Để đáp ứng đơn hàng tăng mạnh vào dịp Tết Nguyên đán, các cơ sở sản xuất hương đã và đang chạy hết công suất.
Các cơ sở làm hương ở thôn Đông Thôn (xã Quốc Tuấn) đang tất bật để kịp trả đơn hàng dịp Tết Nguyên đán (ảnh trái). Nhang nụ trầm hương là một trong những sản phẩm độc đáo của Cơ sở sản xuất hương thơm Nhật Thúy ở thôn Dưỡng Thái Bắc, xã Phúc Thành (ảnh phải)
Làm nghề quanh năm nhưng mỗi khi vào vụ Tết, người làm hương ở thôn Đông Thôn, xã Quốc Tuấn (Nam Sách) và thôn Dưỡng Thái Bắc, xã Phúc Thành (Kim Thành) càng bận rộn để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đơn hàng tăng mạnh
Tại cơ sở sản xuất hương gia truyền của gia đình anh Lê Công Hùng ở thôn Đông Thôn, xã Quốc Tuấn vào dịp này mọi người đều bận rộn làm các công đoạn trộn bột, se hương, phơi, đóng gói... Từ tháng 10 âm lịch đến tháng chạp, nhu cầu mua hương phục vụ Tết của khách hàng tăng cao nên gia đình anh Hùng phải tập trung nhân lực sản xuất, thậm chí phải làm cả buổi tối để kịp tiến độ giao hàng. Hiện mỗi ngày xưởng sản xuất của anh Hùng cho ra hơn 80 vạn nén hương, gấp 1,3 lần ngày thường. Để sản xuất được thông suốt, từ nhiều tháng trước, anh Hùng đã chủ động tính toán, thu mua, nhập khẩu đầy đủ nguyên liệu, bao bì ở các nơi như Lạng Sơn, Hà Giang, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế và cả nước ngoài. Theo anh Hùng, giá nguyên liệu năm nay tăng khá mạnh (khoảng 30%) so với năm ngoái.
Gia đình anh Hùng đã đầu tư các loại máy móc hiện đại nên sản lượng hương tăng rõ rệt, chi phí nhân công giảm, hiệu quả kinh doanh tăng. "Năm nay, tôi mua 2 máy bắn hương mới, công suất 5 vạn nén/máy/ngày, tăng gấp rưỡi so với máy cũ”, anh Hùng nói.
Làng nghề làm hương Dưỡng Thái Bắc ở xã Phúc Thành hiện có hơn 20 hộ sản xuất, cho ra các loại hương nụ trầm, hương trầm, hương bài, hương nhúng, hương xoắn, hương thơm truyền thống... Thời điểm này, các hộ đều dồn tổng lực để sản xuất hương phục vụ Tết Nguyên đán. Cơ sở sản xuất hương thơm Nhật Thúy là hộ đăng ký thương hiệu đầu tiên ở làng nghề này do anh Trần Văn Nhật làm chủ. Từ đầu tháng 10, gia đình anh Nhật sản xuất hương không kịp đáp ứng đơn hàng nên đã phải bố trí người làm thêm cả tối mới kịp tiến độ.
Đáp ứng thị hiếu
Vài năm trở lại đây, các cơ sở sản xuất hương trong tỉnh đã chú trọng tìm hiểu thị hiếu của khách hàng để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài các sản phẩm truyền thống như hương bài, hương nhúng, hương xoắn, một số cơ sở sản xuất đã cho ra các sản phẩm đặc biệt hoặc tham gia Chương trình OCOP để khẳng định thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ. Vừa qua, anh Hùng đã đưa 3 sản phẩm là hương trầm ít khói, hương trầm đậu tàn và hương sạch tàn tham gia Chương trình OCOP năm 2021 và được xếp hạng 4 sao. Với anh Hùng, điều này không chỉ khẳng định thương hiệu sản phẩm mà còn là thành công bước đầu trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng đến những thị trường khó tính trong tương lai.
Vài năm gần đây, cơ sở sản xuất của anh Nhật đã cho ra sản phẩm độc đáo là nhang nụ trầm hương, hương sào dài đến 1,5 m không phải nơi nào cũng có. Cách cơ sở làm hương của anh Nhật không xa, cơ sở làm hương thủ công của chị Vũ Thị Tình cũng rất nhộn nhịp. Nếu như nhiều cơ sở sản xuất hương đã đầu tư máy móc hiện đại để nâng cao công suất, sản xuất theo hướng công nghiệp thì cơ sở của chị Tình vẫn duy trì làm bằng tay do nhiều khách hàng vẫn thích chọn hương làm theo phương pháp thủ công truyền thống. Điều đặc biệt của loại hương này là có mùi thơm nồng của nhựa trám. Nhựa trám có đặc tính keo sệt, rất dính, nên phải dùng tay để tuốt nhựa trám lên que tăm chứ không thể dùng cách khác. Các thành phẩm ở đây cũng rất đa dạng cho khách hàng lựa chọn như hương que trầm, hương thuốc bắc, hương sào… Chị Tình cho biết: “Mỗi gia đình có những bí quyết pha trộn nguyên liệu, tạo ra các loại hương với mùi thơm khác nhau để làm nên thương hiệu riêng”.
Hiện làng nghề làm hương ở thôn Đông Thôn, xã Quốc Tuấn và thôn Dưỡng Thái Bắc, xã Phúc Thành có hơn 100 hộ làm nghề. Nghề làm hương đã tạo việc làm cho gần 1.500 lao động trung tuổi nhàn rỗi tại địa phương với mức thu nhập từ 4-7 triệu đồng/người/tháng. Hằng năm, 2 làng nghề này cung cấp ra thị trường hơn 40 triệu nén hương. Ngoài cung cấp cho các đại lý trong tỉnh, hương còn được tiêu thụ ở các địa phương như Hà Nội, Phú Thọ, Quảng Bình và một số tỉnh phía Nam. Đặc biệt mới đây, hai cơ sở lớn ở thôn Dưỡng Thái Bắc đã chào hàng thành công, chuẩn bị ký hợp đồng xuất khẩu hương sang Ấn Độ.
Ông Trần Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Phúc Thành cho biết doanh thu từ làng hương truyền thống năm nay hơn 20 tỷ đồng, chiếm khoảng 6,6% tổng doanh thu toàn xã. Nghề làm hương truyền thống đã góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2021 lên 61,9 triệu đồng, tăng khoảng 8% so với năm trước. Thời gian tới địa phương sẽ mở rộng làng nghề, hình thành điểm thương mại dịch vụ để thúc đẩy nghề làm hương phát triển hơn nữa.
MAI TRANG