Du lịch

Làng cổ Đường Lâm có gì khiến du khách ùn ùn đổ về những ngày giáp Tết?

T.H (theo Vietnamnet) 21/01/2024 16:10

Làng cổ Đường Lâm được ví như phim trường, nơi du khách có thể thực hiện những bộ ảnh Tết mang nét truyền thống, hoài cổ.

Ngày 20/1, rất đông người dân và du khách đã tìm về Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) để tham gia chương trình “Tết làng Việt 2024”, diễn ra trong 2 ngày 20/1-21/1. Đây là năm thứ ba chương trình được tổ chức với sự tham gia của các đại sứ quán, tổ chức quốc tế, văn phòng đại diện doanh nghiệp nước ngoài, sinh viên quốc tế cùng các doanh nghiệp lữ hành…

Không gian Tết truyền thống của những làng quê Bắc Bộ Việt Nam được tái hiện sinh động tại Đường Lâm.

z5090434535390 4676a2ea753efffc55def096702a7216 2.jpg

Ngay cổng làng Mông Phụ là khu vực trình diễn nghệ thuật rối nước tới từ các nghệ nhân làng rối nước Đào Thục (Đông Anh, Hà Nội). Nhiều câu chuyện lịch sử được tái hiện như vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, Phùng Hưng đánh hổ…

Tại sân đình Mông Phụ có hàng loạt hoạt động hấp dẫn như múa lân sư rồng, trải nghiệm gói bánh chưng, xem ông đồ viết thư pháp, nặn tò he. Khu vực này cũng trưng bày mâm cỗ ngày Tết truyền thống thể người dân và du khách tìm hiểu, thưởng thưởng thức.

W-duong-lam-vnn-27-3.jpg

Du khách được tìm hiểu và trải nghiệm không gian chợ Tết truyền thống với những gian hàng giới thiệu đặc sản Đường Lâm; sản phẩm thủ công của nhiều làng nghề nổi tiếng như nón lá làng Chuông, tranh Đông Hồ…

Nghệ nhân Lê Văn Tuy (Làng Chuông, Thanh Oai, Hà Nội) lần đầu tiên mang các sản phẩm nón lá tới sự kiện "Tết làng Việt" tại làng cổ Đường Lâm. Ông rất bất ngờ khi sự kiện thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

W-duong-lam-vnn-23-3.jpg

Các trò chơi dân gian truyền thống như: Bắt chạch trong chum, chọi gà, bịt mắt đập niêu… được du khách thích thú tham gia. Nhiều đoàn học sinh từ trung tâm thành phố cũng về thăm làng cổ, cùng các nghệ nhân trải nghiệm làm tranh Đông Hồ, nón lá.

W-dsc-5530-1.jpg

Ông Trần Anh Tuấn - Bí thư Thị ủy Sơn Tây cho biết, theo dự kiến, lượng khách tới sự kiện "Tết làng Việt" có thể tăng 4 đến 5 lần so với năm 2022, trong đó có nhiều du khách quốc tế, sinh viên nước ngoài đang học tập tại Việt Nam.

"Năm nay lễ hội quy tụ được khoảng 40 nghệ nhân ở nhiều làng nghề khác nhau để mang tới cho du khách những trải nghiệm đa dạng, hấp dẫn nhất. Từ nay tới Tết Nguyên đán, chúng tôi duy trì nhiều chương trình vào dịp cuối tuần để du khách có cơ hội trải nghiệm văn hóa, nghệ thuật”, ông Tuấn cho hay.





Theo ông Tuấn, làng cổ Đường Lâm đang đẩy mạnh khôi phục lại những nét sinh hoạt truyền thống của bà con như là làm kẹo lạc, làm tương, làm chè lam...; các hoạt động trải nghiệm như cấy lúa, trò chơi dân gian và tổ chức thường xuyên vào các dịp cuối tuần.

Tại Đình Mông Phụ, Ban Quản lý Di tích làng cổ Đường Lâm đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống vào trình diễn như xẩm, tuồng, chèo để phục vụ du khách dịp cuối tuần.

W-dsc-4936-1.jpg

Cuối tháng 1/2024, sản phẩm du lịch ẩm thực của làng sẽ là một trong hai đại diện tiêu biểu của Việt Nam được Diễn đàn Du lịch Đông Nam Á - ATF 2024 trao giải thưởng “Sản phẩm du lịch bền vững ASEAN 2024”. Trải qua bao thế kỷ, người dân Đường Lâm vẫn nắm giữ bí quyết chế biến các món ăn, thức quà nổi tiếng như thịt quay đòn, gà Mía hấp, đậu phụ kho tương, cá kho, tương bần, kẹo lạc, kẹo dồi, chè lam, bánh gai… Giải thưởng này được mong chờ sẽ góp phần lan tỏa hình ảnh Đường Lâm tới đông đảo du khách hơn nữa.







Theo bà Nguyễn Thị Thùy Dung - CEO Công ty Sunny Vietnam, những năm gần đây, du lịch Đường Lâm có sự “thay da đổi thịt” với nhiều không gian sáng tạo, tiêu biểu như không gian Đoài Creative và Đoài Comunity của kiến trúc sư Khuất Văn Thắng, xưởng sản xuất sản phẩm sơn mài và không gian Nghề Làng của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát…, góp phần thu hút du khách. Các dịch vụ như lưu trú, ăn uống tại làng cũng bắt đầu được đầu tư phát triển.

W-z5090434535390-4676a2ea753efffc55def096702a7216-2.jpg
T.H (theo Vietnamnet)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làng cổ Đường Lâm có gì khiến du khách ùn ùn đổ về những ngày giáp Tết?