Lan tỏa sự thân thiện và tử tế trong du lịch giúp quảng bá hình ảnh, con người Hải Dương tới du khách.
Nhặt được của rơi, trả lại người mất
Gắn bó nhiều năm với di tích Văn miếu Mao Điền ở huyện Cẩm Giàng, bà Nguyễn Thị Nền yên tâm làm việc vì có thêm một khoản thu nhập từ dọn dẹp vệ sinh ở di tích.
Hoàn cảnh của bà Nền khó khăn, chồng mất sớm, một mình phải nuôi dạy hai con khôn lớn. Mấy năm trước, bà mắc bệnh hiểm nghèo, phải vay mượn khắp nơi để chạy chữa. Trong dịp Tết Nguyên đán 2022, trong khi dọn dẹp di tích, bà nhặt được một chiếc túi nhỏ lẫn trong đám lá khô. Khi mở ra bà thấy bên trong có rất nhiều tiền. Ngay lập tức, bà báo với Ban Quản lý di tích Văn miếu Mao Điền để tìm người đánh rơi. Sau đó, Ban Quản lý di tích đã tìm được chủ nhân của tài sản trên và trả lại.
“Giúp du khách nhận lại tài sản, tôi rất vui và hy vọng họ sẽ trở lại đây tham quan nhiều lần”, bà Nền chia sẻ.
Anh Phạm Quang Vinh, cán bộ làm việc ở khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn-Kiếp Bạc (Chí Linh) cũng không ít lần nhặt được đồ giá trị của du khách đánh rơi hoặc bỏ quên. Những lúc như thế, anh chủ động tìm người trả lại. Thông qua mạng xã hội, hệ thống truyền thanh của Ban Quản lý, nhiều du khách đã nhận lại được đồ. Anh Vinh nhận được nhiều lời cảm ơn, ấn tượng tốt trong lòng du khách.
Anh Vinh cho biết: “Nhiều du khách sau khi nhận lại đồ bị mất muốn trả ơn bằng tiền nhưng tôi không nhận. Đã làm điều tốt thì trong tâm mình thoải mái là được. Đây là điều mà mỗi người cần làm”.
Tạo thiện cảm cho du khách
Sự thân thiện và tử tế sẽ góp phần không nhỏ tạo nên thương hiệu và sự phát triển bền vững cho du lịch. Từ những hành động nhỏ, du khách sẽ có được niềm tin về một điểm đến an toàn, thân thiện và mến khách.
Theo chị Đinh Thị Liên, nhân viên khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn- Kiếp Bạc, muốn du khách lắng nghe thì người thuyết minh phải thân thiện, gần gũi, tạo thiện cảm với du khách. Có như vậy họ mới thực sư yêu quý nơi mình đến tham quan.
Nắm bắt được điều này, hằng năm ngành văn hóa, thể thao và du lịch Hải Dương thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng đón tiếp du khách cho những người làm du lịch, nhất là cách ứng xử văn minh trong tiếp đón du khách.
“Nếu như sự niềm nở mang tới sự thoải mái trong chuyến du lịch thì sự tử tế lại mang tới sự tin tưởng. Tôi nghĩ mỗi doanh nghiệp hay điểm đến du lịch nào cũng đều cần những điều này", bà Hoàng Thị Thúy, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Dòng chảy Việt chia sẻ.
Thời gian tới, để lan tỏa sự thân thiện và tử tế trong ngành du lịch thì các khu, điểm di tích, du lịch cần nâng cao chất lượng làm dịch vụ; dẹp bỏ nạn chèo kéo, tăng giá thời vụ, bán hàng kém chất lượng...
Mỗi người dân cũng cần là một "đại sứ du lịch” lan tỏa việc làm tốt tại các điểm đến để tạo ấn tượng với du khách. Ngược lại, khách du lịch cũng cần tôn trọng văn hóa địa phương; bảo vệ môi trường bằng cách không vứt rác bừa bãi, không sử dụng những sản phẩm gây ô nhiễm khi đi du lịch…
TRƯỜNG THÀNH