Nhìn gương mặt chị rạng rỡ, cứ mủm mỉm cười suốt giờ giải lao ở cơ quan là mọi người biết ngay hôm nay “anh xã’ bộ đội của chị được về nghỉ cuối tuần sau những ngày dài xa cách.
Chỉ chờ hết giờ làm là chị vội vã ra nhà xe, trong đầu chị đang nghĩ đến bữa cơm thịnh soạn chuẩn bị nấu để thết đãi chồng con, nghĩ đến buổi tối gia đình sum họp đầm ấm, vui vẻ mà bao ngày chị khao khát.
Khi mới quen anh, yêu anh, chị đã bị mẹ cảnh báo. Bà vẽ ra cả một tương lai đầy rẫy khó khăn: “Lấy chồng bộ đội thì vất vả cả đời con ạ. Mình phải làm việc gấp đôi, gấp ba, vừa làm mẹ lại vừa làm bố, rồi đối nội đối ngoại, những lúc ốm đau, phải tự mình xoay xở. Mẹ sợ sức con không kham nổi”. Nhưng chính tình yêu anh dành cho chị cộng với sự quyết tâm của chị đã có sức thuyết phục mạnh mẽ khiến mẹ chị đồng ý dù trong lòng bà rất lo cho cô con gái vốn chân yếu tay mềm.
Hồi mới cưới, đơn vị anh cách nhà hơn trăm cây số, cứ đều đặn hai tuần anh được về một lần. Vợ chồng chỉ kịp đưa nhau đi chợ mua sắm, về nhà ngoại ăn bữa cơm, còn tâm sự thì phải thức cả đêm vì không đủ thời gian. Nhiều khi chị cảm thấy thiệt thòi, tủi thân vì ngày lễ, ngày Tết, vợ chồng người ta ríu ra ríu rít đưa nhau đi chơi thì chồng chị đều bận trực. Chị cứ thui thủi một mình, buồn đến phát khóc. Lúc anh được về, muốn giận mà chị cũng không dám giận. Chị thường kể với đồng nghiệp: “Vợ chồng ở bên nhau chốc lát, làm gì có thời gian mà dỗi hờn nên không có khái niệm giận nhau”.
Đùng một cái, anh phải chuyển công tác vào Nam những 5 năm trời. Chị nghe tin mà rụng rời cả chân tay. Đầu óc chị quay cuồng, chẳng làm được việc gì ra hồn suốt ngày hôm đó. Bình thường, ở cùng bố mẹ chồng đã không thoải mái, lại muộn con nên chị có phần mặc cảm, giờ chồng đi vắng biền biệt, không biết chị sẽ xoay xở như thế nào. Được anh động viên, chị mới dần nguôi ngoai. Nghĩ đi nghĩ lại, tất cả là do mình lựa chọn nên chị chẳng dám trách ai. Chị can đảm vượt qua những tháng ngày mòn mỏi đợi chờ. Chỉ cần được viết thư, nhận thư của anh hay nghe giọng nói của anh qua điện thoại, chị đã cảm thấy vui sướng lắm rồi. Năm năm ấy, chị nghỉ phép dài hai lần để vào thăm anh. Và sau hai lần đó, hai đứa con của chị ra đời: bụ bẫm, khỏe mạnh. Bị bạn bè, đồng nghiệp trêu đùa: “Đi thăm chồng là phụ, đi làm nhiệm vụ cao cả là chính”, chị chỉ cười hiền. Chị nghĩ sau này các con lớn lên, chị sẽ kể cho chúng nghe hành trình gian nan mà chị và anh đã trải qua để có một tình yêu bền vững, một gia đình hạnh phúc.
Chị không thể nào quên được khoảng thời gian khó khăn ấy, khi chị vừa sinh đứa thứ hai thì mẹ chồng mất vì bệnh hiểm nghèo, mẹ đẻ thì bị huyết áp cao. Bố chồng và bố đẻ vốn vụng về trong việc chăm trẻ, thành ra một tay chị phải quán xuyến mọi việc, từ việc cơ quan đến việc gia đình, chợ búa, cơm nước, giặt giũ, chăm con. Cứ rời cơ quan là chị hình dung một núi công việc trước mắt, nghĩ đến hai đứa con lem nhem chưa có người tắm rửa, cho ăn mà chị ứa nước mắt. Nhiều khi chị thèm vô cùng bờ vai của anh cho chị dựa vào. Khổ nhất là khi các con ốm đau, một mình chị bế con ở bệnh viện, thức trắng đêm vì chẳng biết chuyền tay cho ai. Tủi nhất là khi chị ốm mà vẫn phải gồng mình lên để gánh vác. Thế nhưng nghe giọng anh qua điện thoại, chị vẫn làm như không có chuyện gì xảy ra: “Anh cứ yên tâm công tác, ở nhà mọi việc bình thường, các con ngoan, khỏe”. Thi thoảng anh động viên chị: “Giá mà mẹ không mất sớm, giá mà anh ở gần hơn thì có lẽ em đỡ vất vả”. Chị chỉ nhẹ nhàng: “Em hiểu”.
Sau hơn chục năm lấy chồng, từ một cô gái yếu mềm vì được nuông chiều từ bé, chị đã trở thành một người phụ nữ mạnh mẽ, một người vợ, người mẹ đảm đang, chu toàn. Ngay cả mẹ chị cũng không thể ngờ được con gái mình lại thay đổi như thế. Bạn bè lâu ngày gặp lại cũng rất phục sự tháo vát ở chị: vừa nấu ăn giỏi, vừa chăm con khéo, đối nhân xử thế thì chẳng ai chê vào đâu được, việc cơ quan cũng hoàn thành xuất sắc. Mọi người hỏi bí quyết, chị chỉ cười: “Đấy là nhờ lấy chồng bộ đội”. Trong thâm tâm, nhiều khi chị nghĩ nếu được chọn lại, chị vẫn sẽ chọn anh bởi được làm vợ lính là một niềm hạnh phúc.
TRẦN THỊ LÀNH