Lan tỏa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

30/11/2020 18:00

 Trải qua 20 năm, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã thực sự phát huy hiệu quả, đi vào đời sống cộng đồng.


Người dân xã Bạch Đằng luyện tập thể thao

Được coi là giải pháp quan trọng để hiện thực hóa Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) của Đảng về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, 20 năm qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở Hải Dương đã thực sự phát huy hiệu quả.

Dấu ấn

Ngay sau khi phong trào được Trung ương phát động, Hải Dương đã thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) các cấp, đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Xác định đây là phong trào rộng lớn, mọi cá nhân, tập thể đều có trách nhiệm tham gia, nhiều chương trình hành động được triển khai, cụ thể hóa đến từng địa phương, nhận được sự đồng thuận.

Đến nay, phong trào đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Hiện toàn tỉnh có 90% số gia đình văn hoá; 96% số làng, khu dân cư (KDC) văn hoá; 86,4% số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá; có 11.299 lượt làng, KDC, xã, phường, thị trấn, cơ quan đạt “An toàn về an ninh trật tự”; trên 65.000 lượt gia đình được công nhận danh hiệu “Ông bà mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền”…

Toàn tỉnh hiện có trên 3.500 câu lạc bộ (CLB), điểm, nhóm hoạt động. Tỷ lệ người tập luyện thường xuyên đạt 30% và số gia đình thể thao đạt 21%; 1.400 đội văn nghệ quần chúng, 7.778 loại hình CLB văn hóa, văn nghệ. Nhân dân đã đóng góp hơn 2.000 tỷ đồng, hàng trăm nghìn m2 đất thổ cư và 987.000 ngày công để xây dựng nông thôn mới. Hiện tỉnh có 165/178 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 9 xã nông thôn mới nâng cao; 7 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. 

Phong trào lành mạnh việc cưới, việc tang được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực, nhiều lễ hội truyền thống lưu giữ được các tập tục dân gian đặc sắc… Ngoài ra, phong trào còn khơi dậy những tình cảm cao đẹp, tinh thần tương thân tương ái. Các cấp, các ngành đã vận động các nguồn lực trong nhân dân hỗ trợ xây mới và tu sửa hàng nghìn ngôi nhà, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 1,36%. Vừa qua, BCĐ phong trào các cấp trong tỉnh đã triển khai đợt vận động “Toàn dân ủng hộ phòng chống dịch Covid-19” được trên 32 tỷ đồng, cùng nhiều vật tư y tế góp phần đẩy lùi đại dịch.

Tiếp tục nỗ lực

Các phong trào được nhân dân hưởng ứng, thực hiện hiệu quả đã tạo không khí thi đua phấn khởi. Chúng tôi nhận thấy rõ điều đó khi về xã Bạch Đằng (Kinh Môn). Trong không khí toàn tỉnh lập thành tích chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, hướng đến Đại hội XIII của Đảng, người dân Bạch Đằng cũng tổ chức các phong trào, hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi.

Bạch Đằng đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014. Năm 2019, xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Chỉ hơn một năm, Bạch Đằng tiến hành chỉnh trang đường giao thông nông thôn, bê tông hóa đường nội đồng, nâng cấp tu sửa hệ thống thiết chế văn hóa các KDC… với tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa. 

Cái được ở Bạch Đằng là xã đã chú trọng xây dựng và sử dụng hiệu quả công năng các thiết chế văn hóa, từng bước chăm lo đời sống cho người dân. Trước đây, cả 3 thôn của xã đều đã có đầy đủ nhà văn hóa, sân thể thao, thư viện… Riêng nhà văn hóa trung tâm xã được xây dựng với kinh phí hơn 5 tỷ đồng từ năm 2014 ngày nào cũng mở cửa để người dân đến tập luyện. Đến nay, các phong trào văn hóa, thể thao càng thêm phát triển khi có 10 đội bóng chuyền hơi, 3 đội văn nghệ thường xuyên tập luyện… Ngoài ra, địa phương còn thành lập CLB liên thế hệ thu hút nhiều lứa tuổi tham gia, làm lực lượng nòng cốt cho các hoạt động xung kích trong các hoạt động phát triển văn hóa - xã hội, bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường của địa phương.

Chính sự phát triển đồng bộ, sử dụng hiệu quả công năng của các thiết chế văn hóa cơ sở đã góp phần gắn kết và động viên mỗi người dân chung sức, đồng lòng xây dựng đời sống văn hóa tại KDC. Vì những lý do ấy, Bạch Đằng được BCĐ phong trào đề nghị Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba.

Còn nhiều nữa những cái tên để lại dấu ấn trong xây dựng phong trào như: KDC Nhân Đào (thị trấn Nam Sách); làng văn hóa Phan Chi, xã Kim Anh (KimThành); KDC số 11, phường Bình Hàn (TP Hải Dương)...  và hàng chục làng, KDC giữ vững danh hiệu “Làng, KDC văn hóa” được UBND tỉnh tặng bằng khen.

Trong hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện phong trào, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng đánh giá phong trào đã phát triển cả về số lượng, chất lượng và đi vào chiều sâu. Đồng chí mong muốn thời gian tới, phong trào được nâng lên một tầm cao mới. Rõ ràng vẫn có hạn chế nhưng với những thành tựu đã đạt được, phong trào sẽ còn tiếp tục lan tỏa, tiếp tục đóng góp cho sự phát triển kinh tế - văn hóa của Hải Dương.

HUYỀN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lan tỏa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”