Từ đầu năm đến nay, giá vật liệu xây dựng liên tục tăng đã gây khó khăn cho các cơ sở kinh doanh, nhà thầu và người dân đang có các công trình xây dựng dân dụng.
Theo nhiều cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng, giá xi măng đã tăng khoảng 100.000 đồng/tấn so với thời điểm đầu năm
Liên tục thiết lập mặt bằng giá mới
Theo tìm hiểu của phóng viên tại một số doanh nghiệp, đại lý kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn TP Hải Dương, huyện Kim Thành, hiện giá thép trung bình từ 20-20,9 triệu đồng/tấn, tăng từ hơn 2 triệu đồng/tấn so với đầu năm. Trong đó thép cuộn Thái Nguyên phi 6, phi 8 trơn khoảng 20,9 triệu đồng/tấn; thép cuộn Hòa Phát phi 6, phi 8 có giá từ 20,8-20,9 triệu đồng/tấn. Xi măng Hoàng Thạch được bán lẻ là 1,63 triệu đồng/tấn, xi măng Hải Dương 1,1 triệu đồng/tấn và xi măng Trung Hải PBC 300 khoảng 1,14 triệu đồng/tấn, tăng khoảng 100.000 đồng/tấn; bê tông tươi có giá 1,03 triệu đồng/m3, tăng 50.000 đồng/m3…
Giá vật liệu tăng là do phí nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng cao, trong đó giá xăng dầu tăng nhiều đợt, có thời điểm ở mức cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây. Trong khi đó, nhu cầu xây dựng được phục hồi sau khi Chính phủ điều chỉnh các biện pháp thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch Covid-19. Đầu năm cũng là cao điểm của mùa xây dựng.
Đại diện Công ty TNHH một thành viên Thương mại MT ở phường Thạch Khôi (TP Hải Dương) cho biết, việc tăng giá vật liệu xây dựng khiến nhiều cơ sở kinh doanh gặp không ít khó khăn do phải cần nhiều vốn để nhập hàng. Việc nhập hàng có lúc còn bị động, không diễn ra như kế hoạch do phải chờ đợi lấy hàng từ nhà máy sản xuất, áp lực về thời gian, sự cạnh tranh cũng khiến cho nhiều cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng “đau đầu”. Khi thông báo điều chỉnh mức giá, các cơ sở thường đưa ra bảng giá điều chỉnh của nhà sản xuất chứ không tính thêm phụ phí như chi phí vận chuyển, thuê nhân công bốc xếp trong khi các phụ phí này đều tăng làm cho lợi nhuận của các cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng bị ảnh hưởng.
Nhiều công trình xây dựng bị đội vốn so với đơn giá hồ sơ do giá vật liệu xây dựng tăng cao
Nhà thầu, người dân đều gặp khó
Tháng 12.2021, Công ty CP Tập đoàn xây dựng Happy Home ở TP Hải Dương ký 4 hợp đồng nhận thầu một số công trình xây dựng dân dụng với tổng trị giá khoảng 9 tỷ đồng. Tháng 2.2022, công ty bắt đầu triển khai thực hiện. Anh Nguyễn Văn Tùng, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn xây dựng Happy Home cho biết: Doanh nghiệp ký hợp đồng với chủ đầu tư theo dạng khoán trọn gói với đơn giá vật liệu xây dựng cố định ở thời điểm ký kết. Thông thường, chi phí vật liệu xây dựng chiếm khoảng 70% giá trị công trình. Từ cuối năm ngoái đến nay, giá các loại vật liệu xây dựng tăng trung bình từ 15-20%; đặc biệt, giá thép tăng từng ngày, liên tục lập đỉnh mới nên dự kiến công trình bị đội vốn so với đơn giá hồ sơ, chúng tôi phải bù lỗ. Theo hợp đồng, các công trình phải hoàn thiện vào giữa tháng 6 năm nay, công ty buộc phải triển khai, để bảo đảm tiến độ, uy tín. "Từ giờ đến tháng 6, thị trường vật liệu xây dựng khả năng sẽ có nhiều biến động, xu hướng tăng chứ khó giảm nên chúng tôi càng làm càng lỗ, số tiền bù lỗ dự kiến gần 2 tỷ đồng”, anh Tùng nói.
Ngay từ khi có ý định xây nhà, anh Đỗ Huy Trang (ở xã Hồng Phong, Nam Sách) đã tìm hiểu giá cả thị trường vật liệu xây dựng. Giữa tháng 3, anh bắt đầu khởi công. Dù biết thị trường vật liệu xây dựng đang có nhiều biến động, trên đà tăng nhưng anh Trang cũng không thể lường trước mức tăng “phi mã” như hiện nay. Theo đánh giá của anh Trang, hầu hết các vật liệu xây dựng từ sắt, thép, cát đá đến gạch ốp lát, cửa… đều tăng. Chỉ chưa đầy 2 tuần kể từ khi khởi công đến nay, giá các vật liệu xây dựng liên tục được điều chỉnh khiến anh buộc phải tính toán lại chi phí xây dựng. Anh Trang dự định xây nhà 2 tầng, chi phí ban đầu là gần 1,3 tỷ đồng. Với các mức giá vật liệu xây dựng ở thời điểm hiện tại, anh Trang tính phải mất thêm gần 200 triệu đồng nữa thì mới hoàn thiện được ngôi nhà theo đúng ý tưởng thiết kế ban đầu.
Giá vật liệu xây dựng tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà thầu và người đang có các công trình xây dựng dân dụng. Với các công trình của công ty làm hợp đồng với chủ đầu tư theo dạng khoán trọn gói, đơn giá vật liệu xây dựng được tính cố định tại thời điểm ký kết hợp đồng, khi giá vật liệu xây dựng tăng, phía nhà thầu phải chịu. Nhiều người có kế hoạch xây hoặc sửa chữa nhà cửa, nhưng do thấy giá vật liệu xây dựng tăng cao nên phải cân nhắc, tính toán lùi thời gian để chờ giá “hạ nhiệt”.
Trước thực trạng giá vật liệu xây dựng tiếp tục tăng, chưa có dấu hiệu dừng lại, nhiều cơ sở kinh doanh, nhà thầu và người dân mong muốn Nhà nước có các biện pháp bảo đảm cân đối để bình ổn thị trường.
HUYỀN TRANG