Ngày 28/8, thêm 4 ngân hàng công bố giảm mạnh lãi suất huy động, nâng tổng số ngân hàng tham gia giảm lãi suất trong tuần qua đến nay là 26 ngân hàng. Hiện chỉ còn 3 ngân hàng có lãi suất trên 7%.
Theo đó, SaigonBank vừa áp dụng biểu lãi suất mới với việc điều chỉnh giảm 0,4 - 0,7 điểm % ở tất cả các kỳ hạn gửi. Cụ thể, kỳ hạn 1 tháng giảm từ 4,3% xuống 3,6%; kỳ hạn 3 tháng giảm từ 4,4% xuống 4%; kỳ hạn 6 tháng giảm từ 6,4% xuống 6%; kỳ hạn 12 tháng giảm từ 6,6% xuống 6,2%; kỳ hạn 13 tháng giảm từ 7,1% xuống 6,6%; kỳ hạn 36 tháng giảm từ 6,6% xuống 6,2%.
Với việc điều chỉnh này, Saigonbank là ngân hàng tiếp theo đưa lãi suất huy động xuống dưới mức 7%/năm. Trước đó, Saigonbank cũng đã có một đợt giảm lãi suất vào đầu tuần trước.
Tương tự, Oceanbank cũng công bố giảm 0,5 điểm % lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Hiện mức lãi suất cao nhất của ngân hàng này đã giảm từ 7,3% về còn 6,8%, dành cho các kỳ hạn 18 - 36 tháng, theo hình thức gửi tiền online.
Trong khi đó, Ngân hàng Bản Việt cũng đã giảm 0,3 điểm % tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Theo đó, lãi suất huy động các kỳ hạn này đã giảm từ 6,55 - 6,95%/năm về còn 6,25 - 6,65%/năm.
GPBank có mức điều chỉnh thấp nhất với mức giảm lãi suất 0,2 điểm % tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên; đưa mức lãi suất cao nhất về còn 6,25%, áp dụng cho các khoản tiền gửi từ 13 tháng trở lên theo hình thức gửi tiền online.
Trong tuần qua, đã có 22 ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Trong đó, 4 ngân hàng lớn là BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank đồng loạt giảm lãi suất huy động trong ngày 23/8, với mức giảm từ 0,3 - 0,5 điểm % ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Các ngân hàng khác có mức giảm phổ biến trong khoảng 0,1 - 0,3 điểm %.
Sau các đợt giảm liên tiếp, hiện chỉ còn 3/34 ngân hàng trong nước được khảo sát còn niêm yết lãi suất huy động ở mức trên 7% là Dong A Bank, Nam A Bank và PvcomBank; đồng thời chênh lệch lãi suất giữa các nhóm ngân hàng không còn quá rộng.
Ở các ngân hàng tư nhân nhỏ, mức lãi suất huy động cao nhất chủ yếu nằm 6,5 - 7%; trong khi nhóm ngân hàng tư nhân lớn có mức lãi suất cao nhất, chủ yếu dao động trong khoảng 5,8 - 6,8%/năm như: SHB (6,8%), Sacombank (6,5%), MB (6,6%), Techombank (6,3%), ACB (5,8%).
Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank có lãi suất tiền gửi cao nhất là 5,8%/năm.
Cùng với việc giảm lãi suất huy động, các NHTM cũng đồng loạt triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi, hay các gói tín dụng lớn dành cho những đối tượng khách hàng nhất định. Đặc biệt trung tuần tháng 8/2023, sau khi NHNN có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm mặt bằng lãi suất thêm tối thiểu từ 1,5 - 2%/năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh thì mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm nhanh.
Theo đó, BIDV triển khai gói tín dụng ưu đãi dành riêng cho khách hàng cá nhân vay phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh với lãi suất vay chỉ từ 6,8%/năm đối với các khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng và từ 7,8%/năm đối với các khoản vay từ 6 tháng đến 12 tháng. Với khách hàng vay để phục vụ các nhu cầu chi tiêu mua sắm, lãi suất cho vay từ 8,5%/năm.
Trong khi đó, Sacombank đang cho khách hàng doanh nghiệp vay với lãi suất từ 7,2%/năm. Nhìn chung, hiện lãi suất cho vay, kể cả các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng chỉ dao động từ 7,5 - 11,8%/năm.
Theo NHNN, mặc dù đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong điều hành nhưng trong thời gian tới, mục tiêu tăng trưởng tín dụng vẫn sẽ phải đặt ra. Vì thế, các NHTM cần chủ động giảm mặt bằng lãi suất, giảm các loại phí, thể hiện nhiều hơn trách nhiệm với cộng đồng nhưng cũng phải đảm bảo an toàn, không để rơi vào tình trạng yếu kém về tài chính.
Ngoài ra, các NHTM phải tiếp tục cắt giảm thủ tục tiếp cận tín dụng, khuyến khích các doanh nghiệp vay vốn...; tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu, giãn, hoãn lại nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.
Theo Báo Tin tức