Không quản ngại khó khăn, vất vả, những người chăm sóc các khu di tích, nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và đang góp sức gìn giữ, chăm sóc những "địa chỉ đỏ" trong tỉnh với lòng biết ơn, kính yêu vô bờ bến với Người.
Ông Đỉnh cẩn thận lau bức tranh Bác Hồ nói chuyện với nông dân xã Ái Quốc treo trong nhà tưởng niệm
Họ là những người đang âm thầm ngày đêm tận tụy làm việc để những nơi lưu dấu chân Bác Hồ ở Hải Dương luôn phong quang, đẹp đẽ.
30 năm gắn bó
"Ngày nào cũng vậy, tôi ở đây còn nhiều hơn ở nhà", ông Nguyễn Văn Thiêm (63 tuổi) chia sẻ khi tiếp chuyện chúng tôi trong khu vườn "Nhớ ơn Bác Hồ" thuộc khuôn viên Đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (xã Hiệp Lực, Ninh Giang). Giữa khoảng sân nhỏ góc vườn đầy hoa lá, tiếng chim hót ríu rít, ông Thiêm kể với chúng tôi cơ duyên mà ông gắn bó với công việc bảo vệ, chăm sóc khu di tích suốt 30 năm nay. Năm 1993, khi địa phương có chủ trương giao thầu khu vườn trên để người dân trồng cây, ông Thiêm đã may mắn vượt qua rất nhiều người để trúng thầu. Kể từ đó, cùng với việc canh tác ở khu vườn, ông Thiêm được giao nhiệm vụ chăm nom khu tượng đài Bác với mức hỗ trợ chỉ vài trăm nghìn đồng mỗi vụ.
Đến năm 2016, khi huyện Ninh Giang thực hiện Dự án Cải tạo, nâng cấp khu tượng đài quy mô, khang trang hơn thì khu vườn cũng được chuyển đổi, trồng nhiều loại cây ăn quả, cây bóng mát theo quy hoạch. Ông Thiêm không còn phải thầu khoán nhưng cũng không được hỗ trợ kinh phí. Ông có trách nhiệm quản lý, trông nom khu di tích và được sử dụng một phần diện tích nhỏ của khu vườn để có thể làm chậu hoa, ươm cây cảnh. Chính nghề làm cây cảnh của ông Thiêm đã giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định và khu vườn "Nhớ ơn Bác Hồ" cũng rực rỡ, sinh động hơn.
Dẫn chúng tôi đi dạo một vòng quanh khu tượng đài, giữa những hàng chậu hoa rực rỡ sắc màu, ông Thiêm như nắm trong lòng bàn tay, hiểu tường tận về từng cây xanh ở đây. Ngoài cặp cây đại được trồng từ năm 1971, trong khu di tích có nhiều loại cây cảnh như vạn tuế, mẫu đơn... phải thường xuyên chăm sóc rất cẩn thận. "Cây cối nhiều nhưng mình biết cách chăm sóc, cắt tỉa thì cũng không quá vất vả. Còn việc quét dọn thì thỉnh thoảng bà nhà tôi ra phụ giúp", ông Thiêm chia sẻ.
Ông Thiêm cắt tỉa cây xanh bên cạnh Đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Hiệp Lực, Ninh Giang
Điều đặc biệt tự hào, ý nghĩa đối với ông Thiêm và cũng làm ông thấy mình gắn bó với công việc này lâu năm như một duyên trời định đó là mẹ ông. Bà Đào Thị Nghê, năm nay 82 tuổi chính là người được Bác Hồ động viên, hỏi chuyện khi về thăm, động viên bà con xã Hiệp Lực chống úng năm 1962. Khi Bác đến thăm, bà Nghê đang đạp guồng nước. Sau khi trò chuyện với bà Nghê, hỏi bà có biết hát không, Người đã lảy 2 câu Kiều: "Trăm năm trong cõi người ta/Chống úng thắng lợi mới là người ngoan". "Bà sức khoẻ đã yếu nhưng vẫn nhớ và thường kể cho con cháu nghe về vinh dự được gặp Bác Hồ. Đây vừa là niềm tự hào, vừa là động lực để tôi gắn bó, làm tốt công việc được địa phương tin tưởng giao", ông Thiêm tâm sự.
Còn sức thì còn làm
Nhiều năm nay, hình ảnh ông Nguyễn Xuân Đỉnh, 75 tuổi cao lênh khênh đạp chiếc xe cũ mèm đi lại trông nom Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở khu dân cư Vũ Thượng, phường Ái Quốc (TP Hải Dương) đã rất quen thuộc với người dân nơi đây. Công trình được khánh thành cách đây 26 năm cũng là từng đấy năm ông Đỉnh gắn bó với công việc này.
Ông Đỉnh cho biết khi được bàn giao trông coi Nhà tưởng niệm, ngoài các công trình xây dựng thì đất trong khu vẫn trống không. Không chờ hỗ trợ cũng chẳng đề nghị vận động, ông Đỉnh tự bỏ kinh phí để mua con giống, ươm trồng cây cối xung quanh. Gần ba chục năm, những cây con ông Đỉnh trồng giờ đã sum suê, tươi tốt. "Nhớ lời Bác dặn phải tăng gia sản xuất nên tôi trồng một khoảnh vườn để thỉnh thoảng có rau ăn. Còn kia là hai cây hoa ban tôi mang từ Điện Biên Phủ về trồng trong lần đi tham quan hơn chục năm trước. Trước đây cả hai cây đều nằm trong khuôn viên khu di tích nhưng vừa rồi để mở rộng đường, phải xây tường bao lùi lại nên giờ lại thành nằm ở ngoài", ông Đỉnh vừa nói, vừa chỉ tay về phía hai cây hoa ban cao lớn ở phía ngoài khu tưởng niệm.
Chị Út giới thiệu cho các cháu học sinh về ý nghĩa sự kiện Bác Hồ về thăm xã Nam Chính năm 1965
Hằng ngày, bất kể nắng mưa, có hay không có khách đến thăm, ông Đỉnh đều ra khu tưởng niệm trông nom, quét dọn. Nhà có khách ở xa hay mỗi khi có các đồng đội cùng đơn vị năm xưa đến thăm, ông Đình cũng thường đưa họ ra Nhà tưởng niệm tham quan để họ hiểu hơn về sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Ái Quốc năm 1957. Khi được hỏi về mức kinh phí được hỗ trợ, ông Đỉnh "khoe" với chúng tôi bản hợp đồng công việc mà ông ký với địa phương từ năm 1997. Khi ấy, ông Đỉnh được trả công bằng việc giao cho 7,5 thước ruộng công điền để cấy và 20.000 đồng mỗi năm. Sau nhiều lần ký lại hợp đồng, đến năm ngoái ông Đỉnh được tăng mức hỗ trợ lên 500.000 đồng mỗi tháng. Mức kinh phí khá ít ỏi nhưng suốt 26 năm nay ông Đỉnh chưa từng bận tâm và cũng chưa bao giờ thắc mắc về việc này. "Được trông coi Nhà tưởng niệm Bác là tôi thấy rất vui, rất tự hào và tinh thần cũng rất thoải mái. Không biết có phải được Bác phù hộ không mà nhiều năm nay gia đình tôi mọi chuyện đều thuận lợi, vợ chồng ít khi đau yếu còn các cháu cũng đều trưởng thành. Tôi chỉ mong sức khỏe ổn định, còn sức tôi sẽ còn làm, còn gắn bó với Nhà tưởng niệm Bác”, ông Đỉnh tâm sự.
Không quản khó khăn
Chúng tôi về thăm khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Nam Chính (Nam Sách) mà không hẹn trước. Chỉ vài phút sau cuộc điện thoại, chị Nguyễn Thị Út, 48 tuổi là người được giao nhiệm vụ chăm nom khu tưởng niệm đã có mặt tiếp chúng tôi. Từ khi khu tưởng niệm được khánh thành vào năm 2012, chị Út gắn bó với công việc này 11 năm nay. Nhà ở gần khu tưởng niệm lại hoạt bát, nhanh nhẹn nên chị Út được địa phương tin tưởng giao nhiệm vụ. Làm nhân viên thu cước cho một hãng viễn thông nên công việc của chị Út khá bận rộn. Thế nhưng từ lúc chị Út đảm nhận công việc này, dù báo trước hay không, chưa từng có đoàn khách nào đến thăm, dâng hương viếng Bác mà bị lỡ việc. “Công việc của tôi cũng phải chạy đi, chạy lại suốt nhưng chủ động được thời gian. Nhỡ may tôi có đang ở xa thì gọi điện về là ông xã ở nhà cũng chạy ngay sang mở cửa mời khách vào”, chị Út cho biết thêm.
Công việc ban đầu của chị Út chỉ là trông nom, dọn dẹp nhưng nhiều năm nay chị còn như là một hướng dẫn viên của khu tưởng niệm. Để hiểu thêm về sự kiện Bác Hồ về thăm Nam Chính năm 1965, chị Út thường tìm đọc sách, báo, tài liệu và hỏi những người cao tuổi trong làng, xã để có thông tin. Không có chuyên môn nhưng trước lạ, sau quen, bây giờ chị Út đã khá thuần thục công việc của mình. “Tôi vốn là người ở xã khác lấy chồng về đây. Bản thân gắn bó với khu tưởng niệm mà khách đến thăm hỏi lại không hiểu sâu về ý nghĩa, sự kiện Bác Hồ về thăm Nam Chính thì không ổn chút nào. Chính vì vậy, tôi cố gắng tìm hiểu để giới thiệu cho mọi người, nhất là các cháu học sinh biết được truyền thống đáng tự hào của quê hương”, chị Út tâm sự.
Thêm việc thêm trách nhiệm nhưng chị Út chưa khi nào bận tâm về mức kinh phí hỗ trợ được nhận. Thậm chí, để việc chăm sóc khu tưởng niệm tươm tất hơn, thỉnh thoảng chị Út còn tự trích một phần được hỗ trợ để mướn những người chuyên nghiệp đến cắt tỉa cây xanh. Mỗi tháng có hàng chục đoàn khách đến đây tham quan, dâng hương, tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh, sinh viên. Chiều chiều, khuôn viên sân khu tưởng niệm lại là nơi người dân dạo mát, tập luyện văn nghệ, thể thao nhưng chưa khi nào chị Út than thở khó khăn. “Tôi xác định làm vì cái tâm nên luôn cố gắng hết sức và sẽ tiếp tục làm đến khi nào còn được tin tưởng. Từ khi được nhận công việc ở khu tưởng niệm, cuộc sống của tôi cũng vui hơn. Hằng ngày được gặp gỡ và được mọi người động viên, góp ý tôi cũng học hỏi được rất nhiều điều bổ ích”, chị Út chia sẻ.
Giữa những ngày tháng 5 lịch sử, được về thăm những nơi lưu dấu chân Người, cùng với việc hiểu thêm về ý nghĩa, tình cảm Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho Hải Dương, điều chúng tôi cảm nhận chung ở những người như ông Thiêm, ông Đỉnh, chị Út là niềm tự hào của họ về công việc đang làm. Không quản ngại khó khăn, vất vả, họ đã và đang góp sức gìn giữ, chăm sóc những "địa chỉ đỏ" trong tỉnh với lòng biết ơn, kính yêu vô bờ bến với Người.
HOÀNG BIÊN