Hồi con gái, đến tuổi cập kê, chị được khá nhiều chàng trai để ý và ngỏ lời yêu thương nhưng chị chọn anh, đơn giản vì chị cũng yêu anh.
Chị thích nhất ở con người anh là cái tính ga lăng, hào phóng. Bố mẹ chị nhận xét: “Đàn ông phải rộng rãi mới là đàn ông chứ cứ bo bo, keo kiệt thì vợ cũng đến khổ một đời”. Em gái chị vốn khó tính cũng vun vào: “Anh ấy hào phóng thế thì sau này bố mẹ mình mới có phận nhờ, chị cũng sướng một đời”. Bạn bè chị tiếp xúc với anh cũng rỉ tai chị trầm trồ: “Được! Duyệt”. Đi cùng anh đến đâu chị cũng cảm thấy tự hào và hãnh diện vì cách cư xử đàng hoàng, lịch thiệp của anh. Chị quyết định lấy anh sau một thời gian tìm hiểu và được sự ủng hộ của hai bên gia đình.
Nhưng cuộc sống vợ chồng không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Đứa con gái đầu lòng của anh chị bị bệnh tim bẩm sinh nên đau yếu, quặt quẹo luôn. Gần ba tuổi con chị mới biết đi, biết nói nhưng hễ khóc là mặt mày tím tái. Vì vậy, chị phải nghỉ việc công ty ở nhà chăm sóc con từng li từng tý. Một mình anh đi làm nên thu nhập của anh chị cũng giảm đi, trong khi tiền thuốc cho con ngày một tốn kém. Vậy mà cái tính hào phóng của anh không hề giảm đi phần nào. Cứ chiều chiều, sau khi hết việc ở cơ quan là anh lại cùng bạn nhậu la cà quán bia đến tối muộn mới về nhà. Đi nhậu với anh thì ai cũng thích vì anh hay tranh trả tiền. Nhiều lần chị nhắc nhở anh nên hạn chế quán xá để tiết kiệm tiền, khi nào phù hợp thì đưa con đi mổ nhưng anh không nghe. Anh lý sự: “Sống mà cứ bo bo thì ai người ta chơi với mình”. Vì thế hằng tháng, anh thường tiêu hết một nửa số tiền anh kiếm được, thậm chí có tháng anh tiêu hết sạch rồi lại đi vay mang về cho chị mà chị không biết. Chưa bao giờ anh để mẹ con chị phải sống khem khổ vì triết lý của anh là: “Không giàu, không sang thì cũng phải đàng hoàng”. Thiên hạ được thưởng thức của ngon vật lạ gì anh đều tìm cách mua về cho vợ con nếm thử. Họ hàng nội ngoại ba bề bốn bên không ai chê anh được câu nào vì hễ nhà ai có công có việc là anh đều bỏ tiền ra mừng, đóng góp hoặc quà cáp rất chu đáo, hậu hĩnh. Thi thoảng anh lại mua về những đồ nội thất đắt tiền khiến chị lo lắng: “Anh lấy tiền ở đâu mà mua những thứ này, phải tiết kiệm để chữa bệnh cho con chứ”. Nhưng anh gạt đi: “Em không phải lo, đã sống thì phải đàng hoàng”.
Từ khi con biết đi, biết nói, chị quyết định mở một cửa hàng tạp hóa ngay tại nhà để vừa trông con vừa kiếm thêm thu nhập. Chị bàn với anh mang sổ đỏ đi vay ngân hàng để có vốn cho chị buôn bán, không ngờ anh thú nhận: “Anh đã mang sổ đỏ đi vay ngân hàng rồi, hơn một trăm triệu, để gia đình mình chi tiêu từ trước đến nay”. Chị bàng hoàng, nín lặng, nước mắt trào ra mà không dám trách anh nửa lời. Chị đành một mình xoay xở, đi vay đi mượn hai bên gia đình nội ngoại và bạn bè thân thiết được một số vốn nho nhỏ để mở cửa hàng. Từ đó chị quán xuyến việc chi tiêu, mua sắm trong nhà chặt chẽ hơn nhưng cái “bệnh hào phóng” của anh dường như đã ăn vào "máu" nên rất khó chữa. Nếu chị phàn nàn là y như rằng vợ chồng sẽ lời qua tiếng lại dẫn đến cãi vã. Rút cục anh sẽ bỏ ra khỏi nhà, gọi điện mời bạn đến quán nhậu và “thiệt hại” không biết đâu mà lường. Thành ra chị phải cố gắng nín nhịn trước sự chi tiêu “vung tay quá trán” của anh.
Tết vừa rồi, chị đã dặn đi dặn lại rằng: “Anh phải liệu cơm gắp mắm, nhà mình chưa trả hết nợ ngân hàng nên phải ăn dè hà tiện. Buôn thuyền bán bè cũng không bằng…” Anh cắt ngang lời chị: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Thế mà hứng lên, anh "rước về nhà" cả đào, cả mai tốn những mấy triệu đồng. Chị xót ruột, cố nén tiếng thở dài, trong lòng hậm hực lắm nhưng không dám nói ra sợ “mất Tết” vì vợ chồng cãi nhau.
Chưa qua ba ngày Tết thì con chị lên cơn đau tim, phải đưa lên Hà Nội cấp cứu. Chị cuống cuồng vét sạch số tiền để dành mới đủ thuê tắc xi và dự trù ăn uống, vì trước Tết chị đã trả ngân hàng được một phần. Các bác sĩ chẩn đoán và quyết định mổ gấp nhưng phải tốn kém vài chục triệu đồng. Anh lo lắng không biết vay tiền ở đâu vào những ngày đầu năm mới. Cuối cùng anh đành thú thật với bố mẹ đẻ và bố mẹ vợ tình trạng kinh tế của mình. Ai cũng giật mình, sửng sốt, có bao nhiêu tiền mặt trong nhà đưa cho anh hết mà vẫn chưa đủ. Nhìn chị ôm con nước mắt lưng tròng, bố mẹ chị xót xa. Còn anh quay mặt đi vì xấu hổ. Bây giờ anh mới nhận ra anh làm chị khổ chỉ vì cái sự tiêu tiền không cần tính toán của mình.
TRẦN THỊ LÀNH