ trung như thuở nào dắt con trên đường về quê nhận họ: "Tà áo nâu in giữa cánh đồng/Gió chiều cuốn bụi bốc sau lưng/Bóng u hay bóng người thôn nữ/Cúi nón mang đi cặp má hồng".

Cuối cùng, sự thảo hiền vẫn là nét đẹp sâu lắng nhất mà nhà thơ nghĩ về mẹ. Khách quan từ những người quen nơi quê mẹ, mẹ chính là hình mẫu về người con gái theo chồng nhưng vẫn không quên tình quê chôn nhau cắt rốn. Mẹ đã hóa thân vào mùa xuân quê hương xứ sở, vào hồn non nước ngàn đời và những gì tốt đẹp nhất mà lòng con ghi khắc, nhớ thương: "Tới đường làng gặp những người quen/Ai cũng khen u nét thảo hiền/Dẫu phải theo chồng thân phận gái/Đường về quê mẹ vẫn không quên".

"Đường về quê mẹ" là bài thơ tả chân nhưng thấm đẫm cảm xúc hoài niệm của tác giả về quê hương, về người mẹ thảo hiền. Từ cảnh sắc mùa xuân thôn quê và sinh hoạt của con người trước 1945, Đoàn Văn Cừ đã đưa người đọc tìm về một không gian thuần Việt, đậm chất hồn Việt. Lời thơ nôm na, giản dị đến cùng tận mà vẫn có sức lay động mạnh mẽ.

LÊ THÀNH VĂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lay động hồn xuân đường về quê ngoại