Lặng thầm nghề làm việc "giữa trời"

14/08/2022 14:00

Để giữ cho đường dây 110 kV luôn duy trì hoạt động an toàn, ổn định, những công nhân điện cao thế không quản ngại khó khăn, vất vả, chăm sóc "mạch máu" của tỉnh bất kể ngày đêm, mưa nắng.


Làm việc trên cao là nhiệm vụ thường xuyên của những công nhân điện cao thế

Bất kể đêm ngày, nắng mưa hay gió bão, những người công nhân điện cao thế vẫn hằng ngày chăm sóc để “mạch  máu” của nền kinh tế được an toàn, ổn định, chất lượng.

Đó là nhiệm vụ của Đội quản lý vận hành lưới điện cao thế thuộc Công  ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương. Đội có nhiệm vụ quản lý toàn bộ hệ thống đường dây và trạm biến áp 110kV trong toàn tỉnh. 

Nhọc nhằn

5 giờ sáng một ngày đầu tháng 8, chúng tôi theo Tổ đường dây (thuộc Đội quản lý vận hành lưới điện cao thế) đi làm nhiệm vụ sửa chữa thường xuyên tại khoảng cột 130 - 133 đường dây 172 E8.1 tại khu đô thị Việt Hòa (TP Hải Dương) để xử lý dây bị võng và thay thế một số thiết bị phụ trợ trên cột. Trước khi vào phiên làm việc, các thành viên cùng nhắc nhở, kiểm tra lại thiết bị bảo hộ lao động. Hai thành viên nhận nhiệm vụ trèo lên cột điện, các thành viên ở dưới sẽ hỗ trợ đưa dụng cụ và phối hợp xử lý. Chân gá vào thanh sắt cột điện cao thế, một tay bám giữ thăng bằng, một tay khóa đai bảo vệ, cứ thế hai người thợ thoăn thoắt trèo lên. Chẳng mấy chốc các anh đã leo tới ngọn cột điện cao hơn 30 m so với mặt đất. Trời hôm nay nắng sớm, cái nắng gắt ganh mưa làm cho không khí càng oi bức. Người đứng dưới theo dõi, người làm việc trên cao đều mồ hôi ướt đẫm đìa. Làm việc trong thời tiết khắc nghiệt, lại ở trên cao nhưng họ vẫn vừa làm vừa nói cười. Có lẽ họ đã quá quen với công việc này và với sự khắc nghiệt của thời tiết. 


Tổ đường dây triển khai biện pháp an toàn cho các thành viên

“Cột cao bao nhiêu chúng tôi làm việc ở độ cao bấy nhiêu”, anh Đinh Văn Khảm, công nhân lâu năm tại Tổ đường dây chia sẻ. Hằng ngày, các công nhân của tổ phải chia nhau đi kiểm tra, giám sát các tuyến đường dây, nếu phát hiện những nguy cơ gây mất an toàn đường dây sẽ phải báo cáo để xử lý ngay. Vì hệ thống đường dây trải đều trong toàn tỉnh nên địa bàn hoạt động của Tổ đường dây cũng không giới hạn. Tổ có 8 người, đang quản lý hơn 420km đường dây 110 kV trải rộng trong toàn tỉnh. Để thực hiện tốt công việc của mình, mỗi thành viên trong tổ đều phải thuộc nằm lòng từng vị trí khoảng cột, sơ đồ của cả hệ thống. Có nhiều khoảng cột ở vị trí bất lợi như trên đồi cao hoặc đi qua rừng vẫn phải thường xuyên kiểm tra dù việc đi lại khá khó khăn.

Cả trăm km đường dây đi qua rừng hoặc qua khu trồng trọt của người dân nên thường xuyên bị đe dọa, nhất là vào mùa mưa bão. “Chỉ cần một cành cây nhỏ chạm vào đường dây hoặc do mưa bão cành cây, vật thể bay vướng vào đường dây cũng đủ gây sự cố, ảnh hưởng tới hàng trăm khách hàng lớn nhỏ. Vì thế nhiệm vụ thường xuyên của chúng tôi là phải kiểm tra dọc các tuyến đường dây để kịp thời xử lý”, anh Khảm nói thêm. Khi phát hiện các điểm vi phạm tại những khu vực thuận tiện có thể đưa máy móc, phương tiện vào hỗ trợ, công nhân sẽ đỡ vất vả hơn. Với những nơi khó đi lại, các công nhân phải tự trèo cây, chặt tỉa để tránh cành cây gãy đổ vào đường dây. Ngoài ra, họ phải thường xuyên kiểm tra những đường dây bị võng do quá trình sử dụng lâu ngày để đề xuất phương án sửa chữa, tránh gây nguy hiểm.

Có nhiều điểm vi phạm hành lang lưới điện thuộc khu vực trồng cây của người dân, không phải ai cũng đồng ý cho chặt tỉa cành cây. Vì thế, các công nhân điện cao thế lại kiêm thêm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân phối hợp để chặt tỉa bớt cành cây, tránh gây nguy hiểm cho đường dây điện. “Cũng có nhiều người dân ủng hộ cùng phối hợp với chúng tôi để chặt hạ, nhưng cũng có người không đồng thuận, đòi bồi thường thì anh em lại gặp khó khăn, việc xử lý điểm vi phạm lại bị kéo dài”, anh Vũ Trường Giang, nhân viên Tổ đường dây chia sẻ.


Nhờ thiết bị công nghệ giúp công việc kiểm tra đường dây của công nhân điện cao thế đỡ vất vả hơn

Nghề nguy hiểm

Làm việc trong môi trường đặc biệt nên yêu cầu về sức khỏe đối với những công nhân điện cao thế luôn đòi hỏi rất cao. Theo chân các công nhân Tổ đường dây đi làm chúng tôi mới thấy hết được những nguy hiểm của công việc này. Họ phải treo mình trên điểm cao nhất của cột điện cao thế, cả người được đỡ bằng 2 dây đai an toàn, thỉnh thoảng họ phải vươn người ra xa để đo đếm, kiểm tra. Chưa kể việc leo lên cột điện cao hàng chục mét cũng luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn…

Đường dây 110 kV được xem là “mạch máu” của tỉnh nên luôn phải được duy trì hoạt động an toàn, thông suốt, không ảnh hưởng, gián đoạn việc cấp điện cho khách hàng. Vì thế để triển khai một công việc sửa chữa thường xuyên trên lưới như bảo dưỡng đường dây, điều chỉnh độ võng… Đội quản lý vận hành lưới điện cao thế đều phải lên kế hoạch từ trước, phối hợp Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Bắc cắt điện trong khoảng thời gian nhất định để thi công, sửa chữa. Để tránh ảnh hưởng tới việc sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của khách hàng, Trung tâm Điều độ thường lựa chọn giờ thấp điểm cắt điện như sáng sớm, đêm khuya hoặc giữa trưa. Hơn nữa, thời gian được phép cắt điện rất ngắn nên mọi thao tác trên lưới đều phải nhanh gọn. “Có nhiều hôm chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng chỉ chờ Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Bắc cắt điện là thực hiện nhiệm vụ. Nhưng do thời tiết không thuận lợi như khi nhiệt độ trên 36 độ C không được phép cắt điện thì mọi kế hoạch đều phải hoãn lại”, anh Tăng Văn Trung, Đội trưởng Đội quản lý vận hành lưới điện cao thế cho biết.

Vì làm việc trên cao, lại làm việc thường ngoài giờ nên yêu cầu về an toàn với các công nhân điện cao thế càng phải được đặt cao hơn. Trước mỗi phiên làm việc, các công nhân đều được phổ biến quy định và giám sát chặt chẽ về an toàn lao động. Các công nhân điện cao thế chỉ được thao tác khi đã có đầy đủ các thiết bị an toàn trên người. Ngoài yêu cầu về sức khỏe và tay nghề chắc thì họ phải có tâm lý vững vàng.

Khi làm việc trên độ cao hơn 30m, có nhiều cột qua sông hoặc trên đồi có thể cao tới hơn 60 m cũng là một thử thách đối với mỗi thành viên trong Tổ đường dây. Làm việc trên độ cao, dưới trời nắng nóng hoặc mưa to càng khiến các công nhân thêm phần vất vả. Hiểu rõ đặc thù công việc của mình nên mỗi người lao động trong Tổ đường dây đều luôn nghiêm túc thực hiện các quy định về an toàn lao động, không được phép chủ quan. “Làm việc ở trên cao nên anh em càng phải phối hợp nhịp nhàng, luôn nhắc nhở nhau chú ý an toàn. Chỉ cần một sự bất cẩn nhỏ có thể gây nguy hiểm cho chính mình và đồng nghiệp”, anh Giang chia sẻ.

Gắn bó công việc

Mặc dù công việc vất vả, nhưng những công nhân của Đội vận hành lưới điện cao thế nói chung và Tổ đường dây nói riêng vẫn luôn sát sao và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Anh Đinh Văn Khảm, 55 tuổi, là công nhân bậc cao của Tổ đường dây. 24 năm làm công nhân điện cao thế nhưng chưa khi nào anh Khảm nghĩ tới việc từ bỏ công việc đặc biệt này. Nhớ lại những ngày mới về nhận công tác, anh Khảm cùng đồng nghiệp phải xử lý sự cố đứt đường dây ở khu vực phố Cao (Hưng Yên) thuộc địa phận quản lý của Điện lực Hải Dương. Khu vực dây bị đứt ở giữa cánh đồng, trời tối đen như mực, ngày đó thiết bị hỗ trợ sửa chữa còn thô sơ, anh Khảm cùng các đồng nghiệp phải mất tới 6-7 giờ mới khắc phục xong sự cố. “Lúc đó anh em vừa làm vừa chỉ bảo nhau, rồi phối hợp với các đơn vị ở nhà mới xử lý xong sự cố khá phức tạp. Bữa đó, anh em mải làm quên cả ăn uống để kịp tiến độ, sớm cấp điện lại cho khách hàng”, anh Khảm kể lại.

Để bảo đảm an toàn cho công nhân, trong nhiều năm qua, Điện lực Hải Dương đã tích cực đầu tư trang thiết bị bảo hộ an toàn cho công nhân, nhất là công nhân điện cao thế. Đồng thời ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại giúp giảm bớt khó khăn, vất vả khi tác nghiệp cho công nhân thuộc Tổ đường dây. Đơn vị đã trang bị camera điều khiển từ xa, máy ảnh nhiệt, máy đo nhiệt… để kiểm tra lưới điện cao thế. Từ khi có thiết bị hiện đại, việc kiểm tra đường dây dễ dàng hơn, những vị trí cao cũng có thể kiểm tra từ xa kịp thời phát hiện khiếm khuyết trên lưới. Ngoài ra, cũng có nhiều thiết bị hỗ trợ sửa chữa nên rút ngắn thời gian thao tác trên lưới, giảm thời gian mất điện của khách hàng. Tuy nhiên, cũng có nhiều sự cố các công nhân điện cao thế phải trực tiếp sửa chữa, hoặc những nơi có địa hình hiểm trở sẽ gây khó khăn trong quá trình tác nghiệp. Nhưng không vì thế mà những công nhân điện cao thế bỏ cuộc, họ tìm mọi phương án xử lý để cấp điện an toàn trở lại cho khách hàng một cách nhanh nhất…

THANH HOA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lặng thầm nghề làm việc "giữa trời"