Từ khi Hải Dương chuyển sang trạng thái bình thường mới, người dân làng nghề mộc Đông Giao, Lương Điền (Cẩm Giàng) đang từng bước khôi phục lại sản xuất.
Làng nghề chạm khắc gỗ Đông Giao vốn nổi tiếng từ lâu với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo được người tiêu dùng ưa chuộng. Giá mỗi sản phẩm từ vài trăm nghìn đến vài tỷ đồng tùy theo loại gỗ, kích thước, mẫu mã…
Trước đây, việc sản xuất, kinh doanh của các hộ dân nhộn nhịp quanh năm. Các xưởng sản xuất liên tục, các hộ kinh doanh tấp nập người mua nhưng từ Tết Nguyên đán đến nay, hoạt động của các cơ sở có phần chững lại do ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19.
Dù gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng nhiều người lao động vẫn gắn bó với làng nghề mộc Đông Giao
Tại cửa hàng của anh Vũ Xuân Xứng, con trai cụ Vũ Xuân Cửu (người từng có cơ sở dịch vụ thương mại đầu tiên kinh doanh đồ gỗ làng Đông Giao năm 1993), nhiều hàng hóa ngổn ngang, "mòn mỏi” chờ khách. Anh Xứng cho biết: “Trước đây, khách tìm đến làng Đông Giao mua đồ gỗ tấp nập từ 5 giờ sáng đến 9 giờ tối, nhưng vì dịch bệnh nên đã nhiều tháng nay người dân không còn thấy cảnh mua bán đông vui như trước nữa”.
Đầu ra gặp khó kéo theo hoạt động của các xưởng sản xuất tại đây chững lại. Xưởng của anh Xứng trước đây mỗi ngày có 30 nhân công, nay chỉ còn trên dưới 20 người nhưng vẫn có việc. “Những người được cho nghỉ chủ yếu là thợ phụ, họ cũng không bỏ nghề mộc mà sẽ tìm việc ở một xưởng khác bởi đây là nghề truyền thống, không dễ gì từ bỏ. Những công nhân còn lại cũng vì thông cảm với những tổn thất của chủ cơ sở sản xuất mà tự đề nghị giảm lương. Nhờ vậy, tuy hoạt động không sôi nổi như trước nhưng vẫn bảo đảm duy trì, không bị ngưng trệ”, anh Xứng nói.
Hồi phục sau "trận ốm”
Dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng các hộ dân tại làng nghề mộc Đông Giao vẫn quyết tâm, kiên trì gắn bó với nghề truyền thống, thực hiện đổi mới từ phương thức sản xuất đến cách thức quản lý và chuyển dịch thị trường. Ông Vũ Đức Vỹ, Trưởng thôn Đông Giao cho biết: “Hầu hết các hộ dân trong làng đã chú trọng đầu tư máy móc, tập trung sản xuất và cho công nhân đi làm trở lại. Đến nay, khoảng 40% số cơ sở sản xuất đã lắp đặt trang thiết bị hiện đại. Ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất giúp tiết kiệm sức lao động, giảm giá sản phẩm nên thu hút nhiều người mua hơn”.
Vấn đề lớn nhất là đầu ra sản phẩm cũng được người dân tìm cách khắc phục, tháo gỡ. Bán hàng trực tuyến trở thành kênh tiêu thụ chính trong thời điểm này. Nhiều người trẻ trong làng học hỏi, tìm tòi phương thức mới để tìm đầu ra cho sản phẩm. Ông Vỹ chia sẻ: “Hiện nay, khách ngoại quốc và nội địa vẫn chưa trở lại làng nhiều nên hầu hết các cửa hàng đều vắng vẻ. Nắm bắt được công nghệ và hiểu được thị hiếu người tiêu dùng, những người trẻ trong làng hằng ngày sử dụng công cụ phát trực tiếp trên Facebook để bán hàng cho các cơ sở kinh doanh”. Thời gian đầu, việc bán hàng trực tuyến còn lạ lẫm và gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ sự kiên trì và danh tiếng vốn có của đồ gỗ làng Đông Giao, khách hàng ngày càng tin tưởng và doanh thu từ bán hàng trực tuyến qua Facebook ngày càng tăng mạnh. Giờ đây, nhiều hộ đã áp dụng hình thức này và thu lợi nhuận rất cao. Người mua đặt hàng và chuyển trước một phần tiền cọc, các xưởng giao hàng qua xe khách hoặc xe vận tải riêng tùy theo kích cỡ, chủng loại sản phẩm.
Thị trường quốc tế cũng được người dân tận dụng. Nhiều người trong làng biết tiếng Trung và sử dụng được Wechat (một mạng xã hội nổi tiếng tại Trung Quốc) đã đẩy mạnh bán hàng qua nền tảng này. Tuy không nhiều nhưng mỗi đơn hàng xuất đi thường có giá trị lớn và tạo tiền đề mở rộng làng nghề. Người dân ở đây cũng tin tưởng thị trường sẽ sớm ổn định.
PHẠM TUYẾT