Làng Đìa đón Tết

23/01/2022 08:26

Năm nay làng mình đón Tết cứ phải là hoành tráng chưa từng có đấy nhé! Lên thành phố rồi phải khác đấy.

Minh họa: PHÙNG BẢN

Năm nay làng mình đón Tết cứ phải là hoành tráng chưa từng có đấy nhé! Lên thành phố rồi phải khác đấy. Từ bao đời nay cứ nghĩ dân làng Đìa chả mọc mũi sủi tăm lên được. Thế mà nhoằng một cái đã là người thành phố. Vì vậy cái Tết này phải làm sao cho thật ngang tầm với chốn thị thành.

Chuyện chả có gì là lạ. Thì từ đời tám hoánh đến giờ vẫn thế, sang hèn giàu nghèo gì thì cũng một năm một lần đón Tết. Ấy thế mà năm nay vừa qua rằm tháng chạp lão Tự trưởng thôn đã họp toàn dân để quán triệt.

Nói thì nhanh và đơn giản thế, khi bắt tay vào việc mới thấy lắm chuyện nhiêu khê. Bao thứ tập tục đã thành cố hữu đâu phải một sớm một chiều mà đổi thay được. Cứ dăm ba nhà đụng một con lợn, sáng ba mươi mổ thịt, râm ran cả làng, lòng lợn tiết canh thả cửa. Năm nay phải khác, thành phố rồi, cái khoản tiết canh là cấm tiệt, mất vệ sinh lắm! Mà người phố nói câu cửa miệng là chơi Tết, nghỉ Tết... chứ ăn Tết bây giờ cũng không thông dụng nữa. Rồi vấn đề vệ sinh làng xóm, vấn đề an ninh, rồi tổ chức vui chơi... Dân tình phần lớn đi làm công ty, giờ giấc, lịch nghỉ đâu vào đấy, không thể như cái anh thuần nông nghiệp với quan niệm "tháng giêng là tháng ăn chơi" được. Cứ như lời bà vợ thì lão ta cứ lo rối lên ấy chứ, nào là chi bộ, nào là chi đoàn thanh niên, lại thêm cựu chiến binh, phụ nữ, phụ lão... tất cả cùng xúm tay vào thì việc khó mấy cũng xong.

Nói thế đâu có được, cha chung không ai khóc, cứ phải có người đứng ra sắp xếp, kiểm tra... Việc ấy trưởng thôn không làm, không lo thì ai làm ai lo, cửa miệng người đời thì là cái anh "vác tù và hàng tổng" như thời xưa là cái chân Lý trưởng đấy. Việc to việc nhỏ gì đều phải giơ đầu ra chịu trước. Chả thế mà hồi bầu trưởng thôn, chi bộ phải bàn lên bàn xuống mãi, người muốn làm thì không đủ tiêu chuẩn, người đủ tiêu chuẩn thì lại có ý muốn nghỉ ngơi. Cuối cùng lão Tự được chọn. Lúc đầu, lão cũng chả muốn làm đâu. Cứ như con vợ lão ấy thì ôm rơm làm gì cho rặm bụng. Tuy nhiên lão nghĩ nát nước nát cái ra rồi, mình không nhận thì đùn cho ai nữa, mà đã nhận là phải làm cho đến nơi đến chốn. Chả biết cái chân Lý trưởng ngày xưa hét ra lửa thế nào chứ cái chân trưởng thôn của lão cứ phải nín nhịn đủ đường. Thôi thì "thượng vàng hạ cám", việc gì cũng đến tay, cũng phải nhẹ nhàng thuyết phục. Lão cứ mang cái tấm chân thành của mình ra để làm việc nên cả làng đều quý mến. Có những mâu thuẫn xóm giềng khi nghe lão phân giải đã hài hòa trở lại. Cứ như lời của đương sự thì vì thương trưởng thôn, nể phục trưởng thôn, trưởng thôn nói có lý có tình quá nên "chín bỏ làm mười" cho yên xóm yên làng.

Khi nghe được quyết định nhập làng Đìa vào thành phố mở rộng, dân tình vui vẻ phấn khởi ra mặt. Tuy nhiên cũng có nhiều quy định rất mới mẻ, chặt chẽ khác hẳn cái chuyện làng xã quê mùa. Lão Tự nói với tụi thanh niên nghịch ngợm là lên thành phố rồi giao thừa năm nay cấm đốt pháo, cấm tiệt đấy, không có cái chuyện dấm da dấm dúi như mọi năm thì thụt ở ngoài bờ đê đâu, bây giờ cứ là đâu vào đấy nghiêm chỉnh. Thanh niên phải lo cái mặt thể dục thể thao, phát triển bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn... để giao hữu mừng Đảng, mừng xuân...

Những ngày giáp Tết, làng Đìa thay đổi đến chóng mặt. Đường sá sạch sẽ khang trang, trong câu chuyện hằng ngày có điều gì gay gắt người ta lại nhắc khéo nhau là dân thành phố rồi cái gì cũng phải nhẹ nhàng. Ngày trước sắp đến Tết thường rủ nhau lên tỉnh xem chợ hoa, mua sắm... nghe cứ xa xa là, bây giờ thì làng vẫn ở đấy, chợ vẫn ở kia mà sao gần gũi lạ. Mấy ông bạn đồng ngũ của lão Tự sống trên thành phố những năm trước cứ cho là ông ở nhà quê xa thế Tết không thăm nhau được, năm nay cùng là dân thành phố tự nhiên đi lại gần gặn, thế nào Tết này cũng về chơi với lão. Nghĩ đến đấy bất giác lão mỉm cười một mình tự lúc nào.

Lão Tự suốt ngày phơi mặt ra đường. Lão đo đạc chỗ này uốn nắn chỗ kia, cứ là phải lên kế hoạch tỉ mỉ, cái gì làm trước Tết, cái gì để ra giêng... Chỗ nào phải vận động dân nhường đất mở đường, chỗ nào phải làm theo cách xã hội hóa hoặc xin trên tài trợ đều phải sẵn sàng. Lên kế hoạch cũng là lão, thực hiện cũng là lão... Các đoàn thể sẽ bổ sung góp ý, sẽ chung tay chia sẻ nhưng cái phần cốt cán, cái phần tham mưu công việc của làng vẫn là của trưởng thôn.

Vợ lão thương lão lắm. Từ ngày làng lên phố lão rạc hẳn người đi. Tết nhất đến nơi rồi mà cứ phó mặc cho vợ con, can lão cũng chả được, miệng nói tay làm y nguyên cái chất lính chiến xưa. Lão không đủ năm để nghỉ hưu, người ta cho lão hưởng trợ cấp xã hội theo chế độ bệnh binh. Ai bảo lão bị thiệt thòi, lão chỉ hề hề nói là tiền ít thật nhưng thương bệnh binh là thuộc diện người có công được mọi người nể trọng lắm. Điều đó khiến lão tự hào, hăng say cống hiến và truyền thụ cảm hứng, chân lý cách mạng cho lớp trẻ noi theo...

Chả hiểu cái bọn thanh niên nghe ai xui khôn xui dại bảo lão rằng thì là cái tên làng Đìa nghe nó quê mùa quá, lão nên xin cấp trên cho đổi sang một cái tên khác nghe cho nó sang. Lão vằn mắt lên: "Đúng là bọn bay trẻ người non dạ. Cái tên ấy có từ đời nảo đời nào đến giờ, thay là thay thế nào được. Cha ông truyền lại vùng đất này xưa ngập úng quanh năm, chỉ cá tôm là sẵn, dân tình chung tay làm những đìa cá để sinh sống, lâu dần vượt đất làm nhà, tụ thành xóm thành làng. Lấy cái tên Đìa cho khỏi quên nguồn gốc".

Nghe lão Tự nói vậy, mọi người lại gật gù tán thành. Ừ thì nhà quê, nhưng đâu phải cứ lên thành phố là thay đổi hết. Có những thứ dân phố xá ao ước chán ra ấy chứ. Ngày xưa hay chê dân quê cua cáy, rươi ếch... Thế mà nay không phải người thành phố nào cũng có mắm rươi, mắm cáy để ăn Tết, đặc sản đấy, mấy cái thứ nước chấm công nghiệp ăn vào vừa không béo bở gì vừa chả thấy vị của nước mắm đâu cả, chả có gì để mà xuýt xoa, thơm lừng đưa cơm. Chả thế mà có thứ gì vừa ngon vừa sạch người ta thường gắn thêm cái đuôi "quê" cho chắc ăn, ví như gạo quê, rau quê, gà quê... nghe vừa hấp dẫn vừa bảo đảm như một thứ luật bất thành văn. Dân nhà quê có thứ gì ngon cũng mang lên chợ tỉnh để bán. Mớ rau, mớ tép, quả cà, quả mướp... thứ gì cũng sạch sẽ chỉn chu, khác hẳn ở chợ làng quấy quá sao cũng được. Người quê cũng ý tứ ra phết, hôm nào hàng đắt, bán nhanh, được giá... ai có hỏi họ thường chỉ nói "hôm nay cũng dễ bán" thật ý nhị.

Không chỉ có lão Tự sốt sắng với chuyện làng lên phố mà những thương gia "chân đất" ở làng Đìa cũng rần rần chuyển động. Bên cạnh con đường lớn chạy dọc làng những quán xá nhanh chóng mọc lên. Nào là: Cà phê bóng đá, bóng bàn, bia hơi, ăn sáng điểm tâm, tạp phẩm... Quán nào cũng biển hiệu bắt mắt, hàng hóa cũng xôm trò ra phết, người làng thức khuya hơn, đường làng điện sáng hơn, cái không khí rõ là có ồn ã hơn. Cái dáng dấp phố xá như đã manh nha tự lúc nào.

Chưa đến Tết mà dân làng Đìa ăn mặc đã tươm tất ra phết, họ kháo nhau: dân thành phố rồi cứ phải là đẹp, sao có thể úi xùi như ngày xưa được, đi đứng nói năng cũng phải khác. Cứ phải rõ ra là người của thị thành. Ấy là suy nghĩ, việc làm của lớp được gọi là còn trẻ, lớp già hơn thì trầm tĩnh hẳn, không phải cứ nhoằng một cái là thay đổi hết, gốc gác chân quê cũng có bao nhiêu nét quý giá cần giữ gìn. Phải khéo léo nhập vào nếp sống mới cho thật hài hòa.

Những ngày tháng chạp, thời gian trôi nhanh như chuột chạy ngoài đồng. Loáng một cái đã gần ngày ông Công, ông Táo. Dân tình ở xa đã rậm rịch về làng, lão Tự lại phải lo sắp xếp bao nhiêu là việc. Lão tính rồi, từ nay đến Tết, ngày nào lão cũng sẽ dăm ba lần thông báo trên loa truyền thanh của làng thật dõng dạc:

- Năm nay làng Đìa quê mình đã được sáp nhập vào thành phố. Đây là cái Tết đầu tiên mang không khí thị thành. Vì thế mọi thành viên trong làng bất kể là đi làm ăn xa hay bám trụ ở làng đều phải cố gắng đón Tết tiết kiệm, vui vẻ, văn minh, lịch sự, gìn giữ và phát huy những nét đẹp của quê hương làng Đìa cho xứng đáng là người thành phố và đặc biệt phải an toàn phòng dịch!

Truyện ngắn của NGUYỄN PHÚ NINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làng Đìa đón Tết