Giữa một buổi chiều mùa hè đẹp trời, lão Điếu đã ra đi. Một lão Điếu chỉ biết hút thuốc, uống chè, ngạo nghễ, chửi rủa... đã cứu một đứa trẻ khỏi tay tử thần mà không ngần ngại tính mạng bản thân.
Ở đầu con ngõ nhỏ đối diện nhà tôi có một ông lão thường ngồi hút thuốc, uống chè. Lão mặc cái áo cộc tay màu nâu sẫm đã rão cổ với cái quần đùi kẻ sọc, dáng người gầy còm. Lão ngồi trên cái ghế đẩu thấp, một ấm chè cũ và một điếu cày màu mật ong. Dân cư xung quanh chẳng biết lão từ đâu tới, cũng chẳng ai biết tên lão. Mọi người gọi là lão Điếu vì lão hay cầm cái điếu cày đi lang thang khắp xóm. Cả xóm tôi, ai cũng ghét lão bởi tướng đi khó ưa và mấy lời dạy đời của lão.
- Lũ chúng mày sống cái kiểu đấy rồi cũng như điếu thuốc chóng tàn thôi!
- Mày nhìn người khác kiểu đấy rồi tao cho mày xem?
Có một lần, nhà bà Hòa ngay gần chỗ lão ngồi bị mất cái điện thoại. Bà ấy la ầm lên:
- Ối giồi ôi! Mất điện thoại tôi rồi! Cái ngõ nhỏ này sao có thằng trộm nào vào đây được?
- Đúng đấy bà to mồm kia ơi! Cái ngõ này có ai vào bao giờ mà lấy? – lão Điếu vừa rít xong một hơi, ngoái cổ vào nói.
- Thế lão bảo xem ở đâu hay chính lão lấy của tôi? Mà ngồi đấy thì chỉ có mình lão.
Hàng xóm túm tụm lại xỉ vả lão Điếu, lão Điếu không nói gì, chỉ đáp lấy một câu:
- Tao mà lấy của mụ Hòa thì ông Trời trên kia, ông Đất dưới này biết!
Bà Hòa tìm thấy điện thoại, nhưng bà muốn vu cho lão để lão đi khỏi xóm. Thế là cả xóm coi lão là ăn cắp.
*
Cháu trai bà Hòa tên Khang năm nay vừa 9 tuổi, khôi ngô lại học giỏi nhưng hơi nhút nhát. Ở xóm tôi, nó ghét lão Điếu nhất, lần nào đi qua nó cũng đăm đăm mặt lại như muốn đánh người.
Một buổi chiều nắng nhẹ, gió êm thật là đẹp, tôi đi học về, lòng đầy hân hoan thì giật mình một cái vì thấy lão Điếu đang ngồi hút thuốc thở khói phì phò. “Nhìn đã thấy khó chịu”- tôi nhủ bụng và quyết đứng chờ lão đứng dậy vươn vai, tôi sẽ đi thẳng về nhà cho khỏi sinh chuyện.
Nhưng, kìa! Ở đâu có chiếc mô tô vùn vụt lao tới, thằng Khang đang sang đường, đầu chúi vào quyển truyện tranh ung dung đi qua chẳng hay biết gì. Roẹt một cái, tôi nhắm nghiền mắt lại, một tiếng hét lớn của thằng Khang và tiếng mấy người láo nháo chạy ra, chiếc mô tô hoảng quá phóng vù đi mất.
Tôi mở mắt ra. Cảnh tượng trước mắt khiến tôi không thể tin vào mắt mình. Lão Điếu nằm nhoài trên nền đường, đầu lão chảy máu, hai mắt lão nhắm nghiền. Mẹ thằng Khang ôm chặt lấy con, khóc nức nở, không ngừng tạ ơn trời đất. Nắng chiều vẫn êm ả, chiếu sáng lên gương mặt của lão, gương mặt ấy không còn nghềnh nghệch khó ưa mà thật hiền lành, dịu dàng. Có lẽ, đó mới là gương mặt thực sự của lão Điếu.
Bà Hòa đứng trong góc nhà, mắt đỏ hoe chạy ra. Bà vội vã giải thích cho cả xóm biết rằng, lão Điếu đã giữ điện thoại của bà khỏi tên trộm. Rằng bao lâu nay, cả xóm đã oan cho lão. Cả xóm như lặng người đi, con đường cũng im ắng hẳn lại, mỗi người mang trong mình những dòng suy tư xót xa, mắt ai nấy đều ngấn lệ.
Chiều hôm ấy, mọi người hay tin lão Điếu đã không qua khỏi.
Giữa một buổi chiều mùa hè đẹp trời, lão Điếu đã ra đi. Một lão Điếu chỉ biết hút thuốc, uống chè, ngạo nghễ, chửi rủa... đã cứu một đứa trẻ khỏi tay tử thần mà không ngần ngại tính mạng bản thân. Chúng tôi chỉ biết hùa vào những định kiến xấu xa áp đặt lên người khác mà không biết rằng sau những cái bỉ ổi, xấu xa bên ngoài ấy là một bản chất thiện lương, đáng trân trọng.
Và cho đến hôm nay thì đã quá muộn màng để nói lời xin lỗi. Nhưng chúng tôi vẫn muốn gửi một lời xin lỗi và một lời cảm ơn chân thành đến lão. Tôi tin rằng, ở một nơi nào đó trên bầu trời đầy sao kia, lão Điếu đang tỏa sáng với những ánh sáng thiện lương sẽ tha thứ cho chúng tôi, cho dù có lẽ chúng tôi sẽ khó có thể tha thứ cho chính mình.
PHẠM PHƯƠNG LINH (Lớp 9A, Trường THCS Lê Quý Đôn, TP Hải Dương)