Làng chài Kim Lai 10 năm an cư, lạc nghiệp

22/07/2018 18:52

Sau 10 năm được cấp đất định cư, giờ đây đời sống người dân làng chài Kim Lai (TP Hải Dương) đã ổn định, khấm khá hơn.


Sau 10 năm an cư, người dân Kim Lai đã có cuộc sống khá giả hơn. Trong ảnh: Một góc phố ở khu 16, phường Ngọc Châu (TP Hải Dương), nơi người dân Kim Lai sinh sống. Ảnh: Thành Chung

Đổi đời

Mưa vừa ngớt, một người đàn ông vạm vỡ, nước da rám nắng tay nhanh thoăn thoắt trộn vữa, xếp gạch xây tường bao. Chúng tôi hỏi về làng chài Kim Lai, người này cười bảo: “Kim Lai đây. Tôi là dân Kim Lai. Các cô cần hỏi gì?". Thấy chúng tôi có vẻ chưa tin lắm, anh giải thích giọng đầy tự hào: "Bây giờ không gọi là làng chài Kim Lai nữa mà là phố Kim Lai. Các cô nhìn xem nhà tầng san sát, đường rộng thênh thang khác nào đô thị mới đâu".

Gần 10 năm kể từ ngày UBND tỉnh quyết định cấp đất cho người dân chài Kim Lai lên bờ định cư, đến nay họ đã thay đổi nếp sống. Những chiếc thuyền, cánh lưới vốn gắn bó với cuộc sống sông nước bao đời với nhiều gia đình giờ chỉ còn là kỷ niệm. Nhiều hộ đã bỏ nghề chài lưới và có nghề mới để sinh nhai. Ông Nguyễn Văn Viết sau bao năm lênh đênh sông nước hiện chỉ ở nhà trông cháu và tập dưỡng sinh. Ông bảo: “Cuộc sống ổn định, không phải nay đây mai đó như trước nên bà nhà tôi béo khỏe hẳn ra. Ngày xưa, sương gió sông nước lại một nách 6 đứa con khiến bà ấy lúc nào cũng gầy rạc. Chúng tôi chật vật quanh năm trên sông lo cơm ăn không đủ nghĩ gì tới tập thể dục dưỡng sinh như bây giờ”.

Thấy ông Viết nói vậy, bà Ngấn vợ ông mắng yêu: “Ông chỉ khéo nịnh. Có an cư mới lạc nghiệp, may mà Nhà nước cho lên bờ định cư chứ không con cháu mình đến đời nào mới biết chữ”. Ngày ấy, gia đình bà Ngấn đông con nhất nhì xóm chài Kim Lai. Chiếc thuyền nhỏ chật chội, tồi tàn chỉ rộng chừng 5 m2 làm nơi ở cho cả nhà. “Mỗi lần dẫn con lên bờ, ánh mắt con thèm thuồng nhìn các bạn cùng trang lứa đeo cặp đến trường mà thương lắm. Lúc đó, tôi chỉ ước có một mảnh đất dù nhỏ thôi cũng có thể làm chỗ cắm dùi, mẹ con lên bờ kiếm sống. Mấy đứa lớn được đến trường và đứa bé được tiêm phòng đúng hạn”, bà Ngấn ngậm ngùi nhớ lại.

Kim Lai từng được mệnh danh là làng "nổi". Hằng ngày các hộ làng chài dong thuyền đi khắp các nhánh sông trong và ngoài tỉnh để đánh bắt cá. Họ phiêu bạt đến khắp nơi từ Hà Nội, Vĩnh Phúc cho đến Thanh Hóa, Nghệ An. Sống dập dềnh cùng sông nước nên với họ, điện thắp sáng và nước máy là những thứ gì đó rất xa xỉ. Nước dùng hằng ngày được lấy ngay từ sông. Nhà nào cẩn thận thì lấy phèn chua để tẩy còn không cứ thế mà dùng. Để tránh mưa bão, nhiều gia đình cẩn thận dựng tạm vài cái chòi nhỏ ở chân cầu Phú Lương. Khung chòi là vài thanh tre khô lượm lặt trên đường đi đánh cá và được quây lại qua quýt bằng mấy chiếc bao tải rách.


Cuộc sống được nâng lên, nhiều hộ dân Kim Lai có điều kiện xây nhà mới khang trang, to đẹp hơn

Làng chài Kim Lai được hình thành từ những năm 60 của thế kỷ 19. Cuộc sống nay đây mai đó không ổn định nên đa phần họ thất học, mù chữ. Ông Vũ Xuân Toàn, nguyên Trưởng khu dân cư số 16 phường Ngọc Châu kể: Năm 2007, khi ông làm trưởng khu, hơn 85% số người dân Kim Lai không biết đọc, biết viết. Những tưởng cuộc sống tối tăm cứ đeo đuổi mãi người dân nơi đây thì đến năm 2008, UBND tỉnh quyết định quy hoạch vùng định cư mới cho dân làng chài. Điều này chẳng khác nào họ bắt được phao cứu sinh. Hiện nay, dân Kim Lai đã biết đọc, biết viết, trẻ con được đến trường. Nhiều người đã tìm được nghề mới. Một số người mở cửa hàng buôn bán, làm dịch vụ rửa, sửa xe hoặc đi làm công nhân cho Công ty Bánh kẹo Vân Giang hay các doanh nghiệp may trong phố, chỉ cách nhà vài cây số.

Khát vọng làm giàu

Nhớ về lúc mới lên bờ, nhiều người dân ở đây cho biết vốn chỉ quen nghề sông nước nên những ngày đầu, cuộc sống của họ gặp không ít khó khăn. Chưa tìm được nghề mới, nhiều hộ quay lại nghề cũ. Ban ngày dong thuyền đi đánh cá, ban đêm lại lục tục kéo nhau về. Thấy vậy, lãnh đạo phường lo lắng, bởi khó khăn lắm địa phương mới tạo được quỹ đất để họ lên bờ sinh sống. Sau nhiều ngày suy tính, lãnh đạo phường Ngọc Châu quyết định tổ chức họp dân để nghe họ chia sẻ muốn làm hay khả năng làm được nghề gì. Sau khi tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, những lớp dạy nghề may, sửa chữa điện, điện tử lần lượt được mở ra. Nhưng những nghề mới này xem chừng chưa hấp dẫn được nhiều người ở đây. Rồi lãnh đạo phường Ngọc Châu nảy ra ý tưởng xin cơ quan chức năng hơn 6.000 m2 mặt nước để người dân nuôi cá lồng.

Nghề mới này đã thu hút được nhiều người dân Kim Lai trở về lập nghiệp. Các đoàn thể ở phường đã đứng ra tín chấp giúp những hộ dân ở đây vay vốn để đầu tư nuôi cá trên sông Thái Bình. Năm đầu chỉ vài hộ làm, sau thấy hiệu quả nhiều hộ đăng ký học và làm theo. Vẫn bám sông để kiếm sống nhưng giờ đây thu nhập từ nuôi cá lồng cao gấp nhiều lần so với nghề đánh bắt cá tự nhiên trước đây. Đến nay, ở Kim Lai đã có khoảng 20 hộ nuôi cá lồng với diện tích khoảng 1.500 m2. Họ đã thành lập một HTX chuyên chuyển giao khoa học kỹ thuật và hỗ trợ nhau về giống, vốn.


Sau nhiều năm lênh đênh sông nước, gia đình bà Vũ Thị Chín đã có cuộc sống ổn định ở khu đất định cư mới ngõ 4, khu 16, phường Ngọc Châu

Ươm giấc mơ đổi đời và nuôi khát vọng làm giàu, người dân Kim Lai hiểu rõ cần phải biết chữ. Vì vậy, chẳng cần vận động, kêu gọi, ngay khi lên bờ định cư, họ lần lượt xin cho con đi học các trường trong phường và khu vực lân cận. Anh Nguyễn Văn Tả ở ngõ 1, khu 16 bảo: "Biết chữ thôi chưa đủ, người dân làng chài Kim Lai phải học cao, đi xa mới có thể đổi đời được. Cha ông chúng tôi lênh đênh sông nước, thất học, mù chữ đã khổ rồi thì nay con cháu phải khác". Anh Tải nhẩm tính, chỉ riêng 5 năm trở lại đây, làng chài Kim Lai đã có gần 20 em học đại học, cao đẳng. Nhiều người ra trường làm trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài. Một số người sang Nhật Bản, Hàn Quốc làm việc. Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người ở Kim Lai đã đạt 40 triệu đồng, cao nhất nhì phường Ngọc Châu.

10 năm định cư cũng là chừng ấy thời gian người dân Kim Lai tìm kiếm cơ hội làm giàu để có cuộc sống sung túc, đủ đầy. Với họ ước mơ không còn giản đơn là lên bờ để con được cắp sách đến trường, có mảnh đất cắm dùi mà còn là cơ hội kiếm nghề mới làm giàu. Hiện nay, phường Ngọc Châu đang nỗ lực tìm giải pháp để những người dân nơi đây được tiếp cận nghề mới, có thu nhập cao. Ông Nguyễn Văn Hiệu, Chủ tịch UBND phường Ngọc Châu cho biết: "Cái khó là hiện nay người dân Kim Lai vẫn muốn gắn bó với nghề sông nước nên ngoài nghề nuôi cá lồng, chúng tôi đang định hướng cho họ phát triển thêm nghề vận tải thủy. Nghề này cần nguồn vốn lớn, trong khi đất ở họ mới chỉ trả Nhà nước được một phần nhỏ, khoảng từ 25-50 triệu đồng/mảnh. Sau 10 năm, nếu đóng hết số tiền còn nợ và đóng thêm hơn 100 triệu đồng nữa họ mới được dùng "sổ đỏ" để thế chấp vay vốn. Lúc đó, các hộ ở đây mới có để đầu tư phát triển nghề vận tải thủy và mở thêm một số ngành nghề mới".

Rời làng chài Kim Lai khi trời đã sẩm tối, những ánh đèn điện từ những ngôi nhà khang trang được bật lên thay cho những ánh đèn dầu tù mù đã từng theo họ bồng bềnh trên những con thuyền trôi nổi khắp các con sông trước đây, chúng tôi thấy thêm ấm lòng. Với cuộc sống mới ổn định, hy vọng một ngày nào đó, giấc mộng làm giàu của người dân Kim Lai sẽ thành hiện thực.

HẢI MINH

Năm 2008, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1429/QĐ-UBND về phê duyệt kế hoạch đấu thầu hạ tầng khu dân cư Kim Lai giá trị gần 17 tỷ đồng (tính đến thời điểm đề nghị là năm 2006) theo cơ chế giao cho đơn vị thắng thầu xây dựng cơ sở hạ tầng. Các hộ dân được giao đất phải nộp tiền xây dựng cơ sở hạ tầng từ 800.000-1 triệu đồng/m2 trên lô đất 60 m2. Đến nay, đã có hơn 300 hộ dân ở Kim Lai được cấp đất xây nhà ở. Phần lớn các hộ ở đây đã xây nhà mới khang trang, to đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làng chài Kim Lai 10 năm an cư, lạc nghiệp