Quảng Phú Cầu làm say đắm giác quan của du khách bởi hương thơm mê hoặc của dược liệu làm hương và tay nghề thủ công xuyên suốt cả thế kỷ của người dân nơi này.
Làng hương Quảng Phú Cầu thuộc huyện Ứng Hòa, Hà Nội, nổi tiếng với nghề sản xuất hương và tăm hương, đang là một điểm đến cuốn hút khách du lịch. Đây là một nỗ lực của Hà Nội trong quá trình thúc đẩy kinh tế du lịch địa phương.
Nằm ở Tây Nam của Hà Nội, Quảng Phú Cầu làm say đắm giác quan của du khách bởi hương thơm mê hoặc của dược liệu làm hương và tay nghề thủ công xuyên suốt cả thế kỷ của người dân nơi này. Khắp nơi trong làng tràn ngập mùi hương đặc trưng của các loại thảo dược được chế tác bởi những đôi tay nghệ nhân lành nghề.
Những bó tăm hương xòe rộng như những bó mạ lớn đủ màu được phơi khắp các mặt sân, rực lên dưới nắng mặt trời, khiến du khách mê mẩn. Người dân khéo léo sắp xếp những bó tăm hương thành những bức tranh mộc mạc, chân chất, nhưng đậm đà sắc màu dân gian, khiến sân đình làng Quảng Phú Cầu trở thành điểm check-in yêu thích của du khách.
Thoạt đầu, làm hương chỉ là một công việc phụ của dân làng trong lúc nông nhàn. Tuy nhiên, sức tiêu thụ hương ngày càng tăng, nghề làm hương ngày càng phát đạt, trở thành nghề chính của 70% hộ gia đình trong làng. Hiện nay, đây là nguồn thu nhập chính của gần 3.000 hộ gia đình, mang lại cho họ thu nhập trung bình hàng ngày từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng 12-20 USD).
Theo các bậc cao niên địa phương, nghề làm hương có nguồn gốc từ Quảng Phú Cầu khoảng 100 năm trước. Những người đầu tiên làm nghề là người dân thôn Phú Lương Thượng và dần dần mở rộng sang các thôn khác trong xã như Xà Cầu, Quảng Nguyên, Phú Lương và Đạo Tú. Ông, Trưởng thôn Làng Cầu Bầu Nguyễn Đình Đảm cho biết: "Làng Quảng Phú Cầu có lịch sử hơn trăm năm làm hương. Đặc điểm nổi bật của hương Quảng Phú Cầu là không chứa hóa chất. Chính vì thế, hương của làng tôi được người dân khắp nơi ưa chuộng”.
“Gia đình tôi làm nghề này đã 60 năm. Trước đây, ông bà, cha mẹ tôi thường làm thủ công, chẻ tre thành những thanh mỏng rồi phủ một lớp bột thơm cháy chậm, có mùi hương dễ chịu. Ngày nay, để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, chúng tôi sử dụng thêm một số loại máy thủ công và bổ sung nhiều loại nguyên dược liệu khác nữa”, chị Trần Thị Minh, một người làm hương của làng cho biết.
“Ở làng tôi có nhiều gia đình làm hương. Gia đình tôi làm nghề này đã 25 năm. Theo tôi, mấu chốt để làm nhang thơm chất lượng cao nằm ở việc trộn các loại dược liệu thơm với tỷ lệ phù hợp để tạo mùi hương thơm dịu và tốt cho sức khỏe”, nghệ nhân Lê Thị Đông cho biết.
“Chúng tôi sử dụng trầm hương nguyên chất, 28 loại dược liệu, trong đó có hồi, quế, đinh hương để tạo ra hương thơm. Bình thường một ngày, xưởng gia đình tôi sản xuất gần 500kg hương, tạo ra thu nhập hàng tháng lên tới 10-15 triệu đồng cho mỗi công nhân”, chị Đông nói.
Không chỉ sản xuất hương, làng Quảng Phú Cầu còn là cơ sở sản xuất tăm hương duy nhất ở Hà Nội, và là một trong những nhà cung cấp tăm hương lớn nhất cho các nhà sản xuất hương ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Tăm hương do làng sản xuất còn được xuất khẩu tới các nhà sản xuất hương ở Ấn Độ, Indonesia và Malaysia.
“Trước đây, chúng tôi bán hàng nghìn tấn tăm hương mỗi ngày. Sau đại dịch Covid-19, sản lượng của chúng tôi sụt giảm nhiều, trung bình chỉ còn khoảng 100 tấn/ ngày”, chị Minh cho biết.
Đi qua những con đường làng, du khách chứng kiến cảnh tượng tấp nập xe cộ lớn nhỏ ra vào vận chuyển các sản phẩm của làng tới các điểm tiêu thụ. Người dân trong làng tận dụng sân nhà, không gian sinh hoạt chung, bãi đất trống để phơi nhang, tạo nên cảnh tượng mê hồn. Nhìn đâu cũng thấy những những bó tăm hương đầy màu sắc, giống như những bông hoa khổng lồ đang phơi mình dưới ánh nắng.
Làng hương Quảng Phú Cầu đã có những nỗ lực đáng kể để nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu riêng và kết hợp công nghệ để cải thiện sản phẩm của làng nghề.
Nhiều sản phẩm trong nước đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và nhận được phản hồi tích cực từ đông đảo khách hàng.
Nhờ vẻ đẹp nổi bật với những gam màu rực rỡ của những bó tăm hương và hương thơm đậm đà quyến rũ của thảo dược cũng như lòng hiếu khách nồng hậu của người dân địa phương, Quảng Phú Cầu đã trở thành điểm đến quen thuộc của cả du khách trong nước và quốc tế.
Theo anh Đảm, trưởng thôn Cầu Bầu, Từ đầu năm nay, dưới sự chỉ đạo của UBND huyện Ứng Hòa và UBND xã Quảng Phú Cầu, làng nghề tăm hương đã được phát triển thành điểm du lịch. “Chúng tôi đang tìm giải pháp để phát triển du lịch hơn nữa cho làng nghề, đảm bảo kết hợp hài hòa sản xuất sản phẩm truyền thống với kinh tế du lịch, cải thiện mức sống cho người dân”, anh Đảm nói.