Từ chỗ chỉ dành cho người cao tuổi (NCT), bóng chuyền hơi đang trở thành môn thể thao quần chúng được đông đảo người dân với đủ mọi thành phần, lứa tuổi tham gia.
Xã Hiệp Cát và Nam Chính (Nam Sách) thi đấu bóng chuyền hơi
Phát triển nhanh
Ông Phạm Sĩ Cẩn, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhớ vào khoảng năm 2013, cả tỉnh lúc đó chỉ có 2 câu lạc bộ bóng chuyền hơi của NCT ở 2 xã thuộc 2 huyện Thanh Miện và Tứ Kỳ. Khi ấy, ông Cẩn cùng một lãnh đạo Hội NCT tỉnh từng về dự một buổi giao lưu giữa 2 câu lạc bộ này. Nhận thấy bóng chuyền hơi dễ chơi, không kén người nên các ông đã bàn bạc xây dựng quy chế phối hợp giữa 2 cơ quan nhằm nhân rộng môn thể thao mới cho NCT.
Năm 2014, Luật Thi đấu bóng chuyền hơi được Tổng Cục Thể dục thể thao ban hành. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ban đại diện Hội NCT tỉnh đã phối hợp tổ chức tập huấn về môn thể thao này cho Ban đại diện Hội NCT các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Sau đó, Ban đại diện Hội NCT các địa phương tích cực tuyên truyền, khuyến khích nhân rộng. Chỉ trong một thời gian ngắn, môn thể thao này đã nhanh chóng được NCT hưởng ứng mạnh mẽ.
Ông Phạm Quang Sản, Phó Trưởng Ban đại diện Hội NCT tỉnh cho biết hiện nay hầu hết các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có câu lạc bộ bóng chuyền hơi của NCT.
Không hiếm Hội NCT xã, thị trấn đã phát triển môn thể thao này ra 100% các thôn, khu dân cư trên địa bàn. Cứ vào chiều tối, tại nhà văn hóa các thôn, khu dân cư, các điểm vui chơi công cộng dễ dàng bắt gặp hình ảnh NCT gồm cả nam và nữ chơi bóng chuyền hơi trong không khí vui vẻ.
"Bóng chuyền hơi thực sự đã mang đến một luồng sinh khí mới, giúp NCT trong tỉnh có sân chơi vui khỏe, giải tỏa được nhiều áp lực, lo toan ở tuổi xế chiều", ông Sản nói.
Không chỉ NCT, môn thể thao bóng chuyền hơi những năm gần đây còn thu hút nhiều người thuộc đủ mọi thành phần, lứa tuổi tham gia, từ thanh niên, phụ nữ, nông dân đến thanh niên, công nhân... Thanh Miện là địa phương có phong trào bóng chuyền hơi hình thành và phát triển sớm nhất tỉnh.
Theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao Thanh Miện Nguyễn Văn Chính, đến nay tất cả 17 xã, thị trấn trong huyện đều thành lập được đội bóng chuyền hơi cả nam và nữ. Rất nhiều địa phương trong huyện là các xã Ngô Quyền, Tứ Cường, Lam Sơn, Thanh Tùng, thị trấn Thanh Miện... có 100% số thôn, khu dân cư thành lập được đội bóng chuyền hơi.
Đội bóng chuyền hơi của các địa phương thường xuyên thi đấu giao lưu với nhau. Nhờ đó mà chất lượng chuyên môn ngày một nâng cao. Năm 2018, đội bóng chuyền hơi nữ xã Thanh Tùng đại diện cho huyện đi tham dự Đại hội Thể dục thể thao tỉnh lần thứ VIII đã giành huy chương vàng.
Bóng chuyền hơi thậm chí đã và đang đến với nhiều trường học. Năm 2018, Trường Tiểu học Cộng Lạc (Tứ Kỳ) bắt đầu tổ chức cho giáo viên chơi bóng chuyền hơi vào các buổi chiều sau khi học sinh tan học. Cán bộ, giáo viên ở đây chia ra thành 1 đội bóng chuyền hơi nam, 2 đội nữ tập luyện đều đặn.
Vào mỗi dịp lễ trong năm, nhà trường thường tổ chức giao lưu bóng chuyền hơi nội bộ hoặc với đội bóng chuyền hơi các thôn, khu dân cư trong khu vực. Kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ 8.3 năm nay, trường này sẽ tổ chức giải thi đấu bóng chuyền hơi với sự tham dự của 8 đội nam, nữ đến từ các trường tiểu học ở khu hạ Tứ Kỳ.
"Môn thể thao này giúp anh chị em chúng tôi có được những giây phút vui vẻ, giải tỏa áp lực công việc. Sức khỏe được nâng lên, tình cảm đồng chí, đồng nghiệp thêm gần gũi, gắn bó", anh Nguyễn Hùng Hoàng, giáo viên Trường Tiểu học Cộng Lạc nói.
Hấp dẫn nhiều đối tượng
Phong trào bóng chuyền hơi ngày càng lan tỏa do có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Môn thể thao này có thể chơi ở nhiều không gian khác nhau từ sân vận động, sân nhà văn hóa thôn đến công viên, sân cơ quan, công sở, thậm chí là cả trong sân nhà riêng.
So với các môn thể thao khác, chi phí đầu tư cho bóng chuyền hơi ít tốn kém với chỉ khoảng từ 400.000-500.000 đồng cho một bộ lưới và bóng. Cũng vì thế mà nhiều người ví von đây là môn thể thao bình dân.
Bóng chuyền hơi dễ chơi, không phức tạp, lại không đòi hỏi nhiều sức mạnh cơ bắp, ít khi gây chấn thương... nên người nào có đủ sức khỏe là có thể chơi được. Môn thể thao này không chỉ giúp rèn luyện sức khỏe, tạo tinh thần thoải mái mà còn góp phần gắn kết cộng đồng.
Ít môn thể thao quần chúng tại tỉnh ta thu hút được nhiều đội tham gia như bóng chuyền hơi. Giải bóng chuyền hơi dành cho NCT do Ban đại diện Hội NCT tỉnh phối hợp tổ chức 2 năm/lần luôn quy tụ đầy đủ các đội bóng chuyền hơi các huyện, thị xã, thành phố tham gia.
Để khuyến khích môn thể thao này phát triển, hằng năm, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều tổ chức giải cho cả NCT, phụ nữ... Nhiều huyện như Thanh Miện còn hỗ trợ mỗi xã 2 quả bóng và một bộ lưới để phát triển môn thể thao này.
Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Thanh Miện Nguyễn Văn Chính thông tin, trong năm nay trung tâm sẽ tổ chức tập huấn nghiệp vụ về bóng chuyền hơi cho đối tượng này.
Ông Phạm Quang Sản, Phó Trưởng Ban đại diện Hội NCT tỉnh cho rằng với đặc điểm dễ chơi, không kén người, lại tạo được sự lan tỏa, bóng chuyền hơi hoàn toàn có thể phát triển cả với đối tượng là học sinh, sinh viên.
Quan trọng là các đơn vị cần tạo điều kiện về sân chơi, dụng cụ và thường xuyên tổ chức các giải giao hữu, thi đấu để phát triển phong trào lên một tầm cao mới.
BÌNH MINH