Lao động trẻ xoay xở mưu sinh

30/03/2021 13:32

Dịch Covid-19 kéo dài làm nhiều lao động trẻ như nhân viên nhà hàng, quán karaoke, lái xe dịch vụ... gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, họ không nản chí mà quyết tâm tìm cách duy trì cuộc sống.


Từng là nhân viên thu ngân ở một quán karaoke, nay chị P.T.H. chuyển sang bán hàng trên mạng

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu phải đóng cửa sớm nhất và cũng mở cửa muộn nhất trong các đợt dịch Covid-19. Thuê mặt bằng đắt đỏ, chi phí đầu tư lớn nên khi dịch Covid-19 liên tục xuất hiện, các cơ sở này chịu tổn thất lớn, cuộc sống của nhiều lao động cũng bị ảnh hưởng.

Chị P.T.H. (25 tuổi) ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) làm nhân viên thu ngân ở một quán karaoke trên đường Bà Triệu (TP Hải Dương) cho biết từ đợt dịch đầu tiên đến nay, chị đã phải nghỉ việc tổng cộng 8 tháng. Chồng chị H. làm cùng nên đợt dịch thứ ba bùng phát càng khiến gia đình chị khó khăn hơn. Thu nhập hạn chế nên chị cho con về quê ở với ông bà ngoại. 

Để xoay xở kiếm sống, chị H. và chồng phải tiết kiệm tối đa chi phí sinh hoạt. Chồng chị chạy xe dịch vụ để kiếm thêm. Chị cũng mày mò bán hàng trên mạng nhưng thu nhập cũng không đáng là bao. Từ đợt dịch thứ ba bùng phát đến nay, cả hai vợ chồng chị H. vẫn cố gắng bám trụ ở thành phố để trả tiền thuê nhà trọ, đóng tiền bảo hiểm xã hội và gửi thêm về ông bà ngoại nuôi con. 

Theo chị H., nhiều nhân viên cùng làm với chị cũng gặp khó khăn tương tự. Người thì về quê ở với gia đình để bớt tiền thuê nhà trọ, chờ quán hoạt động trở lại rồi đi làm. Người thì tìm việc làm thời vụ ở doanh nghiệp trong khu công nghiệp Đại An. Không ít người bỏ hẳn việc làm tại quán và tìm hướng khác. Anh P.V.T. (23 tuổi) ở thị xã Kinh Môn cũng từng là nhân viên một quán karaoke trên đường Bà Triệu (TP Hải Dương). Đợt dịch thứ ba này, anh không thể cố gắng duy trì công việc cũ. Anh đang học tiếng nước ngoài để chuẩn bị đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. 

Nhân viên ở các cơ sở kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống, chủ yếu là sinh viên, công nhân trẻ làm theo ca cũng ảnh hưởng. Anh H., chủ nhà hàng 123 kinh doanh dịch vụ ăn uống trên đường Hoàng Hoa Thám (TP Hải Dương) cho biết 3 đợt dịch vừa qua nhà hàng thiệt hại hơn 400 triệu đồng. 15 nhân viên cũng phải nghỉ việc. Nhiều nhân viên về quê, người thì làm thêm việc giao hàng, bán hàng trên mạng. Nhà hàng đã hỗ trợ mỗi nhân viên 2,5 triệu đồng. Một số nhân viên không chờ được đã đi Hà Nội hoặc xin làm trong công ty.

Khi được bán hàng cho khách mang về, nhà hàng cũng chỉ gọi 2 đầu bếp đến làm việc. Tuy nhiên, lượng khách mua về cũng không nhiều. "Bản thân tôi cũng xoay xở làm thêm dịch vụ đổ bê tông, đóng cọc cho các công trình xây dựng. Chúng tôi mong dịch sớm được đẩy lùi để nhà hàng hoạt động trở lại", anh H. bày tỏ. 

Anh T.V.S. (22 tuổi) cũng làm ở nhà hàng trên cho biết để có chi phí sinh hoạt, trả tiền thuê nhà, anh tìm các đặc sản vùng miền để bán thêm trên mạng và kiêm luôn nhân viên giao hàng nhưng thu nhập bấp bênh không đủ sống. 

Những người làm nghề lái xe cũng khốn đốn. Anh N.V.H. (36 tuổi) ở thị xã Kinh Môn vừa vay ngân hàng mua được chiếc ô tô để chạy dịch vụ taxi thì gặp ngay đợt dịch Covid-19 đầu tiên. Hai vợ chồng anh thuê trọ ở TP Hải Dương. Vợ anh chỉ ở nhà trông con nhỏ nên đợt dịch thứ ba vừa qua làm gánh nặng cơm áo, gạo tiền càng lớn. Nhờ bạn bè giới thiệu, anh N.V.H. đã làm thêm nghề lắp camera. Từ hôm tỉnh hết giãn cách xã hội, anh đi làm trở lại nhưng lượng khách rất ít. Trước đây, có tháng anh thu từ 15-20 triệu đồng nhưng 1 tuần trở lại đây chỉ được vài "cuốc" xe nội tỉnh. Thu nhập giảm sút nên cả vợ con anh phải về quê ở cùng bố mẹ. "Tôi đã gọi lại cho tất cả khách quen để khi nào cần đi đâu thì liên hệ. Ngày nào không có khách, tôi lại theo bạn đi lắp camera. Hy vọng sang tháng 4 cuộc sống sẽ bớt khó khăn", anh H. nói.

NAM PHƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lao động trẻ xoay xở mưu sinh