​Lãnh đạo tỉnh đối thoại với doanh nghiệp

27/03/2018 08:21

Sáng 27.3, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp tỉnh Hải Dương lần thứ nhất năm 2018.



Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái chủ trì hội nghị. Ảnh: THÀNH CHUNG


Các đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị. Đại diện lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Hải Phòng và hơn 100 doanh nghiệp tham dự.

Vẫn “trên nóng, dưới lạnh”

Các đại biểu và đại diện hơn 100 doanh nghiệp tham dự hội nghị. Ảnh: THÀNH CHUNG

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh khẳng định thời gian qua Hải Dương luôn chú trọng cải thiện môi trường đầu tư (MTĐT), tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Lãnh đạo tỉnh cam kết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên tinh thần tích cực, kịp thời và hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế trong cải thiện MTĐT, nhất là việc chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh giảm sút, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” của một số cán bộ cơ quan công quyền trong việc giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp vẫn còn xảy ra.


Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: THÀNH CHUNG

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, thời gian tới, cơ quan công quyền của tỉnh cần phải soi lại mình để từng bước nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các doanh nghiệp mạnh dạn bày tỏ ý kiến, kiến nghị tại hội nghị này để lãnh đạo tỉnh cũng như đại diện các sở, ban, ngành liên quan trực tiếp được lắng nghe và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đi thẳng vào các vấn đề kiến nghị, mạnh dạn hiến kế để cải thiện MTĐT. Các sở, ban, ngành tiếp thu để giải quyết vướng mắc. Những vấn đề không trả lời được tại hội nghị phải trả lời bằng văn bản sau 7 ngày diễn ra hội nghị



Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đình Kiêm đánh giá tình hình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ảnh: THÀNH CHUNG

Tiếp theo, hội nghị nghe Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đình Kiêm đánh giá tình hình cải thiện MTĐT và giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp trong năm 2017. 

Hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động

Đồng chí Vũ Doãn Quang, Giám đốc Sở Lao Động, Thương Binh và Xã hội tỉnh chỉ rõ những khó khăn trong việc đào tạo, giải quyết việc làm cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời nêu 8 giải pháp để khắc phục khó khăn, giúp doanh nghiệp tuyển dụng lao động. 



Giám đốc Sở Lao Động, Thương Binh và Xã hội tỉnh Vũ Doãn Quang nêu nhiều giải pháp để khắc phục khó khăn, giúp doanh nghiệp tuyển dụng lao động. Ảnh: THÀNH CHUNG

Trong đó tập trung vào việc nâng cao chất lượng dạy nghề. Hoạch định chính xác thị trường lao động, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm. Phối hợp với các địa phương lân cận tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động. Thường xuyên tổ chức các sàn giao dịch việc làm… Giám đốc Sở Lao Động, Thương Binh và Xã hội tỉnh trăn trở làm sao để các cơ sở dạy nghề phải trở thành cầu nối giúp doanh nghiệp tuyển dụng được lao động chất lượng ổn định, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. 

Vướng mắc trong chính sách đất đai

Đại diện Doanh nghiệp tư nhân Khánh Tùng ở cụm công nghiệp (CCN) Cao An, thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) cho biết tháng 5.2006, doanh nghiệp được thuê đất, doanh nghiệp cho nhà nước mượn tiền để bồi thường giải phóng mặt bằng cho dân. Số tiền doanh nghiệp ứng trước theo quy định được trừ vào tiền thuế đất khoảng 13 năm 10 tháng, nhưng đến năm 2010, “không hiểu vì sao Cục Thuế tỉnh lại thông báo chúng tôi nợ hàng tỷ đồng tiền thuế. Doanh nghiệp không rõ vì sao chúng tôi lại bị nợ thuế. Điều này khiến doanh nghiệp điêu đứng”, đại diện doanh nghiệp bức xúc.



Đại diện doanh nghiệp tư nhân Khánh Tùng ở cụm công nghiệp Cao An (Cẩm Giàng) trình bày thủ tục về thuê đất gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: THÀNH CHUNG

Ông Mai Xuân Đức, Giám đốc Công ty CP Đồng Tâm miền Bắc cho biết công ty đầu tư ở một số tỉnh, thành phố khác nhưng cùng một sự việc họ phục vụ, giải quyết rất nhanh còn ở tỉnh mình lại rất chậm chạp, làm khó rất nhiều cho doanh nghiệp. Thời gian để chuyển đổi quyền sử dụng đất quá dài. “Việc chậm trễ trong giải quyết các thủ tục như trên ai là người chịu trách nhiệm cho doanh nghiệp. Bởi chậm một ngày doanh nghiệp sẽ mất chi phí...”, ông Đức nêu câu hỏi. Ông Đức góp ý tỉnh nên có quy trình khoa học trong việc tiếp nhận hồ sơ và nêu rõ thời gian giải quyết các thủ tục hành chính.

Bãi rác vẫn chình ình dù đã kiến nghị


Đại diện Công ty CP Đầu tư phát triển khu công nghiệp Cộng Hòa (Chí Linh) cho biết khó thu hút đầu tư do bãi rác tồn tại từ lâu sát khu công nghiệp. Ảnh: THÀNH CHUNG

Tổng Giám đốc khu công nghiệp (KCN) Cộng Hòa (Chí Linh) cho biết đã từng kiến nghị về bãi rác gần KCN ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư tại Hội nghị đối thoại Doanh nghiệp năm 2017, nhưng đến nay chưa được hỗ trợ giải quyết triệt để. Ông Thành lấy ví dụ, ngay hôm qua tôi dẫn một doanh nghiệp tới, họ rất phấn khởi vì hạ tầng của khu đã cơ bản hoàn thiện. Tuy nhiên, khi đến gần bãi rác cạnh KCN họ rất không hài lòng. Ông Thành mong muốn thời gian tới, lãnh đạo tỉnh cũng như thị xã Chí Linh giải quyết vướng mắc này, tạo điều kiện di chuyển bãi rác để KCN thu hút được nhiều nhà đầu tư, tạo điều kiện phát triển công nghiệp cho thị xã. 


Ông Masato ABe, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mizuho Precision Việt Nam phản ánh tình hình tập kết rác sau khu công nghiệp Phúc Điền ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường. Ảnh: THÀNH CHUNG

Đại diện Công ty TNHH Mizuho Precision Việt Nam ở KCN Phúc Điền cho biết giữa năm 2016  phía sau doanh nghiệp hình thành một bãi tập kết rác. Bãi rác này ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường của doanh nghiệp. Đặc biệt, việc đốt rác khói bay vào doanh nghiệp làm người lao động khó chịu, ảnh hưởng đến năng suất lao động. Doanh nghiệp đã gửi công văn đến Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh. Chúng tôi mong muốn vấn đề này sớm được giải quyết để ổn định sản xuất. 

Hướng dẫn thực hiện chính sách chưa kịp thời


Ông Nguyễn Văn Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Xây lắp 4 Hải Dương đề nghị các sở, ngành hướng dẫn doanh nghiệp cập nhật thông tư, nghị định kịp thời. Ảnh: THÀNH CHUNG

Ông Nguyễn Văn Tú, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây lắp 4 Hải Dương đề nghị các sở, ngành hướng dẫn doanh nghiệp cập nhật thông tư, nghị định kịp thời. Để tiếp cận một thông tư, nghị định nhiều khi doanh nghiệp phải chờ từ 8 tháng đến 1 năm mới được hướng dẫn. Ông Tú đề nghị phải rút ngắn thời gian hướng dẫn doanh nghiệp, nhất là các thông tư, nghị định về thuế. Các đơn vị nên chắt lọc các thông tin để hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện dễ dàng hơn, tránh mất thời gian.


Bà Nguyễn Thị Bình, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân ở Duy Tân (Kinh Môn) đề nghị đẩy nhanh các thủ tục cấp phép đầu tư, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất. Ảnh: THÀNH CHUNG

Bà Nguyễn Thị Bình, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Bình Minh (Kinh Môn) băn khoăn chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh thụt lùi. Bà Bình chỉ rõ một trong những nguyên nhân là do chậm chạp trong giải quyết các thủ tục hành chính và hướng dẫn các chính sách liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. “Các cơ quan của tỉnh cần nhanh chóng đổi mới, nêu cao trách nhiệm của mình trong phục vụ, điều hành để phục vụ người dân tốt hơn”, bà Bình nói.

Bà Trần Thị Thu, Giám đốc Công ty CP Tin học Sao Đỏ (TP Hải Dương) cho rằng Hải Dương đa phần là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Những doanh nghiệp này tiếp cận chính sách pháp luật rất hạn chế. Thậm chí chính sách thuế, đất thay đổi đã lâu nhưng không biết. Doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ rất ngại đến các cơ quan công quyền để bày tỏ ý kiến. Khi đến gặp, đại diện nhiều cơ quan, chính quyền vẫn còn thờ ơ. Bà Thu đề nghị chính quyền cởi mở với doanh nghiệp. “Bao giờ các cấp chính quyền mới có thể làm vui lòng doanh nghiệp đến, vừa lòng doanh nghiệp đi?”, bà Thu đặt câu hỏi. 

Một ngày mất điện 17 lần

Đại diện một doanh nghiệp ở KCN Phú Thái rất bức xúc về tình trạng mất điện thường xuyên, ảnh hưởng đến sản xuất. Ở KCN này điện chiếu sáng không bảo đảm. Đặc biệt là tình trạng mất điện liên tục không được báo trước.


Đại diện một doanh nghiệp trong khu công nghiệp Phú Thái (Kim Thành) bức xúc trước tình trạng mất điện liên tục trong năm 2017. Ảnh: THÀNH CHUNG

Đại diện doanh nghiệp liệt kê: Năm 2017, mất điện 66 lần, chỉ có 22 lần được thông báo. Ngày 11.9 mất đến 17 lần. Năm 2018 mới có 3 tháng mất đến 31 lần, số lần thông báo 8 lần. Riêng ngày 3.3.2018 mất điện không thông báo tới 6 lần. “Thử hỏi cứ mất điện như thế thì doanh nghiệp sản xuất sao nổi. Công nhân ngồi chơi doanh nghiệp vẫn phải trả lương. Doanh nghiệp gọi điện cho điện lực thì tắt máy. Điện lực đổ cho thời tiết nhưng tôi thấy thời tiết đẹp mà mất đến 31 lần. Không biết đến mùa mưa bão thì mất đến như nào?”

Cục Thuế tỉnh chủ trì giải quyết các chính sách liên quan đến thuế 

Ông Nguyễn Năng Hoàn, Cục Trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết Doanh nghiệp Khánh Tùng thuê đất từ năm 2006. Tuy nhiên, theo quy định mới thì ông Tùng không được trừ một lần mà được trừ theo từng năm. Theo ông Hoàn, do các quy định về thuế không thường xuyên thay đổi nên làm khó cho nhiều doanh nghiệp. Ông Hoàn sẽ chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan tập hợp các doanh nghiệp có cùng vướng mắc trên để đề xuất tỉnh có phương án giải quyết. 


Ông Nguyễn Năng Hoàn, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh trực tiếp giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp về chính sách thuế. Ảnh: THÀNH CHUNG

Đối với ý kiến của Công ty CP Dược và Vật tư y tế, theo công văn 1851 của Thủ tướng Chính phủ thì trong năm 2013 và năm 2014, nếu đơn giá thuê đất của doanh nghiệp bị điều chỉnh tăng quá 02 lần thì doanh nghiệp được giảm 50% tiền thuê đất. Tuy nhiên, do quá trình rà soát, điều chỉnh đơn giá thuê đất của công ty chậm (đến năm 2017, công ty mới được điều chỉnh đơn giá thuê đất theo Luật Đất đai năm 2003) dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong việc xem xét đề nghị của doanh nghiệp về giảm tiền thuê đất. Ông Hoàn đề nghị các doanh nghiệp gặp khó khăn trong thực hiện các chính sách thuế có thể liên hệ với phòng hỗ trợ tuyên truyền của Cục Thuế tỉnh để được hướng dẫn  thực hiện.

Doanh nghiệp gặp khó về môi trường gọi ngay đến đường dây nóng của sở

Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường Vũ Ngọc Long khẳng định thời gian qua tỉnh rất kiên quyết trong xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Về một số ý kiến liên quan đến chính sách đất đai, đồng chí cho biết thực tế có một số nhà đầu tư nhận chuyển nhượng trước hoặc song hành với quá trình thực hiện các dự án đầu tư. Nếu dự án đầu tư được duyệt sớm sẽ thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Nếu việc chấp thuận đầu tư chậm hơn mà doanh nghiệp đã thuê đất thì doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng. 


Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Vũ Ngọc Long giải đáp về chính sách đất đai và bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp. Ảnh: THÀNH CHUNG

Trả lời Công ty CP Đồng Tâm miền Bắc, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường cho biết do việc thay đổi về diện tích đất dẫn đến chậm trễ trong giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp. Đồng chí thừa nhận sự chậm trễ trong việc giải quyết các thủ tục đối với công ty này. Đồng chí đề nghị có việc gì khó khăn vướng mắc liên quan đến Sở Tài Nguyên và Môi trường gọi điện ngay đến đường dây nóng của sở. Đường dây này mở 24/24 giờ. Thậm chí có thể gọi trực tiếp cho giám đốc sở.

Tiếp tục nâng cao chất lượng điện

Trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Giám đốc Điện lực Hải Dương Trần Văn Cường khẳng định việc cung cấp điện thời gian gần đây đã tốt lên. Ý kiến về chất lượng điện tại KCN Phúc Điền đến nay đã được giải quyết triệt để. Chất lượng điện của các KCN đã được nâng lên. Riêng KCN Phú Thái do xa nguồn cấp điện nên thường xuyên xảy ra sự cố, chất lượng không bảo đảm.


Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương giải thích tình trạng mất điện trong các khu công nghiệp. Ảnh: THÀNH CHUNG

Giám đốc Điện lực Hải Dương khẳng định sẽ quan tâm nâng cao chất lượng điện cho KCN Phú Thái trong thời gian tới. Ông Cường cho biết do tổng đài chăm sóc khách hàng hiện nay chuyển về Hà Nội tại Tổng Công ty Điện lực Việt Nam nên việc tiếp nhận kiến nghị của khách hàng còn chậm trễ. Ông Cường đề xuất tăng cường đầu tư cho ngành điện để việc cấp điện cho sinh hoạt và sản xuất tốt lên. Tỉnh có thể nghiên cứu tạo điều kiện cho ngành điện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Ông Cường cũng đề nghị các doanh nghiệp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. 

Lãnh đạo các địa phương tham gia trả lời doanh nghiệp


Đại diện lãnh đạo UBND huyện Kim Thành giải thích về chính sách đất đai theo đề nghị của doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Ảnh: THÀNH CHUNG

Đại diện lãnh đạo huyện Kim Thành cho biết doanh nghiệp thuê đất thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Các sở, ngành liên quan sẽ hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện. Huyện hướng dẫn doanh nghiệp nếu có ý kiến của các sở, ban, ngành. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện sẽ hỗ trợ doanh nghiệp làm trích lục bản đồ đất. 


Ông Nguyễn Đức Hóa, Chủ tịch UBND thị xã Chí Linh cho biết việc giải phóng bãi rác gần khu công nghiệp Cộng Hòa gặp nhiều khó khăn do chưa có diện tích đất để quy hoạch. Ảnh: THÀNH CHUNG

Chủ tịch UBND thị xã Chí Linh Nguyễn Đức Hóa cho biết bãi rác gần KCN Cộng Hòa tồn tại từ năm 1990. Chí Linh đã quy hoạch nhà máy xử lý rác. Đất của KCN quy hoạch vào bãi rác này. Nhiều doanh nghiệp muốn về thị xã Chí Linh đầu tư nhà máy xử lý rác nhưng cứ chọn được địa điểm dân lại không đồng ý. Thị xã đang nghiên cứu thu hút doanh nghiệp đầu tư nhà máy xử lý rác ngay tại khu vực bãi rác này.  Theo ông Hóa, thị xã Chí Linh mong muốn sớm giải quyết được bãi rác trên, không ảnh hưởng đến KCN.


Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn Nguyễn Thị Liễu tiếp thu, giải thích ý kiến thắc mắc của doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Ảnh: THÀNH CHUNG

Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn Nguyễn Thị Liễu tiếp thu ý kiến của Doanh nghiệp tư nhân Bình Minh. Đồng thời cho biết trong quá trình vận chuyển khai thác nguyên liệu Công ty TNHH một thành Vicem Hoàng Thạch tuân thủ nghiêm các quy định định liên quan.  Huyện sẽ cho kiểm tra làm rõ vấn đề kiến nghị của đại diện doanh nghiệp. Huyện Kinh Môn có nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Huyện đã yêu cầu các doanh nghiệp lắp đặt các thiết bị quan trắc môi trường.

Chính quyền cấp xã còn thờ ơ hỗ trợ doanh nghiệp

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp kiến nghị vềviệc thiếu trách nhiệm của chính quyền cấp xã đối với doanh nghiệp.

Bà Dương Thị Bích Sinh, Giám đốc Công ty CP Cọc bê tông đúc sẵn Thăng Long cho biết đang làm dự án tại một xã của tỉnh. Doanh nghiệp thuê hơn 1.500 đường mương đã đền bù, 261 m2 đất khó khai thác. Doanh nghiệp đã giao một phần đất của doanh nghiệp để làm kênh mương thoát nước nhưng xã lại đem đất này đi bán. Vậy xã làm thế có đúng không?


Đến 11 giờ cùng ngày, cuộc đối thoại thu hút gần 20 ý kiến của các doanh nghiệp. Các ý kiến đều được lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành giải đáp. Ảnh: THÀNH CHUNG

Ông Bùi Gia Thuật, đại diện Doanh nghiệp tư nhân Anh Thu cho biết nhiều khoản đóng góp cho xã không được xã công khai làm gì. Tôi gặp xã nhiều lần những vẫn không công khai rõ cho tôi biết. Khi doanh nghiệp thuê đất thì xã cho biết doanh nghiệp chưa làm tốt nghĩa vụ nên không bàn giao đất. "Khi doanh nghiệp thuê đất phải ký hợp đồng, nếu cơ quan công quyền làm chậm thời gian gần 1 năm của doanh nghiệp ai là người đền bù cho số tiền chúng tôi đã ký thuê?", ông Thuật đặt câu hỏi. 

Đề nghị tỉnh sớm xây dựng chuỗi nông sản sạch

Bà Lê Thị Nguyệt, Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh nông sản sạch ở TP Hải Dương cho biết đơn vị đã kết nối với nhiều doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp sạch của tỉnh. Tuy nhiên, cũng như nhiều doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm sạch khác, việc này gặp nhiều khó khăn. Nhất là khó khăn về tiêu thụ, giá đầu vào cao. Tỉnh vẫn chưa đa dạng được nguồn nông sản sạch. Niềm tin về nông sản sạch của người dân chưa nhiều. Do đó, bà Nguyệt đề nghị tỉnh sớm xây dựng được chuỗi nông sản sạch. Tỉnh cũng nên ban hành danh sách các cơ sở sản xuất nông sản sạch. Việc cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở sản xuất mặt hàng này cần phải chặt chẽ hơn. Tỉnh nên tổ chức các phiên chợ nông sản sạch để quảng bá thương hiệu nông sản Hải Dương. 

Cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và người dân sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp

Phát biểu kết luận, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng qua hội nghị này có rất nhiều vấn đề đặt ra cần được nghiên cứu xem xét để giải quyết thấu đáo và kịp thời. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định trong suốt thời gian qua, cơ quan công quyền của tỉnh đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, giúp cộng đồng doanh nghiệp Hải Dương tiếp tục phát triển. 


Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển phát biểu kết luận, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền các cấp; các sở, ngành tiếp thu, giải quyết kiến nghị của các doanh nghiệp. Ảnh: THÀNH CHUNG

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ rõ chỉ số năng lực cạnh là một trong những hạn chế Hải Dương cần khắc phục. Thời gian tới, Hải Dương sẽ mổ xẻ, phân tích rõ nguyên nhân khiến chỉ số PCI sụt giảm, quy rõ trách nhiệm cho từng đơn vị, địa phương. Việc cải thiện chỉ số này cần được làm ngay, làm thấu đáo. 

Khác với mọi năm, năm nay thông điệp của hội nghị đối thoại doanh nghiệp được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ: Cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và người dân sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thẳng thắn nhận trách nhiệm trong việc để chỉ số PCI của tỉnh năm 2017 sụt giảm. Lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ tạo ra môi trường đâu tư tốt hơn, các quy định công khai, minh bạch, an ninh trật tự bảo đảm. Việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ doanh nghiệp cần được tăng cường. Năm 2018, Hải Dương không tính ngày nghỉ trong việc giải quyết các thủ tục hành chính phục vụ doanh nghiệp. Tỉnh sẽ giao đồng chí Vương Đức Sáng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp giải quyết các vấn đề liên quan đến các kiến nghị của doanh nghiệp về lĩnh vực thuế, chế độ chính sách cho doanh nghiệp; đồng chí Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh giải quyết liên quan đến các vấn đề giải phóng mặt bằng. Các sở, ban, ngành, địa phương đề xuất các phương án giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp…


Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển trao đổi với đại diện các doanh nghiệp bên lề hội nghị. Ảnh: THÀNH CHUNG

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ rõ những thách thức mới đối với các doanh nghiệp của Hải Dương, nhất là vấn đề lao động. Đồng chí đã giao cho Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội nghiên cứu biện pháp cung ứng lao động cho các doanh nghiệp. Sau hội nghị này, sở này cần thống kê nguồn nhân lực tại các địa phương. Các đoàn thể xã hội cùng vào cuộc. Hằng tháng, hằng quý,Chủ tịch UBND xã phải thống kê được số lượng lao động, độ tuổi lao động để cung cấp cho các cơ quan có nhu cầu. Khi doanh nghiệp có nguồn lao động ổn định, chất lượng cao mới có thể phát triển nhanh và bền vững. Khi tiếp nhận thông tin ý kiến của doanh nghiệp tất cả các cấp, các ngành phải xử lý, không cán bộ công chức nào đứng ngoài cuộc. Tinh thần này cần được quán triệt tới tất cả các sở, ngành, địa phương. 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các sở, ngành liên quan đưa ra các cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp.Đồng chí khẳng định nói phải đi đôi với làm. Những việc doanh nghiệp đã kiến nghị phải giải quyết đến cùng. Có như vậy môi trường đầu tư kinh doanh của Hải Dương mới được cải thiện và cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh ngày càng lớn mạnh. 

LAN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ​Lãnh đạo tỉnh đối thoại với doanh nghiệp